Hình ảnh những thầy cô giáo đam mê với nghề và dành nhiều tình thương, sự hi sinh cho học trò… đã được tái hiện chân thực trên màn ảnh Việt từ nhiều năm trước.

Quyển vở sang trang (năm 1976)

Đúng như tựa đề, bộ phim là câu chuyện về sự thay đổi tính cách của một cậu học trò cá biệt, từ bướng bỉnh, nghịch ngợm sang ngoan ngoãn, biết nghe lời. Đằng sau sự thay đổi đó là tấm lòng bao dung, yêu thương của cô giáo chủ nhiệm em.

lang dong tinh cam thay tro qua nhung thuoc phim
Tình cảm cô trò cảm động trong Quyển vở sang trang.

Trong khi các thầy cô khác không muốn nhận em vào lớp thì cô giáo Hồng Vân (nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Lê) đã cưu mang, giúp đỡ và ân cần uốn nắn cậu học trò từng bước.

Bộ phim mang đến thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc: “Tình yêu thương sẽ cảm hóa được mọi sai lầm. Nhà trường, thầy cô luôn là chỗ dựa vững chãi cho những tâm hồn non dại khi đặt chân vào ngưỡng cửa cuộc đời”.

Bao giờ cho đến tháng Mười (năm 1984)

Phim đã được bình chọn là một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. CNN từng đánh giá rằng Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.

Sau chuyến đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam, Duyên hay tin dữ chồng chị đã hi sinh. Trên đường trở về nhà, chị chẳng may bị ngã xuống sông và được thầy giáo tên Khang cứu sống. Sợ mọi người trong gia đình đau buồn, nhất là người cha già đang lâm bệnh nặng nên chị quyết định giấu thông tin chồng qua đời. Chị nhờ thầy Khang viết hộ những lá thư hỏi thăm gia đình thay chồng chị…

Bên cạnh tình người ấm áp, bộ phim còn xây dựng thành công hình ảnh người thầy trầm tính, giản dị nhưng luôn dành mọi tình thương cho học trò, giúp các em hiểu về lẽ sống, biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

lang dong tinh cam thay tro qua nhung thuoc phim
Nghệ sĩ Hữu Mười trong vai thầy giáo.

Vai diễn người thầy giàu hi sinh đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Hữu Mười vụt sáng trong làng nghệ thuật bấy giờ.

Bao giờ cho đến tháng Mười mang nhiều bản sắc dân tộc, một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 1980. Bộ phim đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá như: Bông sen vàng tại LHP Việt Nam năm 1985, Giải đặc biệt tại LHP Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 1989, Giải thưởng đặc biệt của BGK tại LHP Quốc tế Hawaii năm 1985.

12A và 4H (năm 1995)

Là bộ phim thứ hai dựa trên tiểu thuyết Vĩnh biệt mùa hè, 12A và 4H xoay quanh câu chuyện về nhóm bạn gái 4H: Hạ, Hân, Hoa và Hằng. Phim lấy bối cảnh chính tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Tuy hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng cả nhóm 4H đều chơi thân với nhau và là học sinh giỏi của lớp. Lên lớp 12, lớp họ có giáo viên dạy Văn kiêm chủ nhiệm mới là thầy Minh – giáo viên trẻ kiêm nhà thơ tài hoa. Ở lớp, thầy Minh phải đối mặt với những rắc rối của lứa tuổi học trò mới lớn nhưng bằng sự mến trò, yêu nghề, thầy đã giúp học sinh vượt qua mọi chuyện để tập trung vào việc học.

lang dong tinh cam thay tro qua nhung thuoc phim
Các diễn viên đóng vai học sinh trong 12A và 4H.
lang dong tinh cam thay tro qua nhung thuoc phim
Quốc Tuấn trong vai người thầy hết lòng vì học trò.

Trên lớp, thầy được học trò yêu mến, quý trọng thì về nhà lại bị vợ chì chiết do không kiếm được tiền. Những bi kịch của người thầy giữa guồng quay cơm áo gạo tiền đã được nam diễn viên Quốc Tuấn thể hiện xuất sắc và để lại nhiều ấn tượng cho khán giả.

Ánh Tuyết (Tổng hợp)