Cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh, nhà hàng, khách sạn… sẽ phải nộp phí đối với nước thải sinh hoạt là 15% thay vì 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch nếu đề xuất tăng 5% phí nước thải sinh hoạt được thông qua.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, đó là nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thay thế nghị định 154 năm 2016, vừa được đưa ra lấy ý kiến hôm 17/4.

Theo quy định hiện hành nêu tại nghị định 154, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, một số địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang cho rằng quy định cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt như cá nhân, hộ gia đình là không công bằng. Bởi nước thải của những cơ sở này có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao hơn.

Trước đó là thuế môi trường với xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Theo Tintucvietnam.vn, về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định căn cứ vào quy định hiện hành, trường hợp nước thải của cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn ô nhiễm hơn thì địa phương có thể quyết định mức phí cao hơn. Bộ Tài chính dự kiến 2 phương án:

Phương án 1: Giữ quy định mức phí như hiện hành, tức là mức phí 10% giá bán 1m3 nước sạch. Trường hợp có mức thu cao hơn thì hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức thu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Phương án 2: Quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Riêng mức phí áp dụng đối với cơ sở rửa ôtô, rửa xe máy, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy; nhà hàng, khách sạn là 15% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trước đó, liên quan thuế môi trường từ ngày 1/1/2019, thuế môi trường với xăng đã được điều chỉnh tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, dầu diesel sẽ chịu thuế môi trường 2.000 đồng/lít, dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít, dầu madut, dầu nhờn và mỡ nhờn sẽ chịu thuế môi trường 2.000 đồng/lít (kg).

Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học – xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Hồng Hoa (Tổng hợp)

Xem thêm: