Nguyên tác: 答國王國祚之問

國祚如藤絡,
南天裏太平。
無為居殿閣,
處處息刀兵。

Phiên âm: Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa:

Vận nước như dây leo quấn quít,
Trời Nam mở nền thái bình.
Hãy dùng phép Vô vi ở nơi cung đình,
Thì mọi chốn đều dứt hết đao binh.

(Tác phẩm được chép trong “Thiền uyển tập anh” )

Dịch thơ

“Ngôi nước như mây cuốn,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện gác,
Chốn chốn tắt đao binh.”

(Bản dịch của Đoàn Thăng)

Trong ba vị Thiền sư đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh năm 981 là Thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh và Pháp Thuận, thì có vẻ Thiền sư Pháp Thuận là người được vua Lê Đại Hành tín nhiệm và kính trọng nhiều nhất.

vua-le-dai-hanh (Tranh minh họa vua Lê Đại Hành: internet)

Việc vua Lê Đại Hành đã đem vận nước ngắn dài ra để nghiêm túc hỏi ý kiến của Thiền sư Pháp Thuận cho thấy vua rất muốn lắng nghe những lời vàng ngọc của Sư. Hỏi đáp về vận nước là nói đến vận mạng sinh tồn hưng suy của một triều đại. Vua Lê Đại Hành đã đem vận mạng của triều đình mình để hỏi, điều này cũng có nghĩa ông hoàn toàn tin tưởng Thiền sư Pháp Thuận. Rõ ràng, vua Lê Đại Hành đã nhìn Thiền sư Pháp Thuận không chỉ là một cố vấn thân tín, mà còn là một cố vấn có đủ khả năng phân tích để có thể thấy đâu là sở trường, đâu là sở đoản của triều đại mà mình vừa dựng nghiệp. Câu hỏi được đặt vào một thời điểm mà thời Tiền Lê do Lê Hoàn đứng đầu đang đứng trước những khó khăn thách thức với nguy cơ có thể bị sụp đổ.

Thử điểm lại một số sự kiện chính lúc này: Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979) và sau đó, Hầu Nhân Bảo tiến quân vào nước ta vào mùa Xuân tháng 3 năm Tân Tỵ (981). Lê Hoàn đang bị áp lực “thù trong giặc ngoài”, tứ bề thọ địch, vận nước treo trên sợi chỉ mành. Lúc này nếu không có sự ủng hộ tuyệt đối của dân thì Lê Hoàn khó nghĩ đến việc kinh bang tế thế. Ông không có cách nào đè bẹp và tiêu diệt đám thù trong giặc ngoài ấy. Thử xem, bên trong đám Đinh Điền, Nguyễn Bặc do quyền lợi cá nhân và dòng họ, đã không thấy nguy cơ xâm lược của kẻ thù đối với đất nước, nên đã kiên quyết chống lại Lê Hoàn. Phía Bắc, triều đình nhà Tống thấy thời cơ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng Đại Cồ Việt đã chín muồi.

tien-quan-vao-nuoc-ta (Ảnh minh họa: Hầu Nhân Bảo tiến quân vào nước ta)

Vua Lê Đại Hành vốn là người có bản lĩnh văn võ song toàn. Đứng trước tình hình rất bức bách như vậy, hẳn nhiên ông có chủ kiến của mình. Nhưng, như bao vị minh quân luôn biết tôn trọng hiền tài, ông đã chủ động hỏi Thiền sư Pháp Thuận về vận nước dài hay ngắn. Thiền sư Pháp Thuận đã nhấn mạnh vào sức mạnh của sự đoàn kết trăm họ, của muôn dân qua bài thơ Quốc Tộ – Vận Nước.

Nói điều này hôm nay, chúng ta chẳng ai ngạc nhiên. Những bài học dựng nước, giữ nước; những áng thơ văn yêu nước bất hủ của cha ông ta đã chứng minh điều đó một cách thật hùng hồn và phong phú. Nhưng ta nên nhớ, đây là bài thơ được lưu lại cổ xưa nhất của dân tộc, lại là lời của một người tu hành. Người ta xác nhận rằng, văn chương Việt sau bao nhiêu binh cách mất mát, thì đây là áng văn cổ nhất, đầu tiên nhất được lưu giữ. Nó được coi như khai sinh văn chương, văn hóa Việt. Nó là tiếng của cha ông được con cháu nghe từ cội nguồn!

Nhà Sư dùng hình ảnh vận nước như một bó mây, một bó dây cuốn lại với nhau:

“Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao binh “

Chúng ta cần nói lại, cần xác định bài thơ “Vận Nước” này ra đời vào trong khoảng những năm 979–981, khi đất nước đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng. Nguy cơ đánh mất chủ quyền quốc gia ngày đêm vẫn rình rập. Chính vào thời điểm này, những người lãnh đạo đất nước như Lê Hoàn với trực cảm bén nhạy của nhà chính trị thiên tài đã thấy vấn đề và tìm cách giải quyết. Câu trả lời của Thiền sư Pháp Thuận cũng thể hiện một trực cảm chính trị sắc bén không kém. Ông đã ý thức rất rõ mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng thế. Vận nước ngắn dài nằm ở trong tay người dân. Người lãnh đạo biết nắm lấy dân, biết đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đại mình sẽ lâu dài. Ngược lại, thì sự sụp đổ và những di họa của nó là có thể thấy được.

nguoi-dan (Ảnh minh họa)

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu những nét đại lược của bài thơ nổi tiếng này.

Trước hết, cần hiểu “Quốc tộ” ở đây là vận hội quốc gia, vận hội triều đại. Chữ TỘ là cái phúc được lưu truyền đời vua này đến đời vua khác. Nếu những sự vận động từ tích cực đến đen tối, từ sung mãn đến lụi tàn thì người ta sẽ không dùng chữ TỘ. Chữ TỘ cho ta hình dung về một thời đại, về một vận hội từ bóng tối ra ánh sáng; từ âm đến dương; từ những bế tắc đến với những gì hanh thông, hanh cát. TỘ có tính nối tiếp liên tục về thời gian và sự chuyển đổi tích cực những tính chất bên trong của sự vật.

Tra trong “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu thấy giải thích: “Tộ: 1. Lộc, ngôi. Vận nước nối đời thịnh vượng gọi là tộ, như Hán tộ – đời nhà Hán. 2. Phúc, như thụ tộ – chịu phúc. 3. Năm”.

Bài thơ này có lẽ người đời sau đặt tên lại cho gọn. Thực ra qua sử sách ghi chép lại thì nó cho một bối cảnh, một câu chuyện. Có người hỏi thì mới có người đáp. Và bài thơ là lời đáp. Người hỏi là một vị hoàng đế đang kỳ vọng có kế sách về sự bền vững của vương triều, sự phồn vinh của quốc gia, sự thái bình của thiên hạ. Người được hỏi không phải là một đại Nho mà là một nhà sư đạo cao đức trọng, được nhà vua tin cẩn.

Nhân đây, chúng ta cũng cần biết thêm vài nét về Pháp Thuận Thiền sư.

Sư từng nhận sứ mệnh ngoại giao đối đáp với sứ giả nhà Tống, tôn vinh quốc thể. Ngô Thì Sĩ bàn rằng: “Xét sử chép trong một đời Lê Đại Hành, việc tuần hành đánh dẹp đã chiếm đến một nửa, không thấy nói gì đến chính sách trường học thi cử. Thế mà trong văn kiện bang giao lúc bấy giờ, như bức thư xin nối ngôi của Vệ Vương Toàn thấy được bút pháp uyển chuyển khúc chiết, đúng thể cách cho đến câu thơ nối vần thơ thiên nga, khúc ca tiễn sứ giả, tinh tứ sắc bén đầy đủ, dù văn nhân từ khách ngày nay cũng không hơn được. Chẳng biết trau dồi thấm thía được từ đâu, há phải là sau thời nội thuộc tiếp thu được uy thanh giáo hóa của Trung Quốc mà được thế chăng… Hồng Hiến do học rộng mà làm đến chức Tam sư, Sư Thuận, sư Chân Lưu là cao tăng mà cũng đảm đương được trách nhiệm đối đáp…”. (Đại Việt sử kí tiền biên).

Ngô Thì Sĩ nhìn nhà sư tu Phật dưới nhãn quan của một Đại Nho nhưng ông rất công bằng khi tỏ thái độ khâm phục Pháp Thuận và nền học vấn một thời với rất ít các sử liệu được ghi chép lại.

Ngay câu thơ đầu tiên đã có sự so sánh: “Quốc Tộ như đằng lạc”. Có thể đổi vế phương trình: “Đằng lạc như Quốc Tộ”. “Đằng lạc” ở đây là gì?

Theo “Hán – Việt tự điển” của Thiều Chửu chữ ĐẰNG có 3 nghĩa: “1: cây mây, bụi cây quấn quýt, loài thực vật, thân cây mọc từng bụi. 2: tua dây, các giống thực vật mọc chằng chịt mà có tua xoăn lại đều gọi là đằng, như: qua đằng – tua dưa. 3: tử đằng – hoa tử đằng, thứ hoa trắng thì gọi là ngân đằng”.

Chữ LẠC có nhiều nghĩa nhưng những ta cần quan tâm tới những nghĩa sau: “1: quấn quanh, xe, quay. Như lạc ty – quay tơ, nghĩa là quấn tơ vào cái vòng quay tơ, vì thế nên cái gì có ý ràng buộc đều gọi là lạc, như lung lạc, liên lạc, lạc dịch đều nói về ý nghĩa ràng buộc cả. 2: đan lưới, mạng. Lấy dây màu đan ra giường mối để đựng đồ hay trùm vào mình đều gọi là lạc như võng lạc, anh lạc…3: cái dàm ngựa…”.

“Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh giải nghĩa chữ ĐẰNG: “Cây mây, cây hèo (osier) – Cái vòi của những dây leo (vrille)”. Chữ LẠC là: “Cuốn dây xung quanh – Buộc lại – Dây buộc ngựa – Dây thần kinh và mạch máu trong mình cũng gọi là lạc”.

Hầu hết, người ta đều dịch ĐẰNG LẠC là DÂY MÂY QUẤN QUÝT. Nó như một câu đơn vậy! Không phủ nhận cách hiểu thông thường mà đa số mọi người chấp nhận này. Nhưng theo tôi, nếu quan niệm ĐẰNG LẠC là một kết cấu gồm 2 danh từ thì nghĩa của nó sẽ sâu sắc hơn. Bởi chúng ta biết rằng người hỏi là vị hoàng đế võ công lẫy lừng, trí tuệ xuất chúng, đang lo lắng cho vận mệnh đất nước phức tạp muôn bề. Vì thế ông mới hỏi. Người trả lời là một cao tăng uyên áo không những có trí thức mà còn có trí huệ tinh thông, còn có những huệ ngộ mà người thường dẫu thông minh bao nhiêu cũng khó mà tiến vào cảnh giới đó. Hiển nhiên, nhà vua không phải là nhà tu hành. Nhưng không khí thời đại, văn hóa tu luyện thời đại không thể không ảnh hưởng tới ông. Và dĩ nhiên ông hiểu những điều mà Sư nói với ông khác với cách nghĩ của chúng ta hôm nay.

dang-lac (Hầu hết, người ta đều dịch ĐẰNG LẠC là DÂY MÂY QUẤN QUÝT)

Như vậy “Đằng” là loại dây leo tự nhiên, là “nhiên vi” (làm theo tự nhiên, thuận theo tự nhiên, tùy kỳ tự nhiên). Chữ “Lạc” là loại dây buộc do con người tạo ra, là “nhân vi” (làm theo hiểu biết của con người, theo kinh nghiệm tích lũy của người). Như vậy “quốc tộ” là một hệ thống vận động gồm nhiều yếu tố có quan hệ với nhau vừa tự thân vừa có trật tự. Cái này vừa là “nhân” vừa là “quả” của cái kia, khi ẩn tàng khi lộ diện. Nó ràng buộc mật thiết; âm thầm lặng lẽ mà đầy năng lượng bên trong. Nó miên trường như những sợi dây mây bền chắc bò duỗi ra và quấn chặt lại rất tự nhiên, không rối rắm. Nó ẩn tàng cái quy luật mà người xưa cô đúc: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Ở đây dường như Pháp Thuận Thiền sư đang nhấn mạnh yếu tố Nhân Hòa.

Như vậy, “Quốc tộ” liên quan đến sự vận động nhiều thành phần, nhiều sự kiện, nhiều tính chất, nhiều quyền lợi, nhiều biến cố, động thái… xoắn xuýt vào nhau. Nó có thể chứa đựng nhiều bất ngờ nhưng có quy luật tự nhiên và quy luật xã hội chi phối bên trong. Nên nhớ nhà Phật khước từ những gì thuộc về ngẫu nhiên. Nhìn quy luật nhân quả rất minh triết nên mọi hình thức biểu hiện với Pháp Thuận Thiền sư đều là tất nhiên. Và ông nhìn được cái đích tới của sự vận động. Chính xác là ông biết vận nước sẽ đi về đâu?

Cả hai câu đầu tạo nên một quan hệ nhân quả. Nếu vận nước như đằng lạc thì trời Nam này, nước Nam này sẽ hưởng thái bình. Muốn vậy thì trên Điện Các, nghĩa là ở triều đình, ở những người đứng đầu nắm vận mệnh quốc gia phải VÔ VI.

“Vô vi” nghĩa  là KHÔNG LÀM. Nó chứa đựng một ý phía sau là “biết nhưng không làm”. Chẳng hạn một ông giám đốc có bằng và lái xe giỏi nhưng ông ta không tranh việc tài xế của mình. Ông biết lái xe nhưng ông không làm điều đó. Đây là thuật ngữ được dùng trong kinh sách của Phật gia, Đạo gia và Nho gia. VÔ VI là không làm theo lối thường nhân bị chi phối bởi 3 chữ DANH, LỢI, TÌNH. Thực ra nó là cách làm cao siêu hơn của người tu luyện hoặc người đạt được cảnh giới cao về TRÍ HUỆ. Hai chữ này vừa là một THỂ (Niết bàn, Chân như), vừa là một TÍNH (không tạo tác, không nhân không duyên, tuyệt đối thường trụ, lìa sinh diệt biến hóa, là tính chất của Niết bàn, tính Chân như), vừa là một PHÁP (quy cách tu tập, hành vi tu tập).

Nhà Phật giảng rằng hãy theo pháp mà tu tập đạt đến trí huệ cao nhất, phát hiện quy luật của “nhiên vi” hay” nhân vi”, đạt đến cảnh giới “không trong ngũ hành, ra ngoài tam giới”, là con đường khiến cho người ta được giải thoát, không còn luân hồi đau khổ. Nếu đi theo lý thuyết nhà Phật thì hiểu được Vô Vi không hề giản đơn. Vô Vi chính là nền tảng để người ta có tâm Từ Bi, không còn vị tư, vị ngã.

tinh-tam-01 (Ảnh minh họa: internet)

Lời khuyên với nhà Vua ở đây là rất thực tế. Hãy yêu chúng sinh, coi chúng sinh là dân đen con đỏ; vì chúng sinh mà làm hết tất cả tài năng, sức lực của mình. Có như thế “quốc tộ” được bền vững, phồn vinh, xã tắc mới bền vững lâu dài. Nếu chịu khó đọc và nghiền ngẫm những trang lịch sử ít ỏi còn sót lại về thời Tiền Lê gắn với vị vua Lê Đại Hành nổi tiếng thì ta dễ nhận thấy bài thơ của Pháp Thuận Thiền sư không mang màu sắc quá trừu tượng, mông lung.

Về tài năng quân sự và khả năng quyết đoán của vua Lê Đại Hành qua việc chống quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh, ta không nghi ngờ. Nếu có một cuộc chiến tranh chống phương Bắc nữa xảy ra, ta tin rằng, vị vua này không nao núng. Cái điểm yếu của vua chính là quốc nội. Quan hệ dòng tộc, những người con bạc nhược, dâm loạn, tàn ác là cái đáng lo nếu như vua cha không đặt chuyện quốc gia đại sự và chăm dân như con lên hàng đầu. Dân yên thì mới phát triển tự nhiên như sợi dây mây, như rừng mây.

Hình tượng những sợi dây mây quấn quýt, đồng dạng, đồng chủng cho ta một ấn tượng rất tự nhiên, rất vô vi của thiên nhiên. Cũng nên nhớ rằng, mây là loài cây có thân rất dai, rất bền chắc. Một cây cổ thụ dễ bị chặt đốn hơn là một khóm mây, rừng mây. Dây mây biết sống tương thân tương ái cộng sinh. Nó rất hoạt, rất động. Nó có thể bò, leo; có thể bó chặt cả rừng cây mà không làm mất màu xanh sự sống của cây.

Sau này Nguyễn Trãi đã đúc kết điều này trong “Bình Ngô đại cáo”: “Việc Nhân Nghĩa cốt ở AN DÂN”. Chắc hẳn, Pháp Thuận Thiền sư rất hiểu cái quan hệ phức tạp và nguy cơ của triều đình bởi những yếu tố tố gia đình, những xâu xé quyền lợi… đang tự bản thân nó giết chết chính nó. Nói rằng, bài thơ đề cao yếu tố đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vô địch có vẻ như chung chung đại khái. Thực sự điểm nhấn trong lời khuyên của Sư chính là tư cách người lãnh đạo. Cụ thể ở đây là phải Tề Gia, dù rằng Lê Hoàn trị quốc và bình thiên hạ có nhiều thành công là không ai phủ nhận.

Quay trở lại với hai chữ VÔ VI. Thực ra, khái niệm này cũng được nói nhiều trong kinh điển Đạo gia và Nho gia. Từ điển Nho – Phật – Đạo giải nghĩa như sau:

“1. Danh từ Phật giáo (ở trên đã đề cập ). 2.  Đạo gia cho rằng “vô vi” là sự thể hiện bản tính của “đạo” trong chính trị nhân sinh. Chủ trương “xử việc theo vô vi, thực hành lời dạy không lời” (xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. Lão Tử – Chương 2). 3. Chữ của Nho gia mượn của Đạo gia để biểu thị phương sách Đức trị. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, cả Nho, Đạo, Pháp đều coi “vô vi” là “thuật nam diện của quân nhân” (thuật trị nước của người làm vua). Nho gia Khổng, Mạnh, Tuân đều chủ trương “vô vi”. Luận ngữ – Vệ Linh Công: “Vô vi mà bình trị được, là Thuấn vậy chăng? Làm sao đây? Cung kính giữ vị trí trị dân của mình mà thôi”. (Vô vi nhi trị giả, kì Thuấn dã dư? Phù hà vi tai? Cung kỉ chính Nam diện nhi dĩ hĩ). Tuân Tử – Đại lược: “Đạo làm vua là phải biết người, đạo làm tôi là phải biết việc. Cho nên Thuấn tri thiên hạ, không ra lệnh mà muôn việc thành” (Chủ đạo trị nhân, thần đạo trị sự. Cố Thuấn nhi trị thiên hạ, bất dĩ sự chiếu nhi vạn vật thành). Chu Hi đời Tống càng phát huy hơn nữa: “Vô vi mà bình trị, vì thánh nhân đức thịnh mà cảm hóa được dân, không cần phải làm gì hơn” (Vô vi nhi trị giả, thánh nhân đức thịnh nhi dân hóa, bất đãi kì hữu sở tác vi dã. (Lời chú Luận Ngữ – Vệ Linh Công). “Trị nước bằng đức thì vô vi mà thiên hạ theo về” (Vi chính dĩ đức, tắc vô vi nhi thiên hạ qui chi. Lời chú Luận ngữ – Vi chính)”.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì “vô vi” là người am hiểu các quy luật khách quan, nhận thức thấu đáo những quan hệ nhân quả rất biện chứng. Vì thế, làm theo tự nhiên và đạt được mục đích hoàn hảo! Người thuận theo Trời Đất mà làm chính là vô vi.

vo-vi-01 (Ảnh minh họa: internet)

Từ những phân tích như trên, bài thơ có thể được diễn đạt như sau:

“Vận nước phát triển vấn vít như những bó dây rợ bện dài
Cõi Nam sẽ mở ra cảnh thái bình
Nếu như hoàng đế trị quốc bằng vô vi
Thì muôn nơi sẽ không bao giờ còn có đao binh, giặc giã”

Đáng tiếc, Lê Đại Hành đã không thực hiện được đường lối chính trị “vô vi” nên triều Tiền Lê thật vô cùng ngắn ngủi, chỉ kéo dài được 29 năm (từ năm Tân Tỵ 981 đến năm Kỷ Dậu 1009).

Nhà vua “trị quốc, bình thiên hạ” rất giỏi nhưng ông lại khiếm khuyết trong “tề gia”. Sau khi ông mất, các con ông tranh nhau ngai vàng đến chém giết lẫn nhau, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Thật đáng tiếc thay! Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi về Lê Long Đĩnh như sau:

“Vua tính hiếu sát, phàm người bị hành hình, hoặc sai lấy cỏ gianh cuốn vào người mà đốt, để cho lửa cháy gần chết, hoặc sai kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh, để cho không được chết chóng. Người ấy đau đớn kêu gào thì Thủ Tâm nói đùa rằng: “Nó không quen chịu chết”. Vua cả cười. Đi đánh dẹp bắt được tù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút sai người làm lao dấn nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên, ngập nước mà chết., hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết, Vua thân đến xem lấy làm vui. Có lần vua đi đến sông Ninh (có lẽ ở huyện Chương Mĩ, Hà Nội ngày nay), sông ấy nhiều rắn, vua sai trói người vào mạn thuyền, đi lại giữa dòng muốn cho rắn cắn chết. Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay Vua cầm dao chọc tiết trước rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Có lần Vua róc mía trên đầu sư Quách Ngang, giả vờ lỡ tay làm đầu sư bị thủng chảy máu rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc, giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các Vương đều sợ, Vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu tất sai bọn khôi hài hầu hai bên; Vua có nói câu gì thì bọn ấy nhao nhao pha trò cười để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn.

Mùa đông, Tháng mười, ngày Tân Hợi (1019 ), Vua băng ở Tẩm điện gọi là Ngọa Triều, vì vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu (Dã sử chép vua say đắm tửu sắc phát ra trĩ).”

Ngô Sĩ Liên bàn rằng:” (…) Ngọa Triều không những chỉ thích giết người, lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử (còn giết cả vua anh, giết các hoàng đệ), đánh người Man cho họ kêu gào, nhiều lần phạm húy cha mà lấy làm thích. Mất nước mau chóng, há phải không do đâu mà ra (ĐVSKTT trang 77-78)”

Kinh đô Hoa Lư là một vùng đất hiểm, nhưng nhà Tiền Lê không giữ được thiên hạ vì: “Tại Đức bất tại hiểm”. Nói như Trương Hán Siêu: “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình Đức cao” (Bạch Đằng giang phú).

Đọc bài thơ khởi thủy cho văn học thành văn của người Việt, càng thêm trân quý những trí tuệ Việt; càng thêm suy ngẫm về những bài học giữ nước của cha ông.

Chợt nhớ về những trang sử đầy ai oán kết thúc triều đại ngắn ngủi Hồ Quý Ly. Khi phải đối phó với nguy cơ xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly chỉ mong dùng lực đối lực. Ông than thở với các quan: “Ước gì có 100 vạn quân để chống lại giặc Bắc”. Thế nhưng, khi được vua cha giao phó việc quân sự, Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.

Vua quan lấy giàu sang và hưởng lạc để trị nước thì nước mất. Khổng Tử từng cảnh cáo như vậy. “Chở thuyền, lật thuyền mới biết dân như nước”, Nguyễn Trãi từng nhắc lời cổ nhân như vậy.

Để kết thúc, các bạn có thể đọc bài thơ “Quan Hải” của Nguyễn Trãi, đã được Đại Kỷ Nguyên đăng cách đây không lâu để thấm cái ý nghĩa của “Dân là nước”; để biết cha con họ Hồ đã phòng chống quân Minh xâm lược rất kỹ nhưng bị thất bại thật nhanh chóng và tan hoang, chỉ vì lòng dân không theo…

La Vinh

Xem thêm: