Đối với nhiều người, niềm vui Tết nằm ở quá trình chuẩn bị trang trí nhà cửa, mua sắm thực phẩm và các vật dụng mới. Việc ra chợ chọn được một cây đào, quất ứng ý về chơi Tết thật lâng lâng, nhưng cũng khiến nhiều người phấp phỏng vì “lỡ ra” trên đường về sẽ bị CSGT “tuýt còi” xử phạt lỗi chở hàng cồng kềnh.

Lo lắng vì "chở Tết" về nhà bị CSGT thổi phạt
Ảnh minh họa.

Để yên tâm việc “chở Tết” về nhà vẫn theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, người tham gia giao thông có thể tra cứu các quy định hiện hành. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ, môtô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét.

Cụ thể, môtô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.

Về mức phạt lỗi chở hàng cồng kềnh, căn cứ theo Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016 quy định xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người được chở trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông vì chở hàng cồng kềnh thì người điều khiển phương tiện còn bị tước bằng lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Hôm Mai (Tổng hợp)