Cha mẹ nào cũng rất yêu con, nhưng làm sao để tình yêu ấy chuyển hóa thành nguồn năng lượng nuôi dưỡng con? Một ngày chỉ có 24h, phải làm sao để kịp hiểu con và đủ thời gian giáo dục con ?

Chúng ta không thể lãng phí thời gian cho sự nóng giận chỉ vì muốn con tốt hơn, càng không nên để thời gian chung giữa cha mẹ và con cái trôi đi trong im lặng và vô thức. Mỗi giây mỗi phút bên nhau đều là cơ hội quý giá để cha mẹ và con cái chia sẻ, vun đắp, đặc biệt cha mẹ cần là người chủ động lựa chọn nói gì với con, làm gì cùng con để khiến con cảm thấy được thấu hiểu và phát triển.

Xin gửi tới những lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ, tham khảo từ các chuyên gia chia sẻ trên Reader’s Digest. Bạn có thể dễ dàng biến những điều này thành hiện thực bởi chúng vô cùng giản dị và gần gũi. Trước hết, hãy ghim chúng vào trí nhớ.

Tạm phân chia 7 lời khuyên này thành 2 loại: cha mẹ bộc lộ bản thân và để con được bộc lộ.

Cha mẹ bộc lộ bản thân

Khi cha mẹ chủ động chia sẻ về bản thân mình, con sẽ vô cùng thích thú. Điều đó giống như cha mẹ chào đón con vào một thế giới mới mẻ và đầy trải nghiệm vậy.

Chia sẻ “được và mất” của cha mẹ

“Trẻ em thường rất ngạc nhiên khi biết rằng người lớn cũng phạm sai lầm. Khi cha mẹ chia sẻ với trẻ về những thành công và lỗi lầm của chính mình, trẻ có thể hình thành một hệ quy chiếu và cảm thấy đỡ sợ hãi về những lỗi lầm và vấn đề của chính các con. Khi có thể xác định và đánh giá đúng những thành công cũng như sai lầm hay thất bại của mình, trẻ em sẽ trở nên ngày càng tự tin, tự do thử nghiệm những điều mới mẻ và không còn e sợ thất bại.” —Nicole Beurkens, tiến sĩ, chứng chỉ chuyên viên tâm lý học trẻ em. 

Thừa nhận rằng mình đang buồn

“Cha mẹ không nên che giấu cảm xúc; hãy chia sẻ với con về cảm xúc của mình bằng cách sử dụng những từ ngữ phù hợp và con trẻ có thể học hỏi được từ những lời kể ấy. Việc này có lợi cho trẻ ở mọi độ tuổi, dù là 3, 9 hay 15 tuổi, giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ phong phú. Việc hiểu rõ chính mình cũng sẽ giúp gia tăng sự đồng cảm với người khác.” —Sharon Soliday, Thạc sĩ Khoa học, nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ và lời nói và CEO của tổ chức The Hello Foundation.

Kể cho con nghe về lần trải nghiệm mà cha mẹ dùng thuốc hoặc quá chén

Tim Elmore, Tiến sĩ, tác giả hơn 30 cuốn sách nuôi dạy con cái và nhà sáng lập Growing Leaders, tổ chức phi lợi nhuận chuyên về đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo cho thanh thiếu niên chia sẻ rằng “Khi trò chuyện với trẻ độ tuổi vị thành niên, điều quan trọng là cha mẹ có thể chia sẻ với con những trải nghiệm liều lĩnh của mình thuở thiếu thời. Cha mẹ hãy giãi bày và kể cho con nghe những điều mình học được. Cha mẹ hãy chuẩn bị để con có thể đối mặt với cả thành công và thất bại, cũng như hậu quả từ những quyết định của mỗi người. Tuy không phải duy nhất nhưng cha mẹ có thể là những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên”.

Không tự chê mình mập

“Cha mẹ là hình mẫu mà trẻ sẽ noi theo, thế nên cha mẹ hãy làm gương cho con về sự tự tôn, lòng tự trọng. Hãy bỏ kiểu chỉ trích nội tâm khắc nghiệt. Mỗi khi nhận thấy mình nghiêm khắc thái quá với bản thân hay tự chỉ trích, cha mẹ chỉ cần nhẹ nhàng nhún vai và nghĩ, ‘Ôi, mình lại thế nữa rồi.’ Cha mẹ hãy tập bỏ qua sự chỉ trích và nhẹ nhàng chấp nhận sai sót của mình. Khi cha mẹ hiểu rõ và thừa nhận khiếm khuyết, sai lầm của mình thì cũng chính là đang cho phép con làm điều tương tự.”—Fran Walfish, tiến sĩ, chuyên viên tâm lý gia đình và các mối quan hệ xã hội của Beverly Hills, tác giả cuốn sách The Self-Aware Parent (tạm dịch là Cha mẹ thông thái).

Để con được bộc lộ 

Có nhiều cách khác nhau mà cha mẹ có thể kích thích con tư duy và sáng tạo. Cha mẹ ở bên con hàng ngày, hãy là người khích lệ con, giúp con bộc lộ và phát triển năng lực bản thân.

Đề nghị con chia sẻ về “được và mất” trong ngày

“Mỗi ngày, cha mẹ hãy đề nghị trẻ kể về một điều thành công hoặc tích cực mà trẻ thực hiện (được), cùng với một sai lầm hoặc vấn đề mà trẻ gặp phải (mất) trong ngày. Nếu được, hãy đề nghị cả nhà lần lượt thay phiên nhau chia sẻ về trải nghiệm của mỗi người trong ngày vào bữa ăn tối. Việc này dạy trẻ biết vui với thành công và nhìn nhận sai lầm hoặc khó khăn chỉ là một chặng của hành trình. Những đứa trẻ của chúng ta sẽ trở nên ngày càng tự tin, kiên cường và tài giỏi dù ở bất kỳ độ tuổi nào. —Nilcole Beurkens, tiến sĩ, chứng chỉ chuyên viên tâm lý học trẻ em.

Thử thách con

Erin Zambataro, Phụ trách Chương trình Giáo dục Mầm non, Thư viện Carnegie, Pittsburgh khuyên cha mẹ “Hãy đề nghị con thực hiện một dự án cụ thể nhằm giúp con trau dồi thêm kỹ năng. Ví dụ như: ‘Con có xây được một ngôi nhà đủ vững chãi để chống lại con sói hung dữ như em heo út đã làm trong truyện Ba chú heo con không?’ Hoặc ‘Con có thể nghĩ giúp mẹ xem các bữa tối tuần này nhà mình nên ăn gì không?’ Bằng những thử thách tương tự, cha mẹ đang giúp con phát triển tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giúp con thêm tự tin khi thành công và không thoái chí nản lòng trước thất bại”.

Cùng con sáng tạo lý do ăn mừng

Maureen Healy, tác giả các cuốn sách Growing Happy Kids (tạm dịch là Nuôi dạy con trở nên hạnh phúc), Psychology Today (tạm dịch là Tâm lý học ngày nay) và cộng tác viên tổ chức PBS đưa ra lời khuyên “Trẻ em yêu thích tiệc tùng. Hãy hỏi con ‘Hôm nay chúng ta nên ăn mừng điều gì con nhỉ?’ Trẻ có thể nghĩ ra hàng ngàn lý do để ăn mừng. Điều này sẽ dạy trẻ biết tìm kiếm những điều tích cực, hướng trẻ đến với sự tò mò, sáng tạo và tích cực, giúp trẻ có thêm sức mạnh nội tại và lòng tự cường”.

Điều luôn luôn nhớ: Nói với con rằng “cha/mẹ hiểu con”

Trẻ em muốn nghe cha mẹ lặp đi lặp lại hàng ngày rằng trẻ được cha mẹ hiểu và yêu thương.

Ví dụ, khi trời đã sáng mà trẻ vẫn còn buồn ngủ và không chịu rời khỏi giường, cha mẹ hãy nói với con rằng “Cha biết là con đang thấy rất ấm áp và thoải mái. Cha hiểu là con yêu ổ chăn của mình lắm. Nằm thêm chút nữa thôi rồi cha quay lại gọi con dậy nhé”.

Hoặc khi thấy con gái không biết phải mặc gì hôm nay, hãy nói rằng “Con của mẹ thật xinh xắn và mẹ thấy là hôm nay con không biết phải mặc gì. Chúng ta hãy cùng tìm xem có thể kết hợp những thứ gì với nhau nào”.

Trong cuốn sách Playing and Reality (tạm dịch là Vui chơi và Hiện thực), D.W. Winnicott gợi ý rằng chính sự yêu thương, thấu hiểu và phản hồi thường xuyên của cha mẹ sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển lành mạnh của con.

Cha mẹ không cần phải hoàn hảo. Cha mẹ chỉ cần đảm bảo nói với con mỗi ngày rằng ‘Cha/mẹ hiểu con’ và ‘Cha/mẹ yêu con’. —Timothy P. Dukes, Tiến sĩ, tác giả cuốn sách The Present Parent Handbook (tạm dịch là Sổ tay Phụ huynh thời Hiện đại).

Video xem thêm: Muốn gia đình hạnh phúc hãy quản tốt cái miệng của mình

videoinfo__video3.dkn.tv||ec16bb556__