Lời toà soạnCác dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Loài chó chính là một trong những động vật được loài người thuần hóa sớm nhất trong lịch sử. Ngày nay, chó được coi như là “người bạn tốt” của con người. Nhưng từ trước đó, các xã hội cổ đại, bao gồm cả Trung Quốc cổ đại cũng chia sẻ quan niệm này. Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, loài chó giữ nhiều vai trò quan trọng, không chỉ trong đời sống thường nhật mà còn cả trong những câu chuyện thần thoại của người dân.

Chó – một trong 12 con giáp

Ở Trung Quốc, trong suốt hàng ngàn năm, người ta đã trân trọng xếp loài chó vào hàng 12 con giáp “sanh tiếu” (生肖) [1]. Theo quan niệm truyền thống, người sinh vào tuổi Tuất (tức tuổi Chó) cũng sở hữu những phẩm chất tương tự loài chó như: trung thành, đáng tin cậy, tốt bụng.

Có một câu thành ngữ Trung Quốc nói về lòng trung thành của loài chó như sau: “Cẩu bất hiềm gia bần, nhi bất hiềm mẫu xú” (狗不嫌家贫,儿不嫌母丑). Nghĩa là: “Chó không chê chủ nghèo, con không chê mẹ xấu”.

Tượng chó đá thời Hậu Hán. Ảnh: Wikipedia

Sự tôn trọng dành cho loài chó có lẽ thể hiện rõ ràng hơn trong các câu chuyện thần thoại của người dân tộc ít người Trung Quốc. Ví dụ, người Dao và người Xa thờ phụng một chú chó có tên là Bàn Hồ và coi đó như tổ tiên của mình. Truyền thuyết kể rằng, Bàn Hồ vốn là chó nuôi của Đế Khốc [2]. Trong một lần Đế Khốc gặp nạn trên đường chinh phạt, Bàn Hồ đã giết chết tướng địch rồi lấy được đầu hắn về.

Để tưởng thưởng cho chiến công này, hoàng đế đã gả con gái của mình cho Bàn Hồ. Bàn Hồ mang công chúa về vùng núi phía nam Trung Quốc rồi sinh con đẻ cái ở đấy. Vì thế, người Dao và người Xa có một giới luật cấm kị ăn thịt chó.

Chó – một loại thực phẩm, một vật hiến tế

Một con chó ngao Tây Tạng. Ảnh: Youtube

Trong khi đang có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc ăn thịt chó, với nhiều người Trung Quốc đây rõ ràng vẫn là một món ăn khoái khẩu. Theo những sử liệu được ghi chép trong thư tịch cổ Trung Quốc, chó không những được dùng để canh gác hay tham gia vào những cuộc đi săn mà còn trở thành vật hiến tế trong các nghi lễ, thậm chí trở thành một nguồn thực phẩm.

Đã có những bằng chứng cho thấy rằng, trong suốt triều đại nhà Thương, sau khi xây cất xong các lăng tẩm, cung điện hoàng gia, người ta thường giết chó để hiến tế như một kiểu “khánh thành” cho công trình mới.

Ngoài ra, người ta cũng từng giết chó và chôn cất ở trước nhà hay trước cổng thành để xua đuổi tà ma hay những điềm xấu. Dần dần, theo thời gian, việc giết chó hiến tế ngày càng ít đi và chó rơm được dùng để thay thế.

Với vai trò là một nguồn thực phẩm, thịt chó thường xuất hiện trong những bữa tiệc chiêu đãi, thậm chí các hoàng đế Trung Hoa cũng thường dùng món này. Nhiều người còn tin rằng ăn cá chiên bằng mỡ chó có thể giúp thanh nhiệt vào mùa hè. Các hoàng đế cũng ăn thịt chó trong suốt mùa thu để điều hòa tinh thần, giảm bớt mệt mỏi.

Không phải lúc nào cũng là bạn tốt

Lã Động Tân, một trong tám vị Bát tiên. Ảnh: tinhhoa.net

Mặc dù là một con vật đáng trọng và hữu ích trong xã hội cổ đại Trung Quốc song loài chó vẫn bị gán cho một số ý nghĩa tiêu cực. Ví dụ, người ta giải thích hiện tượng nhật thực, nguyệt thực là do “Thiên Cẩu” (Con chó của trời) thỉnh thoảng đói bụng rồi nuốt chửng cả mặt trời, mặt trăng. Để cứu mặt trời, mặt trăng, Trương Tiên [3], một vị thần bảo hộ cho các hài nhi, trẻ sơ sinh, đã dùng cây cung của mình đuổi bắn Thiên Cẩu.

Thêm nữa, cũng có khá nhiều thành ngữ Trung Quốc miêu tả loài chó với nghĩa tiêu cực. Ví như câu: “Cẩu chủy lý thổ bất xuất tượng nha” (狗嘴里吐不出象牙), nghĩa là: “Bên trong miệng chó không thể mọc được ngà voi”, ý nói: miệng của kẻ xấu không thể nào nói ra những lời tốt đẹp.

Một câu khác nói: “Cẩu giảo Lã Động Tân [4], bất thức hảo nhân tâm” (狗咬吕洞宾,不识好人心), nghĩa là: “Chó cắn Lã Động Tân, không biết tới người có lòng tốt”. Câu này thường được dùng để ám chỉ những người lấy oán báo ân, dùng hành vi tàn ác đáp trả lòng tốt của người khác.

Một bức họa miêu tả cảnh yến tiệc ngoài trời từ thời nhà Tống (960–1279). Ảnh: Wikipedia

Như vậy, trong xã hội Trung Quốc cổ đại, loài chó đại diện cho cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Khi là một thần vật được tôn kính, nó chiếm một vị trí trong 12 con giáp linh thiêng. Nhưng khi bị nhắc tới trong những câu thành ngữ đầy tính miệt thị, loài chó trở nên hết sức tầm thường. Trong cuộc sống thường nhật, có khi chó là bạn đồng hành, là vệ sĩ của con người trong những cuộc đi săn nhưng cũng có lúc chúng bị giết cho các nghi lễ hiến tế hay được sử dụng như một nguồn thực phẩm. 

Những năm gần đây, Trung Quốc đã bị lên án rất nhiều vì những hành vi đối xử tồi tệ với loài chó. Ở lễ hội thịt chó Ngọc Lâm, tổ chức thường niên ở Ngọc Lâm (Quảng Tây), người ta ước tính có tới 10.000 đến 15.000 con chó bị nhốt trong những chiếc lồng chật hẹp trước khi được chở đến khu giết mổ để làm thịt và tiêu thụ. Các nhóm bảo vệ động vật ở trong và ngoài Trung Quốc đã tổ chức những chiến dịch vận động kêu gọi tẩy chay, chấm dứt lễ hội tàn bạo này, nơi những chú chó bị hành hạ và đối xử một cách tàn nhẫn.

[1] “Sanh tiếu” theo quan niệm của Trung Quốc bao gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Khác với Việt Nam, người Trung Quốc lấy con thỏ làm đại diện cho “Mão”. 
[2] Đế Khốc còn gọi là Đế Cốc, họ Cơ, tên Tuấn là một trong “Ngũ Đế” của Trung Quốc.
 
[3] Trương Tiên còn gọi là Trương Tiên Đại Đế, Trương Viễn Tiêu, là một vị thần của Đạo Giáo, người ban phước lành và bảo hộ cho trẻ em hay những hài nhi còn chưa ra đời.
 
[4] Lã Động Tân là một trong số “Bát Tiên” được tôn kính của Trung Quốc. Đây là một trong những hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Tham khảo: Ancient Origins

Hữu Bằng