Mới đây, chính quyền nước này đã cắt giảm số lượng đồn công an địa phương bất chấp tình trạng bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng, họ làm như vậy là để giải quyết tình hình tài chính khó khăn, và đây là dấu hiệu cho thấy, chế độ sắp sụp đổ tương tự như sự tan rã của khối cộng sản Đông Âu vào năm 1989.

Hôm 10/11, Nhật báo Mai Châu, một cơ quan truyền thông địa phương ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, đưa tin rằng Sở Công an Thành phố Mai Châu đã thông báo về việc đóng cửa Đồn Công an Ngô Châu và Đồn Công an Đông Sơn. Lý do chính thức được đưa ra là để “tích hợp hiệu quả các nguồn lực sẵn có của công an”.

Hai tuần trước, các sở công an của Thanh Đảo, Yên Đài, và Hoài Phường ở tỉnh Sơn Đông cũng công bố các kế hoạch “giải thể và hợp nhất” các đồn công an địa phương. Sở Công an Thanh Đảo đề cập trong một thông báo chính thức rằng bắt đầu từ ngày 23/10, chín đồn công an sẽ được sáp nhập với chín đồn công an khác.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, thị trường địa ốc trì trệ, và nợ chính quyền địa phương ở mức cao kỷ lục.

Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư ở Hoa lục, cho biết việc sáp nhập các đồn công an cho thấy chính quyền địa phương của Trung Quốc đã phá sản, họ không thể trả lương và điều này gây bất lợi cho việc duy trì quyền lực của họ.

Theo ông Lại, việc sa thải sẽ gây bất ổn, vì những người mất chén cơm sẽ chống trả. Bởi vì nhiều người trong số họ về cơ bản đang không làm việc vì lý tưởng hay đạo đức, họ là nhóm người ở đáy xã hội đang cố gắng kiếm sống. Vì vậy, để kiếm sống, họ có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí là gia nhập băng đảng xã hội đen.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), phó giáo sư và là trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan tin rằng kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. 

Ông nói với The Epoch Times: “Các khoản nợ của chính quyền địa phương dẫn đến việc cắt giảm lương của công chức. Để tồn tại, các chính quyền địa phương này đang tước đoạt và bóc lột người dân ở khắp nơi, bao gồm cả việc tăng mức tiền phạt. Họ đang viện đến mọi cách để kiếm tiền. Điều này thực sự sẽ gây ra bất ổn xã hội lớn”.

Theo ông Trịnh nói: “Đây là một phần của sự sụp đổ kinh tế ở Trung Quốc. Và đây là khởi đầu cho sự sụp đổ của ĐCSTQ”. 

Về việc chính quyền cắt giảm ồ ạt các lực lượng trị an, ông Trịnh cho biết: “Qua nghiên cứu, đặc biệt là từ sự sụp đổ của những chế độ cộng sản ở các nước Trung và Đông Âu lúc bấy giờ, thì đây là một phần dẫn đến sự tan rã của toàn bộ trật tự xã hội”.

Ông Trịnh nói: “Trong lịch sử, Liên Xô cũ và sau này là các nước cộng sản cũ ở Trung và Đông Âu — như là Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary, và Romania — đều giống như vậy. Sau này, những công chức thất nghiệp này, đặc biệt là cảnh sát và thậm chí cả binh lính bị sa thải, tất cả những người này đều đứng về phía dân chúng và tổ chức biểu tình chống chính phủ, điều này sớm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ”.

Ông Trịnh tiên liệu, “Tôi đoán là trong tương lai ngay cả quân đội cũng sẽ bị cắt giảm quy mô. Những người này đã được tổ chức và được huấn luyện, và họ sẽ trở thành lực lượng có tổ chức chống chính phủ trong tương lai”.