Phần lớn trong số 8 cổ đông sáng lập Modern Tech đều từng tham gia, thậm chí lãnh đạo những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Công ty cổ phần Modern Tech – doanh nghiệp bị tố cáo lừa hơn 15.0000 tỷ đồng qua huy động vốn bằng tiền ảo iFan và Pincoin – có 8 cổ đông sáng lập với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, mỗi người sở hữu khoảng 12-15% vốn.

Ông Vũ Hữu Lợi từng xuất hiện trên truyền thông với mô tả như một đại gia chịu chơi bậc nhất Việt Nam cùng tài sản hàng trăm tỷ đồng. (Ảnh FB)

Người nắm cổ phần lớn nhất là ông Vũ Hữu Lợi (sinh năm 1979) với tỷ lệ 15%, tương đương 15 tỷ đồng. Theo một số nhà đầu tư từng rót tiền vào iFan, ông Lợi đóng vai trò kêu gọi chính trong các sự kiện giới thiệu đầu tư.

Ông Lợi còn được giới thiệu là “vua đa cấp”, triệu phú đôla và là nhân sự cao cấp của Công ty TNHH Thương mại Vision Việt Nam, theo VnExpress.

Ông Hồ Xuân Văn (trái). (Ảnh: Thanh Niên)

Sở hữu cổ phần lớn thứ hai (13%) nhưng ông Hồ Xuân Văn là người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc của Modern Tech. Người đứng đầu doanh nghiệp này sinh năm 1988 tại Thừa Thiên Huế, hiện sống trong một khu đô thị cao cấp tại quận 2 (TP HCM).

Trước khi thành lập Modern Tech, ông Văn từng xuất hiện trong vai trò thủ lĩnh của đồng tiền ảo Bitkingdom. Vị này từng tuyên bố Bitkingdom đã thu hút 200.000 người tham gia vào cuối năm 2016, đồng thời khẳng định đây không phải mô hình kinh doanh đa cấp mà là một phương thức kết nối cộng đồng để “giúp nhau thoát nghèo”.

Ông Văn cho biết trên Thanh Niên từ tháng 9/2017, ông và nhiều người được ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển mạng lưới Hữu Nghị (trụ sở ở Q.10, TP.HCM), mời đến nhà để giới thiệu về dự án iFan của Singapore và mong muốn mọi người tham gia. Do rành về kỹ thuật tiền ảo, nên ông Văn được ông Cường mời đi giảng tại hội thảo ở TP.HCM và Vũng Tàu, liên quan đến kỹ thuật, công nghệ tiền ảo.

Ngày 31/10/2017, ông Văn cùng một số người thành lập Công ty CP Modern Tech chuyên về công nghệ.

Sáu cổ đông còn lại của Modern Tech đều sở hữu tỷ lệ 12% gồm các ông Hồ Phú Ty, Lưu Trọng Tuấn, Lương Huỳnh Quốc Huy, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Đức Trọng và bà Bùi Thị Ngọc Mỹ.

Trong số này có Bùi Thị Ngọc Mỹ (sinh năm 1988), từng là lãnh đạo Công ty TNHH Học viện Trident Crypto. Doanh nghiệp này thành lập đầu năm 2017, từng liên quan đến việc giả mạo văn bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh tiền điện tử Onecoin.

Lê Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn “scam”). (Ảnh FB)

Dù không nằm trong danh sách cổ đông góp vốn thành lập, Lê Ngọc Tuấn (biệt danh Tuấn “scam”) được một số nhà đầu tư nhận định là người giúp sức trực tiếp cho Modern Tech. Tuấn thường xuất hiện trong các sự kiện quảng bá iFan với phong cách như bản sao của mô hình buôn hàng đa cấp.

Trong một sự kiện giới thiệu đầu tư tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2017, Tuấn xưng là thủ lĩnh của iFan, khẳng định bản thân là nhà đầu tư chuyên nghiệp và chỉ mất một tuần để xây dựng cộng đồng khoảng 30.000 thành viên.

“Hệ thống này mang về cho cá nhân Tuấn mỗi ngày khoảng 20.000 USD. Điểm yếu duy nhất của hệ thống là những người tuyến trên không làm gì nhưng vẫn kiếm được rất nhiều tiền”, Tuấn chào mời như vậy và cam kết mang về cho nhà đầu tư rót vốn vào đồng tiền ảo này lợi nhuận khổng lồ.

Trước đó vào sáng 8/4, hàng chục nhà đầu tư kéo đến trụ sở Modern Tech giăng băng rôn tố cáo công ty này chiếm đoạn hơn 15.000 tỷ đồng. Modern Tech cam kết với nhà đầu tư mua tiền ảo iFan và Pincoin rằng khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn trong vòng 4 tháng. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Sau 5 ngày xảy ra vụ việc, mặc dù nhiều NĐT và cả ông Diệp Khắc Cường khẳng định đã nộp đơn tố cáo nhóm lừa mua iFan đến cơ quan công an, thế nhưng chiều 12.4, các đơn vị phụ trách lĩnh vực tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo… thuộc Bộ Công an đều cho biết chưa nhận được đơn tố cáo nào liên quan vụ việc.

Vụ việc này đã được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo 6 Bộ, ngành cùng vào cuộc điều tra.

Mạnh Tiến