Tây Du Ký là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Hoa được sáng tác vào thời nhà Minh thế kỷ thứ 16. Đây được mệnh danh là cuốn tiểu thuyết lãng mạn dài tập về Thần Phật và ma quỷ. Lại có người nhìn nhận, đây là một cuốn sách thuộc về tu luyện ghi chép lại hành trình gian khổ tới Tây phương bái Phật thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã.

Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành. Thông qua câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả đã dẫn dắt chúng ta cách khắc phục nội tâm trên con đường nhân sinh, hàng phục tâm ma, cuối cùng lấy được Chân Kinh, thành tựu đời người. 

Có lẽ những người yêu mến tác phẩm sẽ thấy vô cùng bội phục ngưỡng mộ kỹ năng sáng tạo tưởng tượng của tác giả. Ông đã miêu tả nhiều cảnh tượng và tình huống không thể nhìn thấy trong thế giới hiện hữu của loài người. Đây có lẽ không chỉ là khả năng tưởng tượng phi thường của tác giả, mà có lẽ đó là sứ mệnh của ông. Ông được tới thế gian này sử dụng ngòi bút để truyền đạt những đạo lý làm người cần có đó là: biết phân biệt thị phi thiện ác, yêu ma vĩnh viễn không bao giờ cao hơn chính đạo, biết giữ cái tâm bất biến không lay động như thủa ban đầu thì thỉnh kinh tất thành. 

Trong tác phẩm thực sự ẩn chứa nhiều đạo lý kinh điển với nội hàm vô cùng sâu sắc, những câu chuyện sống động không bị lặp lại cuốn hút với nhiều tình tiết gay gắt. Vậy cụ thể đó là những đạo lý kinh điển nào? 

“Thế thượng vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhân”  

Câu tục ngữ trên có nghĩa là: Trên thế gian không có việc gì khó, chỉ sợ người không có lòng quyết tâm. Trước hết có thể nói đây là câu nói bao hàm nhiều ý nghĩa mà có lẽ những người đã từng trải qua năm tháng bể dâu gặp phải chuyện không ưng ý trong cuộc đời đều đã từng nghe qua. Thế gian nhiều khi mười chuyện có tới tám chín chuyện là không đươc như ý.

Câu nói này xuất hiện ở hồi thứ hai trong Tây Du Ký, “Phép nhiệm nhờ thầy truyền bí thuật, Tài cao về xứ giết yêu ma”. Trong đoạn đối thoại khi Bồ Đề Sư tổ dạy phép cân đẩu vân, Thạch Hầu nói phép này khó lắm, khó lắm. Tổ Sư đã nói: Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ không có lòng quyết tâm. Nguyên gốc: “Thế thượng vô nan sự, chỉ phạ hữu tâm nhân”.  

Ảnh: Zonglanxinwen.

Trên thế gian này quả thực có nhiều sự việc khó, nhưng là khó ở chỗ rốt cuộc có thể kiên định tới cùng không, nếu bỏ cuộc giữa chừng thì thực sự lại rất dễ dàng. Có những việc chỉ có thể dựa vào lòng kiên định và quyết tâm, từng bước từng bước vượt qua mọi khó khăn gian nan để tiến tới chặng cuối cùng. Đối với những người tu luyện, chính niệm và sự kiên định chính là then chốt giúp ta có thể vượt qua mọi gian nan, tiến tới viên mãn.

Trong cuộc đời cũng vậy, đôi khi có những việc chỉ nên học cách chấp nhận mà không thể cưỡng cầu. Có những sự việc dù bạn đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không được như ý. Nhưng đổi lại, bản thân lại đúc kết được những kinh nghiệm trong cuộc sống, hiểu được ý nghĩa nhân sinh, những điều có thể khắc cốt ghi tâm. Hãy cố gắng hết sức để không phải hối tiếc, còn kết quả đã được sắp đặt, an bài. 

Nhân một thương hổ tâm, hổ một thương nhân nghĩa

Nghĩa là: Người chẳng dốc lòng giết cọp, cọp sao nỡ tâm ăn thịt người. Đây là câu nói trong hồi thứ 16 của Tây Du Ký “Chùa Quan Âm, thầy tu tham báu vật. Núi Hắc Phong, yêu quái trộm cà sa”. 

“Tam Tạng thất kinh hồn vía, hỏi Tôn Ngộ Không:

– Ðêm nay thầy ngủ ngon, không hay lửa cháy.

Tam Tạng hỏi:

– Sao chỉ nơi ta ngủ còn nguyên vẹn, nói thử ta nghe.

Tôn Hành Giả nói:

– Có con giữ cái buồng cho thầy, nên lửa không cháy tới.

Tam Tạng nói:

Con có thần thông như vậy, sao không bảo hộ cả chùa?

Tôn Hành Giả nói:

– Ðể con kể lại cho sư phụ nghe. Lời sư phụ nói quả đúng lắm. Sư cụ trụ trì quyết phóng hỏa đốt cho thầy trò ta chết, mà lấy áo cà sa. Nếu con không biết thì thầy trò ta đã bị thiêu chết rồi. Con thấy họ có tâm ác, nên không thèm chữa lửa, lại cho thêm một trận gió.

Tam Tạng hỏi:

– Lửa cháy thì dùng nước, sao lại cho thêm gió làm gì?

Tôn Hành Giả nói:

Cổ nhân dạy rằng: Người chẳng dốc lòng giết cọp, cọp đâu nỡ dạ ăn thịt người. Nếu họ không phóng hỏa đốt chùa, thì con không tự nhiên làm gió.

Tam Tạng hỏi:

– Nếu vậy, áo cà sa đã cháy rồi sao?

Tôn Hành Giả nói:

– Không hề gì, áo cà sa có Tịch hỏa châu, để trong liêu không cháy, để con vô đó mà lấy, không mất đi đâu?”

Ảnh: Sohu.

Thông thường, khi thấy người gặp nạn, chúng ta sẽ sinh lòng thương cảm. Đó là tâm lý thường tình ai ai cũng dễ dàng làm được. Nhưng nếu thấy người khác tốt hơn mình, những suy nghĩ chân thực trong lòng sẽ ra sao? Thực ra chỉ có bản thân mình mới thấu tỏ. 

Trong “Đình huấn cách ngôn”, vua Khang Hy có câu nói như thế này: “Phàm là người giữ mình trên đời, duy chỉ nên giữ khoan thứ trong tâm. Thấy người có chuyện đắc ý thì nên sinh lòng hoan hỷ. Thấy người có chuyện thất ý thì nên sinh lòng thương cảm. Những điều này đều là những điều thực sự có lợi ích cho bản thân. Nếu đố kỵ với thành công của người, vui mừng với thất bại của người, sao có thể mưu sự với người được? Tự làm hỏng cái tâm của mình một cách oan uổng rồi”. Cổ ngữ cũng có câu: “Thấy người ta được, giống như mình được. Thấy người ta mất, giống như mình mất. Có cái tâm như thế, Trời ắt sẽ phù hộ”.

Một ngày làm thầy, cả đời là cha 

Câu này xuất hiện ở hồi thứ 31, 72 của Tây Du Ký. Trong hồi 31, “Trư Bát Giới nói khích Hầu vương, Tôn Hành Giả mưu trừ yêu quái” kể rằng: 

“… Bát Giới túng phải thuật lại mọi chuyện. Rồi nói rằng: Chính là Bạch Long Mã giục tôi đi tìm sư huynh. Nó nói: anh là người quân tử biết nhân nghĩa, không để ý đến chuyện cũ, chắc chắn sẽ cứu được sư phụ. Vậy xin sư huynh niệm tình ‘một ngày làm thầy, cả đời là cha’ đi cứu cho toàn tính mạng”. 

“Hoàng Bào lão quái nói: Ngươi đúng là mặt dày mày dạn, không chí khí trượng phu. Bị sư phụ đuổi đi rồi, còn dám quay lại. Tôn Hành Giả đáp rằng: Nhà  ngươi đúng là đồ yêu quái, nên không thông lễ nghĩa. Một ngày làm thầy, cả đời làm cha. Nay ngươi bắt thầy ta, lẽ nào ta có thể làm ngơ mà không cứu. Mi đã bắt sư phụ và sư đệ ta, sao còn dám chửi mắng sau lưng ta?”

Trong hồi 72, khi Đường Tăng vào nhầm động Bàn Tơ và bị bảy yêu tinh nhện bắt, có đoạn: 

“… Tôn Ngộ Không cười mà nói: ‘Các đệ nghe sư phụ nói kìa. Thầy muốn ăn cơm để chúng con đi hóa duyên xin ăn. Tục ngữ có câu: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” sao lại có đạo lý, đồ đệ ngồi chơi để thầy đi xin cơm?”.

Ảnh: Quyensach.blogspot.

Trong văn hóa truyền thống phương Đông, tôn sư trọng đạo là một nét đẹp vô cùng quý báu. Người ta ví ân sư như phụ mẫu, bởi vậy, tôn kính cha mẹ bao nhiêu thì cũng tôn kính thầy bấy nhiêu. Cổ nhân thường nói: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Người học trò coi ân đức của người thầy tựa như cha của mình, vì vậy mới gọi ông là “ân sư” hay “sư phụ”. Trong khi theo học người thầy, người đệ tử không phải chỉ hiểu được các đạo lý cung kính phụng sự người thầy, mà còn phải nghiêm ngặt thực hiện những gì mà người thầy dạy bảo.

Không ngẫu nhiên mà thời phong kiến người ta lại sắp xếp theo thứ tự: “Quân – Sư – Phụ”. “Sư” (người thầy) chỉ đứng sau vua (quân vương), còn đứng trên cả phụ (phụ mẫu – cha mẹ). Người thầy truyền thụ luân lí đạo đức, tri thức và các giá trị tốt đẹp cho học trò của mình. Bởi vậy, tôn kính sư phụ được xem là vấn đề vô cùng quan trọng.  

Hữu phong phương khởi lãng, vô triều thủy tự bình

Câu này được dùng như một phép ẩn dụ để so sánh: Mỗi điều xảy đến trong đường đời chúng ta đều có nguyên nhân. Theo Phật giáo giảng, đó đều là nhân quả, không phải vô duyên vô cớ. Câu nói này xuất hiện trong hồi 75 của Tây Du Ký: “Ngộ Không khoan bình quý, Chúa động nhốt Ðại Thánh”. 

“Ngộ không nói: “Hữu phong phương khởi lãng, vô triều thủy tự bình. Ngươi không chọc giận ta, ta không có cớ gì tìm đến các ngươi. Chỉ vì chúng bay kết bè kết đảng, tìm cách ăn thịt sư phụ ta nên ta mới tới đây tính nợ”.

Bát tiên đồng quá hải, độc tự hiển thần thông

Câu nói này xuất hiện trong hồi thứ 81 của Tây Du Ký,” Chùa Trấn Hải Ngộ Không diệt quỷ, rừng Hắc Tùng ba đệ tìm thầy”. Đây là cách so sánh ẩn dụ nói mỗi người cần dựa vào năng lực của chính mình, để chứng thực đạt tới mục tiêu mình muốn. 

“Tôn Hành Giả nói: Ðể ta kể sơ qua cho các ngươi nghe. Ta từng hàng yêu diệt quái, lên trời đại náo thiên cung… Đây đúng là Bát tiên đồng quá hải, độc tự hiển thần thông. Các thiên binh thiên tướng trên trời cũng nể sợ đôi phần. Để ta đi bắt yêu tinh về đây các vị chắc mới tin lời lão Tôn”.

Đây là câu tục ngữ kinh điển trong dân gian. “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” (tám vị tiên vượt biển, triển hiện thần thông). “Bát tiên”, đó là: Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hòa, và Hà Tiên Cô. Mỗi vị tiên nhân đều có một đặc điểm khác nhau. Tào Quốc Cữu là thân thích của một vị hoàng đế thời nhà Tống. Lý Thiết Quải có dáng vẻ giống như người ăn mày với một bên chân tật nguyền nên phải chống gậy sắt. Hà Tiên Cô là một thiếu nữ trẻ xinh đẹp. Trương Quả Lão là một cụ già tóc bạc, gương mặt hồng hào, râu tóc phất phơ, thường cưỡi ngược trên lưng một con lừa. Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một nhà văn triều Đường, đặc biệt yêu thích thổi sáo. Hán Chung Ly lúc nào cũng phe phẩy một cây quạt ba tiêu, v.v. Họ đều là tiên nhân của Đạo gia, và thường tụ họp cùng nhau. 

Trở lại với yến hội bàn đào, sau khi ăn uống no say, tám vị tiên nhân bái lạy Vương mẫu và cùng nhau quay về. Sau khi các vị tiên lên thuyền, Lã Động Tân đột nhiên nảy ra ý tưởng kỳ lạ, đề nghị mọi người không ngồi thuyền mà mỗi người hãy tự nghĩ cách để qua bờ bên kia.

Đầu tiên, Hán Chung Ly ném cây quạt ba tiêu xuống nước, rồi nằm ngửa trên đó để mặt quạt trôi đi. Lý Thiết Quải tháo bầu hồ lô đeo bên mình rồi thổi hơi vào, chiếc hồ lô biến thành lớn nổi trên mặt nước giống như một con thuyền, ông ngồi trên hồ lô tươi cười lướt sóng. Hà Tiên Cô cũng ném lá sen xanh xuống nước, trong phút chốc lá sen hoá lớn, Hà Tiên Cô nhẹ nhàng nhảy lên lướt sóng đuổi theo Lý Thiết Quải. Lam Thái Hoà ném chiếc giỏ trống, đáy giỏ vừa chạm mặt nước, trong giỏ liền có hoa tươi nở rực rỡ, Lam Thái Hoà tay cầm phách ngọc rẽ sóng mà đi. Hàn Tương Tử ném ống sáo rồi nhảy lên, ống sáo trôi như một chiếc tàu, Hàn Tương Tử miệng thổi sáo, chân đạp sáo sang bờ bên kia. Lã Động Tân ném cây bảo kiếm, trong vòng một trượng, sóng biển lặng yên. Tào Quốc Cữu tháo chiếc dây lưng ném xuống, Tào Quốc Cữu đứng trên dây giống như đứng trên lưng con rồng đang lắc đầu quẫy đuôi, rẽ sóng mà tiến. Trương Quả Lão cầm ngư cổ, từ tốn từ trong tay áo lấy ra một con lừa giấy, làm phép biến thành lừa thật rồi cưỡi ngược mà đi. Đây chính là câu chuyện “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” mà người ta vẫn nói.

Kiên Định
Theo secretchina

Từ Khóa: