Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận thêm 6 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lên hơn 260 di sản.

Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận nêu trên thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Lễ cúng rừng của người Phù Lá (xã Nàn Sỉn, Xín Mần, Hà Giang)

Hàng năm người Phù Lá tổ chức lễ cúng rừng 2 lần, vào tháng 2 và tháng 6 âm lịch. Lễ cúng rừng mang ý nghĩa cầu mong các vị thần rừng phù hộ cho mưa thuận gió hoà, cây cối phát triển, mùa màng bội thu, người dân trong bản có cuộc sống ấm no.

6 le hoi vua duoc cong nhan di san van hoa quoc gia

Lễ hội đền Độc Cước (Tp. Sầm Sơn, Thanh Hóa)

Với người dân xứ Thanh, thần Độc Cước là vị thần có một chân, hỗ trợ sự nghiệp giữ nước và giúp đỡ ngư dân đi biển đánh cá. Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước là dịp để người dân cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng tươi tốt, biển đầy cá tôm, đời sống nhân dân no đủ.

Ngày hội chính diễn ra vào ngày 16/2 âm lịch và được tổ chức ngay dưới chân đền Độc Cước ở Thanh Hóa. Ngoài các nghi lễ truyền thống như rược kiệu, tế lễ, dâng cỗ… phần hội còn có nhiều hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian như thi vật, đánh cờ người, hát múa…

Lễ hội Nàng Hai (Cầu Trăng) của người Tày Ngạn (xã Vô Điếm, Bắc Quang, Hà Giang)

Lễ hội Nàng Hai diễn ra vào ngày 15/1 âm lịch (Rằm tháng Giêng). Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày, trên cung trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên – con gái của mẹ. Mẹ con nàng Trăng hàng năm đều chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân.

Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ, các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp đỡ dân trong công việc làm ăn…

6 le hoi vua duoc cong nhan di san van hoa quoc gia

Đến với lễ hội Nàng Hai, không chỉ được nghe những làn điệu dân ca hay theo dõi các trò chơi dân gian, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của bà con dân tộc Tày với cơm lam, các món rau rừng, trám muối, xôi ngũ sắc…

Lễ hội đền Thanh Liệt (làng Thanh Liệt, Hưng Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An)

Lễ hội đền Thanh Liệt (hay còn gọi Lễ hội rước Hến) thường được tổ chức vào ngày 6/2 âm lịch. Đây một lễ hội cầu ngư giàu bản sắc, gắn bó với cư dân sông nước nơi hạ nguồn dòng sông Lam.

Lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đồng Tân, Đông Hưng,Thái Bình)

Hàng năm, lễ hội làng Thương Liệt diễn ra vào ngày 10/1 âm lịch, gắn với tục giáo cờ giáo quạt. Tương truyền đó là điệu múa do Công chúa Quí Minh, con gái vua Trần Nhân Tông sáng tạo ra để dân làng vui xuân.

Lễ hội đình Thọ Vực (xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang)

Lễ hội đình Thọ Vực diễn ra vào ngày 7-8/1, nhằm tưởng nhớ công lao các vị Công thần có công với đất nước, cầu cho năm mới nhiều may mắn, mùa màng bội thu.

(Tổng hợp)