Một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca là tôn giả A Nan từng có bảy giấc mộng, cũng là điềm báo về Phật giáo trong thời đại chúng ta. Bảy giấc mộng ấy được ghi chép trong cuốn “A Nan thất mộng kinh”, kể rằng…

Khi còn ở tại thành Xá Vệ, tôn giả A Nan từng có bảy giấc mộng kỳ lạ:

– Mộng thấy lửa bốc cao cuồn cuộn trên mặt nước, những cột lửa nghi ngút tận trời cao.

– Mộng thấy mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều biến mất, để lại thế giới Ta Bà chìm trong bóng tối.

– Mộng thấy các tỳ kheo (người xuất gia) dưới hầm nước nhơ bẩn, còn cư sĩ (người tu tại gia) thì bước lên đầu họ mà thoát ra.

– Mộng thấy bầy lợn rừng đi đến đào xới cây Bồ Đề.

– Mộng thấy A Nan đội núi Tu Di trên đầu mà không thấy nặng.

– Mộng thấy voi bố mẹ bỏ lại voi con.

– Mộng thấy sư tử với bảy sợi lông trên đầu đang nằm chết trên đất. Những cánh hoa rơi trên xác sư tử, tất cả thú vật đều bỏ chạy tán loạn. Sau đó, lại thấy côn trùng bò ra từ cái xác rồi ăn thịt sư tử.

Những điềm mộng này là có ngụ ý gì? Tôn giả A Nan bèn đến hỏi Đức Phật. Bấy giờ, Đức Phật đang thuyết Pháp cho vua Ba Tư Nặc tại giảng đường Phổ Hội ở nước Xá Vệ. Thấy sắc mặt A Nan đầy ưu tư, Ngài hỏi:

– Những điềm mộng đó đều là việc xảy ra trong tương lai, cớ sao con lại buồn phiền?

Sau đó, Đức Phật giảng giải rằng:

– Này A Nan! Giấc mộng thứ nhất: ‘Khói lửa cuồn cuộn ngất trời trên mặt nước’. Đó là điềm báo rằng trong tương lai, các tăng ni sẽ trở nên đồi bại, tâm thiện dần dần kém đi mà tâm ác nghịch lại lẫy lừng. Cũng giống như biển nước biến thành biển lửa, họ sẽ giẫm đạp lẫn nhau và làm ra vẻ tao nhã để tranh giành tài vật cúng dường.

– Này A Nan! Giấc mộng thứ hai: ‘Mặt trời, mặt trăng và các vì sao đều biến mất, cõi Ta Bà chìm trong bóng tối’. Đó là điềm báo rằng sau khi Như Lai nhập niết bàn, các hàng thanh văn cũng niết bàn theo Phật, khi ấy đôi mắt của chúng sinh cũng đã tắt mất rồi.

– Này A Nan! Giấc mộng thứ ba: ‘Các tỳ kheo ở dưới hầm nước nhơ bẩn, còn cư sĩ thì bước trên đầu họ mà thoát ra’. Điều này nói lên rằng trong tương lai, các tăng ni trong chùa sẽ sinh ra tâm tật đố, ghen tị, nói xấu lẫn nhau, không tin vào nghiệp báo, coi thường giới cấm, chìm đắm trong tiện nghi vật chất, cuối cùng trở nên đối nghịch với cái Thiện và bị đọa lạc xuống địa ngục. Nhưng cũng có những người tu luyện trong xã hội đời thường mà chuyên tâm hơn các tăng ni trong chùa, họ sẽ được thăng thượng lên Thiên Đàng sau khi viên mãn.

– Này A Nan! Giấc mộng thứ tư: ‘Bầy lợn rừng đi đến húc phá cây Bồ Đề’. Đó là điềm báo rằng vào đời vị lai, các tăng ni sẽ chỉ để tâm đến sinh nhai của riêng mình, sẵn sàng bán cả tượng Phật và kinh sách chỉ vì chút lợi riêng.

– Này A Nan! Giấc mộng thứ năm: ‘Đầu đội núi Tu Di mà không hề thấy nặng’. Đó là điềm báo rằng sau khi Phật niết bàn, con phải có trách nhiệm làm người trùng tuyên lời Phật dạy cho nghìn vị La Hán, khiến nhiều người nghe mà ngộ Đạo.

– Này A Nan! Giấc mộng thứ sáu: ‘Con voi lớn bỏ rơi voi nhỏ’. Đó là điềm báo rằng vào đời vị lai có rất nhiều kẻ tà kiến phá hoại Phật Pháp, còn những người có đạo đức và phẩm hạnh thì ẩn tích không xuất hiện.

– Này A Nan! Giấc mộng thứ bảy: ‘Thấy sư tử chết, dòi bọ xuất hiện từ bên trong và ăn xác sư tử’. Điều này ngụ ý rằng bất kỳ ngoại đạo nào cũng không thể phá hoại Phật Pháp. Chỉ có các đệ tử của ta, cả những phật tử tại gia và người xuất gia mới là nguyên nhân làm huỷ hoại Pháp này.

(Ảnh minh họa: vietheravada.net)

Bảy giấc mơ của tôn giả A Nan cũng chính là lời dự ngôn cho Phật giáo trong thời mạt Pháp. Có nhiều tăng ni, mang danh là ‘Phật tử’ nhưng không còn tuân theo lời dạy của Phật, cũng không còn chân chính thực tu. Họ coi thường giới luật, chạy theo danh lợi, khiến giáo pháp của Phật bị hủy hoại từ bên trong.

Phật Đà chỉ nhìn vào nhân tâm chứ không nhìn vào hình thức, khoác áo thầy tu mà chẳng chân tu thì cũng chỉ là một người bình thường mà thôi. Cũng giống như trong Lục Tổ Đàn Kinh đã viết: “Thánh nhân cầu tâm bất cầu Phật, ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm”, nghĩa là: Bậc Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, kẻ ngu muội chỉ cầu Phật chẳng cầu tâm…

Theo Minh Huệ Net
Tâm Minh biên tập