Đệ nhất danh sáo bất ngờ đụng cao thủ, chỉ nhìn bề ngoài thô tháo, sao có thể phân biệt được cao nhân?

Trong cuốn “Quốc sử bổ” (còn gọi là “Phụ lục sử nhà Đường”) do Lý Triệu đời Đường viết: “Mô thổi sáo thiên hạ đệ nhất”. Chữ “Mô” này chính là chỉ Lý Mô. Vào những năm đầu của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, Lý Mô được xưng hiệu là cao thủ thổi sáo đệ nhất thiên hạ, không một người thổi sáo đương thời nào có thể so sánh được với ông. Có một lần, vì một chút sự tình gì đó, ông đã rời giáo phường dạy học nơi ông làm việc đến Thiệu Hưng ở Việt Châu (một châu ở Trung Quốc cổ đại, trung tâm là thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay). Quan lại và tư nhân ở Việt Châu đều tranh nhau mời Lý Mô đến dự yến tiệc, chỉ để được nghe tiếng sáo mỹ diệu của ông.

Khi đó ở Việt Châu có mười người được tiến cử đi tham gia kỳ thi tiến sĩ, gia đình họ rất giàu có. Mọi người cùng nhau gom hai nghìn văn tiền, tụ hội tại Cảnh Hồ, tính mời Lý Mô chơi một khúc sáo bên hồ. Nghĩ đến phong độ tao nhã của Lý Mô khi thổi sáo, họ càng ngưỡng mộ ông hơn! Vì tiền nhiều người ít, nên mọi người hẹn nhau, mỗi người được mang theo một vị khách đến yến hội. Trong số họ có một người, mãi đến tối muộn mới nhớ ra việc này, nhưng đã quá muộn để đi mời khách. Hàng xóm của anh chàng này có một người đàn ông gọi là Độc Cô, tuổi đã rất lớn, luôn sống ở trong làng, mọi chuyện nhân sự thế gian ông lão đều rất mơ hồ không rõ. Ông lão sống trong một túp lều cũ, mọi người đều gọi ông lão là “lão Độc Cô”. Vì không còn ai để mời, chàng thư sinh đã đưa lão Độc Cô cùng đến yến hội.

Khi đến nơi tụ hội, họ được bao quanh bởi làn nước trong xanh sóng sánh, khung cảnh vô cùng kỳ diệu và mỹ lệ. Lý Mô lấy sáo ra lau, con thuyền dần dần tiến vào trung tâm Cảnh Hồ. Lúc này, bầu trời bỗng phủ bóng mây mờ mờ, có chút u ám, gió nhẹ đang thổi mặt hồ gợn sóng, thì bỗng nhiên gió to sóng lớn nổi lên. Lý Mô cầm sáo lên bắt đầu thổi. Tiếng sáo vừa cất lên, bầu trời u ám đột nhiên trong sáng hơn, mặt nước và rừng cây bỗng lặng ngắt, như thể quỷ thần đang đến. Những khách mời không ngừng tán dương khen tụng, cho rằng ngay cả âm nhạc trên Thiên thượng cũng kém xa tiếng sáo của Lý Mô!

Nhưng chỉ mình lão Độc Cô lặng thinh không nói một lời, tất cả khách mời trong yến hội đều rất tức giận. Lý Mô cho rằng lão Độc Cô coi thường mình, đặc biệt buồn bực. Qua một hồi lâu, Lý Mô lại tĩnh tĩnh chơi một khúc nhạc mới, thậm chí còn tuyệt diệu hơn trước. Mọi người đều ngạc nhiên tán thưởng! Nhưng lão Độc Cô vẫn không lên tiếng. Người mời ông lão hàng xóm đến đây cảm thấy xấu hổ và hối hận, bèn giải thích với mọi người: “Lão Độc Cô sống một mình ở một ngôi làng hẻo lánh, ông lão hiếm khi lên thành phố, những thứ như âm nhạc ông ấy cũng không hiểu biết lắm”. Quan khách bảy miệng tám lưỡi cười giễu mắng nhiếc ông lão. Lão Độc Cô không trả lời, chỉ mỉm cười.

Lý Mô nói: “Lão thế này, là đang coi thường tôi, hay là vì bản thân lão cũng là một cao thủ thổi sáo?” Lão Độc Cô sau đó mới chậm rãi mở miệng: “Tiên sinh làm sao biết tôi không thổi sáo?” Lý Mỗ sau khi nghe câu trả lời không thân thiện lắm này, sắc mặt càng trở nên khó chịu hơn. Bốn vị khách nhìn thấy Lý Mô nét mặt biến sắc, đều lần lượt đứng dậy xin lỗi và an ủi Lý Mô.

Lúc này lão Độc Cô nói tiếp: “Tiên sinh hãy thử thổi một khúc ‘Lương Châu’ xem nào”.  Sau khi Lý Mô thổi xong, lão Độc Cô nói: “Tiên sinh thổi cũng rất hay, chỉ là thanh điệu tạp lẫn phong vị của âm nhạc ngoại quốc, có phải là có một người bạn từ nước Cưu Tư không?” (Cưu Tư là một nước lớn ở Tây Vực thời cổ đại) Lý Mô kinh ngạc khi nghe điều này, lập tức đứng dậy cúi đầu hành lễ và nói: “Lão nhân gia quả thực là thần tiên sống mà! Bản thân tôi thậm chí còn không cảm nhận được điều đó. Thầy của tôi xác thực là người Cưu Tư!” Lão Độc Cô lại nói: “Tiên sinh đến điệp thứ 13 lại thổi nhầm sang khúc ‘Thủy điệu’, tiên sinh biết không?” Lý Mô đáp: “Tôi thật là ngu muội, thực là không cảm giác được điều đó.”

Lão Độc Cô cầm cây sáo lên thổi thổi, rồi nói: “Những thứ này đều không có giá trị sử dụng, người thổi chúng chỉ biết chút ít về âm nhạc mà thôi.” Lý Mô lại rút ra một cây sáo khác, lau chùi cẩn thận, rồi chuyển cho lão Độc Cô. Lão Độc Cô đổi cây sáo trong tay và nói: “Cây sáo này một khi thổi đến phần ‘nhập phá’, âm điệu vừa cao, tiết tấu vừa nhanh, khẳng định sẽ bị nứt, tiên sinh có tiếc không?” Lý Mô đáp: “Không dám”. Lão Độc Cô lúc này mới nâng cây sáo lên thổi. Âm hưởng của tiếng sáo vút cao xuyên qua tầng mây, những vị khách ngồi đó nghe thấy chấn động, toàn thân run rẩy.

Lý Mô vừa hổ thẹn vừa kính phục, bối rối bất an, không dám động đậy. Thổi đến điệp thứ mười ba, ông lão chỉ ra cho Lý Mô thấy đã thổi sai ở chỗ nào, Lý Mô kính phục vô hạn, quỳ xuống bái tạ. Vừa thổi đến đoạn nhập phá, thì cây sáo thực sự bị nứt, không thể hoàn thành khúc nhạc. Lý Mô lại lần nữa quỳ xuống bái, mọi người đều trầm trồ bội phục. 

Sáng sớm hôm sau, Lý Mô cùng các vị khách trong yến hội đặc biệt đến gặp lão Độc Cô xin thỉnh giáo. Khi đến nơi, họ thấy ở đó chỉ còn lại vài túp lều, còn lão Độc Cô thì không thấy đâu nữa. Những người ở Việt Châu, hễ biết lão Độc Cô, đều tìm kiếm lão khắp nơi, nhưng không ai biết lão đã đi đâu!

Nguồn “Tục ngu sơ chí” (續虞初志)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch