Học sinh ngày nay bị bủa vây trong áp lực và cảm xúc tiêu cực. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì xu hướng học sinh trầm cảm sẽ ngày càng trầm trọng. Bằng những vật dụng rất đơn giản nhưng với tấm lòng, sự thấu hiểu, chiến lược ‘bảng trái tim’ của cô Erin Castillo đã giúp rất nhiều học sinh hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu của Unicef cho thấy 8-29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần, 2,3% trẻ vị thành niên tự tử. Theo chia sẻ của ông Thái Thanh Trúc cùng cộng sự Trường Đại học Y Dược Tp. HCM trên báo Giáo dục và Thời đại, qua kinh nghiệm 10 năm nghiên cứu về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên ở nhiều tỉnh thành, con số mắc rối loạn sức khỏe tâm thần trong học sinh THCS và THPT là khoảng 30%. Đó thực sự là tình trạng báo động.

Không giống như tổn thương về thân thể, những vấn đề về tinh thần khó nhận ra và thường diễn biến trong một thời gian dài. Thực tế, học sinh không có hiểu biết về sức khỏe tâm thần, không nhận ra sự lo âu, căng thẳng, stress của mình ở mức độ nào, cuối cùng chỉ vì không can thiệp ngay mà chuyển biến thành trầm cảm. Điều đáng quan tâm hơn, nhiều học sinh khi bị stress chỉ ngồi ao ước thoát khỏi stress chứ không tìm kiếm sự trợ giúp. Có một số em tìm đến bạn bè, mạng xã hội nhưng các cách thức này không hiệu quả.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, gần 1/5 trẻ em ở độ tuổi đi học cũng đang phải vật lộn với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí có thể còn nhiều trẻ em hơn thế mà con số thống kê chưa phản ánh hết. Thuốc men không giúp giải quyết triệt để vấn đề này, bởi nếu dùng phương pháp y học mà chữa khỏi được cho các em thì hẳn con số này đã phải giảm đi rồi.

Related image
Học sinh ngày nay bị bủa vây trong áp lực học hành và cảm xúc tiêu cực (ảnh: CNB).

Nếu không phải là bạn bè, mạng xã hội và bác sĩ, thì ai có thể giúp được các em? Câu trả lời chính là ba mẹ và thầy cô.

Vậy ta hãy xem câu chuyện kể về một cô giáo nhỏ bé, đã dùng liệu pháp gì không tốn kém, không một viên thuốc mà lại có thể tháo gỡ được những vấn đề về sức khỏe tâm thần cho các em học sinh của cô nhé!

Đó là câu chuyện kỳ diệu của cô Erin Castillo, giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học ở San Francisco, bang California, Mỹ. Theo Reader’s Digest, chỉ với giấy ghi chú và bảng dính, cô đã không chỉ thay đổi cuộc đời các học sinh của mình mà còn đưa ra giải pháp cứu giúp rất nhiều trẻ em trên toàn thế giới.

Bảng dính và giấy nhớ là những công cụ học tập bình thường, tuy nhiên trong tay cô Erin chúng đặc biệt hơn một chút. Ở trên bảng dính của cô Erin luôn có 6 trái tim với màu sắc khác nhau bộc lộ những cung bậc cảm xúc khác nhau, mỗi trái tim màu được gắn tên tương ứng: tôi cảm thấy rất tuyệt, tôi tốt, tôi bình thường, tôi đang gặp một chút khó khăn, tôi đang rất khó khăn đến mức muốn đến một nơi khác, và tôi chỉ muốn trốn vào một nơi bóng tối.

Khoảng một tuần một lần, hoặc có thể nhiều hơn nếu cảm thấy trạng thái của học sinh không tốt, cô Erin treo bảng gắn trái tim màu lên và hướng dẫn học sinh viết tên của mình vào giấy nhớ rồi dán cạnh 1 trong 6 trái tim chỉ đúng tâm trạng của các em. Sau đó trong khi các em đang làm bài tập, cô Erin sẽ lặng lẽ xem từng miếng giấy nhớ để biết cảm giác của từng em.

Chân dung cô Erin Castillo và bảng “check in” cảm xúc (ảnh: Inspiremore).

Có những em đang lo âu một chút, thực ra chỉ cần lời động viên hoặc một người ở bên để lắng nghe. Trong khi đó, một số em khác thực sự đang ở tình cảnh khó chịu, thậm chí có vấn đề nghiêm trọng. Cô Erin sẽ nói với những em đó rằng cô sẵn sàng giúp đỡ, hoặc cô có thể liên hệ ngay với chuyên gia tâm lý trong trường để kịp thời hỗ trợ các em. Thành thực mà nói, chỉ cần biết rằng có người sẵn sàng lắng nghe, cảm nhận rằng có sự giúp đỡ ngay lập tức, đó thực sự đã là một cuộc cách mạng đối với các em rồi.

Sau đó, khi thấy rằng nhiều học sinh trải qua một tuần tồi tệ, cô Erin liền nghĩ tới việc cần thông tin cụ thể hơn để có thể giúp đỡ những học sinh này tốt hơn, và vì thế ý tưởng thành lập một ban quản trị ra đời. Cô chia sẻ “Tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ một em học sinh nào đang phải vật lộn khổ sở, và đây thực sự là một cách giúp tôi dễ dàng biết được cảm giác của từng em”.

Castillo đã thực hiện ý tưởng của mình vào tháng 3 năm 2019 và quyết định chia sẻ nó trên trang Instagram của mình. Hình ảnh về bảng trái tim của cô đã nhanh chóng lan truyền, thu hút hàng ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận. Nhờ đó, cô biết rằng có hàng trăm giáo viên đang gặp khó khăn để hiểu học sinh, đồng thời cũng có rất nhiều học sinh đang trải qua cảm xúc tồi tệ mà không thể nào diễn đạt với ai.

Rất nhiều giáo viên đã học tập theo phương pháp này với hy vọng sẽ giúp học sinh của mình cảm thấy đỡ áp lực trong cuộc sống, đồng thời tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bảng chia sẻ cảm xúc (ảnh: Boredpanda).
Bảng chia sẻ cảm xúc (ảnh: Boredpanda).
Bảng chia sẻ cảm xúc (ảnh: Boredpanda).

Thực ra đời sống tinh thần của học sinh phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Có nhiều em sức khỏe tâm thần không tốt, từ đó ảnh hưởng đến khả năng học tập của các em cũng như cản trở các em tham gia những hoạt động trong lớp học.

Cô Erin chia sẻ rằng, học sinh của cô rất thích cách làm này và bản thân cô đã nhìn thấy sự thay đổi tích cực ở các em. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, tuyệt vời hơn, là các học sinh đã bắt đầu sử dụng bảng này để giúp đỡ lẫn nhau, thậm chí chủ động để bạn bè hiểu mình. Cô ấy nói: “Tôi nhớ đã từng nhìn thấy một em học sinh dắt tay bạn mình lên chỗ bảng trái tim để xem chỗ ghi chú, để bạn hiểu cảm giác của mình”. Đó là một khoảnh khắc đẹp tĩnh lặng. Từ đó, tôi thấy tình bạn giữa bọn trẻ thêm sâu sắc, bền chặt.

Một kết quả tốt nữa là chúng ta phát hiện ra có những đứa trẻ dường như ổn mà không ổn chút nào cũng như những đứa trẻ đang cảm thấy không thích trường học. Lúc này, nhờ ban quản trị mà bọn trẻ cởi mở về những điều chúng suy nghĩ bấy lâu nay. Cô Erin chia sẻ thêm rằng trước khi đưa bảng trái tim này vào hoạt động, cô còn hướng dẫn các em cách đặt tên và phân loại cảm xúc của mình.

Thực tế, đối với nhiều trẻ em, yêu cầu người khác giúp đỡ là một việc không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, bảng trái tim này tuyên bố rằng “Bạn quan trọng, cảm xúc của bạn rất quan trọng và bạn có quyền cảm nhận theo cách này”. Sự công nhận ấy mang tình yêu và sức mạnh lớn nhường nào! Bất cứ ai khi nhớ lại những năm tháng trung học bồng bột và nổi loạn của mình, hẳn đều có thể cảm nhận được mọi thứ đúng là như vậy, ai cũng mong được trân trọng cảm xúc như học sinh của cô Erin.

Từ câu chuyện ‘chạm đến trái tim’ của cô Erin, tôi ước mơ mọi thầy cô giáo có thể dành một chút tâm huyết, một chút thời gian như cô Erin, vậy thì có lẽ biết bao tâm hồn trẻ thơ đã được hàn gắn và cứu rỗi. Hơn nữa, mỗi bố mẹ hoàn toàn có thể làm một bảng trái tim tại nhà để hàng ngày hiểu được cảm xúc của con, tôn trọng khó khăn của con như vậy. Từ đó, ta mới biết cách giúp con vượt qua những sóng gió tinh thần và ngày càng mạnh mẽ.

Chúng ta không cần phụ thuộc vào điều kiện đặc biệt gì như một loại thuốc đắt tiền hay các phương tiện hiện đại, chúng ta chỉ cần dành cho bọn trẻ sự thấu hiểu, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ. Đó chính là con đường đi từ trái tim đến trái tim.

Video xem thêm: Câu chuyện về những người đẹp lên tiếng về hai người bạn

videoinfo__video3.dkn.tv||12a2b4c8d__