Giới khoa học Úc vừa phát hiện giữa thiên hà IRAS 20100–4156 cách Trái đất khoảng 1,8 tỷ năm ánh sáng có lỗ đen khổng lồ hình thành, nặng gấp 3 tỷ lần Mặt trời.

Phát hiện này thuộc về các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Liên bang Úc (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation, CSIRO). Họ vô tình trông thấy khi thử nghiệm kính viễn vọng ASKAP (Australian Square Kilometre Array Pathfinder).

IRAS 20100–4156 được hình thành vì sự va chạm của 3 thiên hà hình xoắn ốc, hiện nay đang trong quá trình va chạm, còn lỗ đen được phát hiện nằm ở trung tâm.

Nhà vật lý thiên văn Lisa Harvey-Smith, người phát hiện ra lỗ đen này cho biết, khi đó bà đang quan trắc vật chất bức xạ của IRAS 20100–4156, trong lòng đang nghĩ việc này thật vô vị thì bất ngờ thấy chuyển động ở trung tâm thiên hà với tốc độ khủng khiếp, khoảng 600 km/s.

Đây là tốc độ nhanh gấp 2 lần tốc độ mà các nhà khoa học dự tính, cho thấy trung tâm thiên hà có lỗ đen siêu lớn đang hình thành.

Lisa Harvey-Smith chia sẻ với Công ty Truyền hình Úc: “Chuyển động tốc độ cao của dòng khí giúp chúng tôi xác định khối lượng lỗ đen này siêu lớn. Điều thú vị là có thể qua lỗ đen này để xác định được khối lượng vật chất quay xung quanh nó.”

Bà nói: “Lỗ đen ở trung tâm dải ngân hà của chúng ta chỉ gấp 4 triệu lần Mặt trời, có thể thấy lỗ đen này lớn như thế nào. Phát hiện này hỗ trợ rất tốt cho việc tìm hiểu về sự hình thành của thiên hà trong vũ trụ.”

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm: