Gần 30 ngân hàng thương mại đã công bố xong báo cáo tài chính quý III/2018 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Dân Trí dẫn báo cáo tài chính của 26 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy biết có 15 ngân hàng đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Vietcombank giữ “ngôi vương” với lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank xếp vị trí số 2 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017.

VietinBank xếp thứ 3 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.596 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. BIDV xếp vị trí thứ 4 khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất đạt mức 7.254 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ sau 9 tháng đầu năm còn có sự góp mặt của OCB, VIB, Eximbank và TPBank. Cả 4 ngân hàng này đều có tăng trưởng hơn 2 lần, đạt lần lượt 133%, 176%, 149% và 100%.

Những con số trên cho thấy, trong 9 tháng qua, lợi nhuận của 26 ngân hàng đã hoàn thành được 77% kế hoạch cả năm 2018, trong đó 21/26 ngân hàng đã hoàn thành được hơn 70%.

Những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV và Techcombank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch chỉ trong 9 tháng. Đáng chú ý, có những ngân hàng đã vượt kế hoạch năm, chủ yếu là những ngân hàng nhỏ như VietCapitalBank đạt lãi trước thuế 139 tỷ đồng, hoàn thành 179% kế hoạch; MaritimeBank đạt 290 tỷ đồng, hoàn thành 149%; VietBank đạt 302 tỷ đồng, hoàn thành 101%; NamABank đạt 471 tỷ đồng, hoàn thành 147%.

Tỷ lệ nợ xấu tăng

Bên cạnh bức tranh sáng về lợi nhuận cao, báo cáo tài chính quý III/2018 của nhiều ngân hàng thương mại lại cho thấy xu hướng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh.

Trong đó, nợ xấu cuối quý III của VietinBank là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018. ACB cũng có hơn 1.264 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn 60% so với cuối năm 2017; còn MBBank có gần 1.319 tỷ đồng, tăng 62% so với cuối năm 2017.

Tính đến ngày 30/9, BIDV có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.

Chia sẻ trên báo Tiền Phong, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và có nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 (nợ quá 360 ngày). NHNN đang yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tính nợ xấu và yêu cầu phân loại nợ theo khách hàng, do đó, nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn có xu hướng tăng mạnh.

Tuy nhiên, nợ nhóm này đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Do đó, nếu sau này chuyển được nhóm nợ xuống thấp hơn hay thu hồi thì khoản trích lập dự phòng đương nhiên có thể tính thành lợi nhuận ngân hàng. Điểm đặc biệt đáng lưu ý hơn, theo vị lãnh đạo NHNN, đó là với cách tính này, nợ xấu hiện chỉ có một con số chứ không phải hai con số như trước đây. Điều này sẽ đưa nợ xấu về đúng bản chất.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng lo ngại cho vay tiêu dùng bùng nổ tại nhiều ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và điều đáng ngại là một số ngân hàng thương mại đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng nhưng lại tăng lượng tiền cho vay để cạnh tranh giành thị phần.

(Tổng hợp)