Những ngày cuối năm, khi Tết Nguyên Đán gần kề, hình ảnh gia đình và những mùa xuân xưa càng trở nên da diết hơn bao giờ. Tôi lại bâng khuâng nhớ về hương thơm ngan ngát của hoa mùi, nồng nàn của bồ kết trên mái tóc của bà, của mẹ những năm tháng ấy…

Thời buổi bây giờ, đủ thứ hương trong các loại dầu gội, sữa tắm, nước hoa…hương nào hương nấy đều thơm như… hoa hậu. Ấy vậy mà chẳng có hương nào thơm bằng hương của ngày Tết xưa.

Ảnh minh họa (nguồn: aFamily).

Tôi nhớ hồi còn bé, năm nào cũng vậy, chiều 30, khi cả xóm mơ màng trong lãng đãng khói bay và hương mùi, hương bồ kết nồng nàn tỏa lan đầu ngõ, tôi còn đang mải chơi khăng với mấy đứa bạn ở đầu ngõ thì mẹ đã í ới gọi về để chuẩn bị cho “lễ gột rửa”.

Mùi hương gọi trước, mẹ gọi sau. Tôi chạy mau về nhà. Nồi bồ kết và lá mùi to tướng đang bốc khói nghi ngút. Như mọi lần, mẹ vừa gội vừa mắng: “Tết nhất đến nơi rồi mà vẫn còn để đầu tóc, người ngợm bẩn thỉu như này. Mẹ gọi về tắm mà còn ham chơi. Lớn tướng rồi mà chả biết cái gì cả con ạ”. Tôi nhắm mắt, lắng nghe, thấy sao mà ngọt ngào đến thế, cảm nhận trọn vẹn từng ngón tay dịu dàng, nghe hương mùi, bồ kết thấm đẫm từng chân tóc, thớ thịt…

Ảnh minh họa (nguồn: aFamily).

Bà bảo, cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía thì khi đun lên mới cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Mà hương thơm của lá mùi già đọng lại lâu lắm. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương đến tận mùng 3 Tết, cảm giác thơm tho, tinh khiết ấy sao mà nhẹ nhàng, dễ chịu vô cùng.

Ảnh minh họa (nguồn: SALT).

Còn muốn nấu nước gội đầu thì cần tỉ mỉ hơn. Sáng sớm, mẹ đã ra sau vườn hái bồ kết. Tôi thích nhất là lúc nướng quả bồ kết, nó có cái mùi ngào ngạt xen lẫn chút ngai ngái, cảm giác “thông mũi” ngay tức thì rất đã. Rồi mẹ bắt đầu cho thêm vỏ bưởi, lá sả vào đun chung thành một nồi nước to đùng gần bằng nồi bánh chưng cho cả nhà dùng.

Ảnh minh họa (nguồn: Tiền phong).

Vậy là ngày cuối năm, xuống nhà dưới, lên nhà trên đều gặp hương bồ kết, hương mùi ngào ngạt. Từ ông đến bà, cha đến mẹ, từ chị đến em, ai ai như cũng bước ra từ… khu vườn ngát hương sau nhà. Mẹ với chị còn dành cả tiếng đồng hồ ngồi ngoài hiên hong tóc cho khô: mái tóc dài miên man, hương bồ kết chảy lai láng theo từng lọn tóc đen tuyền… Chiều xuân hôm ấy, sao mà đẹp lạ lùng…

Ảnh minh họa (nguồn: aFamily).

Bữa cơm cuối năm cũng đầm ấm lạ thường. Bà căn dặn đủ thứ: Nào là tìm người xông đất đầu năm, khai bút mấy giờ, xuất hành hướng nào, rồi đến nhắc nhở không được làm mình làm mẩy, không được giận hờn nhăn nhó, không được nói lớn tiếng mà phải dịu dàng nhỏ nhẹ, và rất nhiều thứ “không được” khác. Bố mẹ gật gù ra điều đồng ý lắm, còn mấy đứa cháu thì nhìn nhau câm nín không nói nên lời vì đã nghe bà dặn không dưới 10 lần; ông cười móm mém động viên: “Mấy đứa ráng dỏng tai lên mà nghe. Ông nghe bà nói đã hơn 70 năm nay rồi, các cháu chỉ nhiêu đây thì đáng gì”.

***

Bà đã đi xa. Chẳng bao lâu, ông cũng đoàn tụ với bà ở trên ấy. Những Tết này, không có ai dặn hoài dặn miết mấy câu chuyện quen thuộc ấy nữa, thấy thiếu thiếu, tủi tủi. Mẹ vẫn vào bếp lúi húi nấu nồi mùi, nồi bồ kết thật to. Mẹ bảo, sau mẹ có đi thì cũng phải giữ thói quen này, để khi mẹ theo ông bà về ăn Tết sẽ nhận ra mùi hương quen thuộc mới khỏi nhớ…

Nghĩ cũng buồn cười. Người ta đang thời thượng với hàng chục loại dầu gội đầu “siêu mượt”, sữa tắm “siêu trắng”, còn mình lại bâng khuâng nhớ hương mùi, hương bồ kết và những cái Tết nào xa. Nhưng mà, chẳng phải nhớ cũng là đặc ân mà tạo hóa ban cho con người sao? Chứ bây giờ mà mất trí nhớ, mất nguồn cội thì bất hạnh lắm…

Thiện Nam

Video xem thêm: Phong vị phong tục ngày Tết cổ truyền

videoinfo__video3.dkn.tv||9f4a5af87__