Bé H.N.L (2 tuổi, dân tộc Tày, Bắc Giang) nhập viện Sản nhi Quảng Ninh trong tình trạng sốt cao, nổi mụn và viêm loét dày vùng da toàn thân sau khi được bà tắm bằng nước lá chữa ngứa.

Theo Vietnamnet, Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, kết quả khám lâm sàng, bé L. bị viêm da mủ nặng, rát đỏ khắp toàn thân, bong tróc da nhiều ở vùng mặt, hốc tự nhiên, thân mình, nhiều dịch mủ, hai mắt tăng tiết nhiều dịch đục bẩn, hai mi mắt sưng nề, giác mạc kém, hai tai có mủ…

Tắm nước lá chữa ngứa, bé 2 tuổi ở Bắc Giang bị viêm da mủ, lở loét khắp người
(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trước đó, thấy bé L. nổi mụn đỏ li ti kèm theo ngứa, bà của bé đã tự đi hái lá về đun nước tắm cho bé.

Tắm nước lá chữa ngứa, bé 2 tuổi ở Bắc Giang bị viêm da mủ, lở loét khắp người
(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ xác định bé L. bị hội chứng bong vẩy da do tụ cầu, chỉ định nhập viện điều trị.

Bé L. được điều trị theo pháp đồ, khám da, mắt, răng hàm mặt và chỉ định dùng kháng sinh chống viêm, truyền dịch, tắm nước muối sinh lý 2 lần/ngày. Hiện, sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn định.

Tắm nước lá chữa ngứa, bé 2 tuổi ở Bắc Giang bị viêm da mủ, lở loét khắp người
(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Hội chứng bong vẩy da do tụ cầu là bệnh nhiễm trùng da cấp tính gây nên bởi ngoại độc tố của tụ cầu làm cho đỏ da, phỏng nước, bong vẩy da lan toả toàn thân. Bệnh có thể gây nhiễm trùng toàn thân, nếu không điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, gia đình có trẻ mắc bệnh không nên tắm nước lá cho trẻ nếu chưa biết rõ loại lá. Tránh tình trạng lở loét, nhiễm trùng, nhiễm độc do lá không đảm bảo vệ sinh, có chứa chất gây hại cho sức khỏe.

Khi thấy trẻ có biểu hiện viêm da, gia đình nên đưa con tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và dứt điểm.

Lan Phương