Ba nhóm sản phẩm thép của Việt Nam vừa bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, 2 tháng sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép Việt có nguồn gốc Trung Quốc.  

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) ngày 23/7 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đã thông báo tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu.

Theo thông báo đó, EC sẽ áp dụng biện pháp tự vệ thạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 28 nhóm sản phẩm thép bị điều tra, trong đó mỗi nhóm sẽ được quy định một mức hạn ngạch riêng. Đối với lượng hàng hóa vượt hạn ngạch, mức thuế áp dụng là 25%.

Biện pháp tự vệ tạm thời này sẽ được áp dụng trong vòng 200 ngày, bắt đầu từ ngày 19/7/2018.

Ngoài ra, dựa trên quy định của Hiệp định tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu đáp ứng tiêu chí có thị phần nhập khẩu dưới 3% và tổng thị phần của tất cả các nước đang phát triển đáp ứng tiêu chí trên nhỏ hơn 9%, EC đã xây dựng danh sách các loại sản phẩm sẽ áp dụng biện pháp sơ bộ với các nước đang phát triển.

Theo đó, sản phẩm thép của Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp với 3 nhóm sản phẩm gồm: thép cán nguội hợp kim và không hợp kim, thép tấm mạ kim loại và thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Các sản phẩm thép này của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 2 tháng sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp ở mức rất cao đối với các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo đó, các mặt hàng thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị áp mức thuế chống bán phá giá tới gần 199,8% và thuế chống trợ cấp tới 256,4%, còn mặt hàng thép chống gỉ nhập khẩu từ Việt Nam cũng bị áp mức thuế chống bán phá giá tới 199,4% và thuế chống trợ cấp 39,1%.

Minh Tuệ