Gian lận tuyển sinh có lẽ là vấn nạn “nơi nào cũng có”, tuy nhiên, cách xử lý ở mỗi nơi thì luôn khác nhau.

Hồi tháng ba vừa qua, bê bối gian lận tuyển sinh 25 triệu USD ở Mỹ bị phanh phui. Được biết, với đường dây này, con em của các gia đình giàu có đã được nhập học vào những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ như Yale, Georgetown, Stanford và Nam California giai đoạn 2011 – 2018.

Gần 50 người, bao gồm 33 phụ huynh cùng 13 huấn luyện viên thể thao trong trường đại học đã bị buộc tội. Những phụ huynh “khách hàng” này là những người giàu có như chủ tịch công ty chứng khoán, thương nhân bất động sản, nhà thiết kế thời trang hay diễn viên. 

Cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ là William Rick Singer, đã từng tốt nghiệp đại học Trinity ở San Antonio (Texas), có bằng thạc sĩ tư vấn và Tiến sĩ quản lý tổ chức kinh doanh. Singer từng là huấn luyện viên thể thao trung học một thời gian, trước khi thành lập công ty tư vấn tuyển sinh đại học Future Stars năm 1992. Sau đó, ông ta bán công ty với lý do giỏi huấn luyện hơn điều hành doanh nghiệp. Tại Toà án Boston hôm 12/3 vừa qua, Singer thừa nhận các cáo buộc gian lận, rửa tiền và cản trở công lý.

Về cơ bản, đường dây này hoạt động dựa trên ba con đường: Gian lận điểm trong các kỳ thi tiêu chuẩn; Hối lộ những người chịu trách nhiệm quyết định sinh viên nào được chọn và che đậy tiền hối lộ dưới mác từ thiện. Vậy các trường đại học liên quan đến bê bối vụ bê bối trên đã xử lý như thế nào?

Đại học Nam California (USC) là tâm điểm của bê bối. Đây là nơi nữ diễn viên Lori Loughlin và chồng bị cáo buộc trả 500.000 USD để hai con gái được nhận vào đội tuyển chèo thuyền, dù họ không chơi môn thể thao này.

Nữ diễn viên Lori Loughlin (giữa) cùng con cả Isabella (trái) và con út Olivia (phải). (Ảnh: Fox)

USC đã sa thải Giám đốc thể thao cấp cao Donna Heinel và huấn luyện viên bóng nước Jovan Vavic. Tất cả thí sinh trong vụ gian lận bị từ chối nhập học. 

Những sinh viên trong diện khả nghi không được đăng ký lớp hoặc lấy tài liệu học trong khi trường đang điều tra. USC không cung cấp cụ thể số học sinh bị ảnh hưởng nhưng cho biết những người này đã được thông báo rằng “tình trạng của họ đang được xem xét”. USC có thể từ chối cho họ nhập học hoặc đuổi học sau quá trình rà soát.

USC không công bố danh tính những sinh viên có liên quan, vì Đạo luật Quyền riêng tư và Quyền Giáo dục Gia đình (1974) quy định rằng thông tin này không được tiết lộ mà không có sự đồng ý bằng văn bản từ sinh viên.

Đại học California tại Los Angeles (UCLA) đã đình chỉ huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nam Jorge Salcedo. Trường đang điều tra một sinh viên và một thí sinh sắp nhập học.

Tod Tamberg, phát ngôn viên của UCLA, cho biết trường có thể thực hiện nhiều hình thức kỷ luật, bao gồm cả từ chối nhập học.

Đại học Stanford sa thải huấn luyện viên trưởng đua thuyền buồm John Vandemoer, người đã giới thiệu hai thí sinh để đổi lấy khoản đóng góp tài chính cho chương trình đua thuyền buồm của trường.

“Cuối cùng, cả hai thí sinh đều không vào Stanford. Một người ban đầu bị từ chối và dự định nộp đơn lại nhưng không làm vậy. Người còn lại không hoàn thành hồ sơ đăng ký”, Stanford ra tuyên bố.

Mặc dù, Stanford không có bằng chứng cho thấy còn thí sinh khác liên quan đến bê bối nhưng họ sẽ rà soát nội bộ. Trường đang tìm cách thức hợp lý để xử lý khoản đóng góp tài chính tổng cộng 770.000 USD mà công ty của Singer đã chuyển cho đội đua thuyền.

Đại học Georgetown cho biết họ đã thiết lập một chính sách mới vào năm 2018 để thắt chặt quy trình tuyển sinh, bao gồm việc thuê bên thứ ba để rà soát hình thức tuyển sinh dựa vào thành tích thể thao.

Cựu huấn luyện viên tennis của Đại học Georgetown, Gordon Ernst, bị buộc tội tham gia đường dây gian lận. Georgetown cho biết ông này đã không làm việc cho trường kể từ tháng 12/2017 sau một cuộc điều tra nội bộ.

“Kết quả điều tra cho thấy Ernst đã vi phạm các quy tắc tuyển sinh và ông đã rời khỏi trường vào năm 2018. Nhà trường không biết về bất kỳ hoạt động phạm tội hay nhận hối lộ nào của Ernst cho đến khi được giới chức thông báo”, Đại học Georgetown ra tuyên bố.

Đại học Yale sẽ điều tra nội bộ để xác định xem còn ai tham gia vào các hoạt động sai trái hay không. Họ sẽ sử dụng các cố vấn bên ngoài để nghe những đề xuất về cách thay đổi giúp “phát hiện và ngăn chặn gian lận trong quá trình tuyển sinh”.

Cựu huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nữ của Đại học Yale Rudolph “Rudy” Meredith từ năm 2015 cấu kết với Singer để nhận hối lộ, đưa một thí sinh vào danh sách đội tuyển. Người này đã bị từ chối nhập học.

Đại học Wake Forest ở Winston-Salem, Bắc Carolina đình chỉ huấn luyện viên bóng chuyền Bill Ferguson sau khi ông này nhận tiền để “giúp đỡ” một thí sinh.

Singer chuyển 100.000 USD từ một trong những tài khoản từ thiện của mình cho Ferguson, bao gồm séc 10.000 USD cho quỹ thể thao Wake Forest Deacon Club, séc 40.000 USD cho đội bóng chuyền nữ Wake Forest và séc 50.000 USD cho một chương trình bóng chuyền tư nhân do Ferguson điều hành. Đổi lại, Ferguson đồng ý đưa con gái khách hàng của Singer vào danh sách tân binh đội bóng chuyền nữ để giúp cô trúng tuyển.

Ông William Rick Singer, người điều hành đường dây ‘chạy trường’ đại học cho con cái của những nhà giàu có đã hầu toà vào tháng 3 vừa qua (ảnh: REUTERS).

Đại học Texas ở Austin đã sa thải huấn luyện viên đội tennis nam Michael Center, người bị cáo buộc nhận hối lộ gần 100.000 USD để nhận một thí sinh chưa từng thi đấu tennis năm 2015. Sinh viên này đã rời khỏi đội sau khi vào trường.

Trường không bình luận về sinh viên liên quan đến bê bối nhưng cho biết họ đang tiến hành “đánh giá kỹ càng”.

Đại học San Diego xác định Lamont Smith và hai thí sinh là ba người liên quan đến bê bối. Một thí sinh đang theo học còn một người đã bị từ chối từ trước khi bê bối bị phanh phui.

Smith là huấn luyện viên môn bóng rổ nam của Đại học San Diego cho đến tháng 3/2018. Ông này sau đó trở thành trợ lý huấn luyện viên bóng rổ cho Đại học Texas ở El Paso nhưng đã từ chức vào ngày 20/3 sau khi bị truy tố.

Đại học San Diego cho biết họ sẽ làm việc với một công ty luật độc lập để điều tra và chỉ định một ủy ban đặc biệt để giám sát phản ứng của trường.

Bạn đang đọc bài viết: “Chạy đại học ở Mỹ: Người vi phạm bị xử lý thế nào?” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||89e8fb96c__