Các quốc gia Đông Nam Á như Lào và Campuchia đang dồn vốn để xây dựng các đập thủy điện phục vụ cho nhu cầu năng lượng nhưng bỏ qua những rủi ro ngầm về kinh tế mà nó gây ra.

Theo CNBC, các đập thủy điện đang gây những thiệt hại khổng lồ cho các hệ sinh thái thủy sinh, cho kinh tế và xã hội của cộng đồng cư dân xung quanh. Đây là vấn đề nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi các con đập đang được xây dựng tràn lan dọc sông Mê Kông.

Chảy qua 6 quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc, sông Mê Kông là con sông lớn thứ 10 thế giới cũng là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới. Độ đa dạng sinh học và giá trị kinh tế của sông Mê Kông đứng thứ 2 chỉ sau sông Amazon.

Hơn thế nữa, lượng nước ngọt của sông Mê Kông chiếm 25% lượng nước ngọt toàn cầu và thu nhập của hơn 60 triệu dân phải phụ thuộc vào việc đánh bắt cá cũng như trồng trọt dọc bờ sông này.

Tuy nhiên, các đập thủy điện trên dòng sông đang gây ra tổn hại đến trữ lượng cá và làm xói mòn độ phì nhiêu của đất, gây nguy hiểm cho hệ sinh thái của sông Mê Kông về lâu dài.

Đến năm 2040, khi các chính quyền ở lưu vực sông Mê Kông đẩy mạnh công suất thủy điện trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, ước tính sẽ có khoảng 11 đập thủy điện tại dòng chảy chính và hơn 100 đập thủy điện ở các nhánh.

Theo Hiệp hội Thủy điện Quốc tế, Lào đã thu về hàng tỷ USD sau khi đầu tư vào thủy điện để xuất khẩu điện cho các quốc gia láng giềng, hướng đến mục tiêu làm “cục pin” của châu Á. Trong khi đó, các quốc gia không giáp biển cũng thu về khoảng 975 triệu USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017 nhờ xuất khẩu điện.

Tình trạng thiếu điện tại khu vực Đông Nam Á đã biến thủy điện trở thành một nguồn năng lượng sạch, hấp dẫn và đặc biệt là nguồn thu khổng lồ. Đây được xem là một giải pháp lâu dài để giải quyết đói nghèo ở khu vực nông thôn. Hơn nữa, thủy điện cũng góp phần cung cấp nước cho tiêu thụ, lưu trữ, tưới tiêu và kiểm soát lũ lụt.

Trái ngược với đó, các nhà môi trường tin rằng thủy điện tạo ra hại nhiều hơn là thu về lợi ích.

Môi trường bị đe dọa

Các loài cá tại Mê Kông thường di chuyển lên thượng nguồn để đẻ trứng nhưng các con đập và các hồ chứa đã chặn đường của chúng, làm gián đoạn vòng đời. Theo một báo cáo của Ủy Ban sông Mê Kông, dự trữ thủy sản dự kiến sẽ giảm tới 40% do các dự án thủy điện.

Các con đập cũng làm giảm lượng trầm tích chảy xuống hạ lưu, giảm độ phì nhiêu của đất. Giới chuyên gia bình luận nếu không có trầm tích, độ màu mỡ của các con sông và kênh rạch sẽ bị xói mòn, nghiêm trọng hơn khi đó sẽ nhấn chìm nhà cửa, cây trồng và cơ sở hạ tầng.

Ông Marc Goichot, chuyên gia về nước của Quỹ Động vật hoang dã thế giới, cho biết: “Dòng trầm tích rất quan trọng đối với hệ sinh thái của dòng sông. Nếu con người thay đổi dòng chảy của trầm tích, chúng ta sẽ có một dòng sông khác. Trước khi đập thủy điện đầu tiên được xây dựng vào năm 1990, sông Mê Kông đã thải ra trung bình 160 triệu tấn trầm tích mỗi năm, nhưng đến năm 2014, con số đó đã giảm hơn một nửa”.

Đập thủy điện cũng góp phần nhấn chìm các đồng bằng, buộc các hộ gia đình tại khu vực đó phải tái định cư ở nơi khác.

Ông Mats Eriksson, quản lý bộ phận nước xuyên biên giới thuộc Viện nước Quốc tế Stockholm cho biết: “Nếu đóng góp hàng năm của trầm tích lên các đồng bằng giảm, khả năng xói lở sẽ tăng lên và dẫn đến hậu quả khu vực đó sẽ biến mất”.

Tác động đến kinh tế

Đối với những ủng hộ, thủy điện hoạt động như một chất xúc tác cho sự tăng trưởng kinh tế.

Ông Richard Taylor, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thủy điện quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn cho rằng: “Các dự án thủy điện có thể thúc đẩy phát triển xã hội một cách toàn diện và bền vững, miễn là chúng phù hợp với chiến lược đặt ra và được phát triển cũng như vận hành một cách bền vững. Các dự án thủy diện được quy hoạch đúng kích cỡ có thể đem lại lợi ích ròng cho hành tinh cũng như cộng đồng địa phương”.

Nhưng các nhà phê bình khẳng định một khi dòng chảy trầm tích giảm sẽ gây ra tác động tiêu cực đến an ninh lương thực và năng suất cây trồng, tăng tỷ lệ đói nghèo. Và hậu quả lớn nhất là làm suy giảm tăng trưởng kinh tế ở tất cả các quốc gia nằm ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông.

Trên thực tế, theo một nghiên cứu được công bố bởi tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam vào năm 2017, những lợi ích về mặt kinh tế mà đập thủy điện đem lại đã được đánh giá quá cao. Hiện tại, giá trị ròng của các đập được ước tính là âm 7,3 tỷ USD.

Giải pháp phù hợp

Các giải pháp từng được áp dụng cho các khu vực khác trên thế giới đã phải đối mặt với trường hợp thủy điện tương tự như khu vực sông Mê Kông không phải lúc nào cũng thích hợp vì sự đa dạng sinh học của sông Mê Kông khác quá nhiều so với các con sông khác.

Ví dụ, một số quốc gia sử dụng biện pháp thang cá – cấu trúc được xây dựng dọc theo một con đập, cho phép cá vượt qua và ngược về thượng nguồn để đẻ trứng.

Theo ông Goichot, biện pháp thang cá rất tốn kém và chỉ phù hợp với các loài cá có khả năng bơi khỏe: “Với sự đa dạng về các loài cá của sông Mê Kông, chúng tôi chỉ đơn giản không biết liệu tất cả các loài cá liệu có thể đi vượt qua được các bậc thang đó không”.

Tại Mỹ, đồng bằng sông Mississippi đang bị chìm do thiếu nguồn cung trầm tích. Chính phủ đã thực hiện tái tạo dòng chảy trầm tích tự nhiên nhưng công trình đắt đỏ này không khả thi đối với các nước Đông Nam Á đang phát triển.

Cơ sở hạ tầng không đạt chuẩn

Đập thủy điện có thể là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho các nước đang phát triển nếu quy hoạch không đạt chuẩn.

Vào tháng trước, đập thủy điện Xe-Pain Xe-Namnoy của Lào có kinh phí xây dựng 1,02 tỷ USD đã bị vỡ. Sự cố bất ngờ này đã khiến hàng trăm người mất tích và gân 7.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Các chuyên gia trong ngành nhận định vụ vỡ đập này chính là một thảm hỏa nhân tạo. Con đập đã bị đe dọa bởi mưa liên tiếp khiến nước chảy vào bể chứa tăng cao. Do đó, đập đã bị nứt và nước chảy xuống sông Xe-Pian cách đập khoảng 5km.

Thiếu giám sát trong quá trình vận hành cũng là một trong những nguyên nhân khiến thảm họa xảy ra.

Hướng đến tương lai

Theo ông Eriksson, cấu trúc của các đập thủy điện ở châu Á cần được cải tiến nhưng điều này chỉ có thể làm được khi quy trình xây dựng cũng như vận hành được giám sát nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, để tránh những nguy hiểm không báo trước, giới chuyên gia khuyên rằng chính phủ các nước nên chuyển sang phát triển các loại năng lượng tái tạo.

“Các công nghệ tạo điện mới nổi như năng lượng mặt trời, gió và sinh khối hiện nay đang phát triển trên toàn cầu và chúng hoàn toàn có khả năng thay thế một số đập thủy điện có nguy cơ hiểm họa”, ông Brian Eyler, phụ trách bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của Tổ chức nghiên cứu Chính sách có trụ sợ tại Washington cho biết.

Ông Eyler cũng nhận xét Việt Nam là quốc gia mất nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng lưu nhất. Do đó, Việt Nam nên thuyết phục Lào đa dạng hóa các lựa chọn tạo năng lượng hoặc đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và sinh khối để bù đắp cho nguồn điện bị thiếu hụt.

Kiều Ngọc