Nước các sông dâng cao đã nhấn chìm nhiều tuyến đường, cô lập một số khu dân cư ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi.

Ngày 1/11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến mưa kéo dài làm nước ở các sông dâng cao gây ra nhiều thiệt hại, theo VnExpress.

Tại Phú Yên, nước sông Kỳ Lộ ở huyện Đồng Xuân dâng cao làm cầu La Hai ngập hơn 1,5m; riêng cầu sông Cây Sung tại xã Xuân Sơn Bắc, nước lũ tràn lên hơn 2m. Hai thôn Xuân Mỹ và Lạc Chi xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa chìm trong lũ. Nhiều nơi của huyện bị cô lập.

Đường ray ở xã Xuân Quang Bắc bị sạt lở hơn 20m, khiến các đoàn tàu Bắc – Nam phải tạm dừng. Tuyến tàu SE8 hành trình TP HCM – Hà Nội buộc phải dừng lại ở ga Tuy Hòa chờ khắc phục sự cố.

“Hàng chục người được chúng tôi huy động để sửa chữa đường ray bị hư hỏng, dự kiến tối nay xong”, lãnh đạo địa phương cho báo chí biết.

Ở huyện Tuy An, nhiều nơi cũng ngập sâu, có nơi hơn 1m. Nhiều vùng trũng ở xã An Dân nước chảy xiết, chia cắt khu dân cư. Người dân tất bật di dời tài sản đến nơi cao ráo. Học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Được biết, trưa 02/11 thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu xả lũ qua tràn với lưu lượng 100m3/s; nước ở hai tổ máy từ thủy điện xả xuống sông Ba chừng 500m3/s. Ngoài ra, nước chảy qua tràn tại thủy điện La Hiêng 2 180 m3/s, lượng nước đổ về hạ du 210m3/s.

Theo đó, địa phương bị lũ cô lập hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người dân. Các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

“Vài ngày tới, lũ có thể diễn biến phức tạp, chúng tôi yêu cầu toàn tỉnh túc trực 24/24 để ứng phó kịp thời”, ông Trần Hữu Thế – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết.

Khánh Hòa hôm nay mưa rải rác ở nhiều nơi. Tại Ninh Đa, Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa nước lũ dâng, gây ngập nhiều tuyến đường.

Theo địa phương, bước đầu chưa có thiệt hại về người, nhưng lũ làm đàn heo ở trại của dân tại xã Ninh Sơn bị trôi.

Tại xã Ninh Hòa, mưa kéo dài khiến nước bị úng, gây lũ.

Tại Nha Trang, tàu thuyền được ngư dân cập sát bờ neo đậu. Khách ra vào các đảo tham quan bị hạn chế để đảm bảo an toàn.

Được biết, toàn tỉnh có gần 9.800 tàu thuyền với hơn 730 lao động trên biển đã được thông báo tình hình áp thấp nhiệt đới, kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn và không ra khơi vào thời điểm hiện tại.

 Bình Định, đêm 1/11 và sáng 2/11, một số nơi có lượng mưa trên 180mm. Mưa lớn từ thượng nguồn đổ về làm nước sông Kôn – Hà Thanh lên nhanh và xuất hiện lũ. Dự báo 12 giờ tới mực nước lũ còn tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh.

Nước sông Kôn lên nhanh cô lập 46 hộ với 100 người dân thôn Canh Giao, xã Canh Hiệp.

Tại thị xã An Nhơn, 10 lồng nuôi 4 tấn cá diêu hồng ở xã Nhơn Lộc bị lũ cuốn trôi, gây thiệt hại 260 triệu đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh đã phát thông báo cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở huyện: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và Vân Canh và ngập lụt ở vùng trũng thấp của các huyện An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.

Tại Quảng Ngãi, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, tỉnh có mưa lớn trên diện rộng, tổng lượng mưa có nơi trên 200mm. Tại huyện miền núi Sơn Hà, sáng nay đã có gần 1.000 học sinh phải nghỉ học do lũ.

Nước sông Trà Khúc dâng cao nhấn chìm con đường độc đạo 200m vào “ốc đảo” giữa sông Trà. Khu vực này thuộc TP Quảng Ngãi với 350 hộ dân, 1.300 người sinh sống.

Tại xã Tịnh An, bà con phải đi lại bằng đò suốt 2 ngày nay. Chuyện lụy đò cũng đã diễn ra suốt 20 năm qua kể từ khi sông Trà xói lở khiến vùng đất này bị cô lập thành “ốc đảo”

“Nếu bị cô lập trong 10 ngày thì bà con còn chuẩn bị được chứ hơn nữa thì không biết làm sao”, ông Bùi Tỏi – Trưởng thôn Ân Phú (xã Tịnh An) nói và kiến nghị nhà nước xây cầu qua ốc đảo này.

Ông Lê Minh Châu, người lái đò cho biết mỗi ngày phải chèo cả trăm lượt đò. “Khổ thân nhất các cháu nhỏ đến trường, chị em phụ nữ, người già trong trường hợp ốm đau, sinh đẻ”, ông nói.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 6 giờ tới, nước lũ ở các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục dâng cao. Tại những tỉnh này có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng cục bộ ở điểm bị trũng.

Nước sông Trà Khúc dâng cao khiến 1.300 người dân “ốc đảo” phải lụy đò. (Ảnh: Phạm Linh)

Trước đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 13h ngày 1/11 tâm áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 110 km về phía Nam, sức gió tối đa 60 km/h, cấp 7. Với hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h, chiều mai áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau.

Áp thấp kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống gây mưa giông, có khả năng kèm lốc xoáy, vòi rồng cho vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (gồm huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, đảo Thổ Chu). Gió mạnh cấp 6-7, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam Bộ nước có thể dâng cao 4-4,5 m do kết hợp với triều cường.

Từ hôm nay đến hết ngày 2/11, Nam Bộ có mưa to, với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong ngày và đêm nay tiếp tục có mưa to.

Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở phía Bắc đảo Palawan (Philippines), sức gió mạnh 60 km/h, cấp 7. Ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới theo hướng Tây, tốc độ 20 km/h và có thể phát triển thành bão. Đến 13h ngày 2/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 140 km về phía Đông Đông Bắc.

Khôi Minh