Cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian mà nhiều người lựa chọn có từ xa xưa, tuy nhiên phải lưu ý một số những điều sau để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Bác sĩ Trịnh Liên Việt, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ trên một trang báo, cạo gió quả là đáng sợ, vì nhìn vào sẽ thấy cơ thể người bệnh bị bầm dập, ngoằn ngoèo và có rất nhiều nguy cơ làm bệnh nặng thêm. Trước hết là dưới tác động của lực cạo lên phần mềm sẽ làm tổn thương lớp biểu bì và các mô bên dưới, gây bầm dập, rướm máu, gây xuất huyết dưới da, trầy xước vùng cạo gió. Sau nữa, cạo gió là cơ hội gây nhiễm khuẩn tại chỗ, nhiễm một số khuẩn lây lan qua đường máu thông qua vật dụng cạo gió được sử dụng qua nhiều người.

Tuy nhiên, trên thực tế, cạo gió vẫn mang đến ít nhiều hiệu quả tức thì. Bởi thao tác cạo gió là một hình thức tác động cơ học lên vùng cơ bị nhức mỏi kèm thêm tác dụng ấm nóng của tinh dầu (dầu xoa), đưa đến hiệu quả giãn cơ, giãn mạch máu tại vùng đau nhức, gây giảm co thắt cơ, làm giảm đau. Ngoài ra hương tinh dầu tác động qua da, qua khứu giác gây cảm giác êm dịu thần kinh tại chỗ và toàn thân.

(Ảnh: Internet)

Một số lưu ý khi cạo gió:

– Nên cạo gió trong phòng, tránh gió lùa

– Không nên sử dụng dầu xoa mà thành phần của nó có tinh dầu bạc hà (menthol), vì đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên gây cảm giác mát lạnh. Khi xoa dầu, ban đầu cảm thấy ấm nóng nhưng một lúc sau thì cảm thấy mát và lạnh vùng được xoa dầu.

– Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi tà đầu thì cắt ngang bỏ, tạo đầu mới, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu gừng có tính ấm, nóng.

– Không dùng lực tác động mạnh lên vùng cạo gió gây tổn thương da, dễ bị nhiễm khuẩn.

– Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.

– Không nên cạo vùng cơ cổ.

– Sau khi cạo gió xong nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo hành giải cảm.

– Cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh , nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang,… thì nên đến cơ sở y tế  khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.

(Ảnh: Internet)

Những trường hợp nào không được cạo gió?

 Các bậc phụ huynh không nên cạo gió cho trẻ em vì da của trẻ rất non và mỏng nên rất dễ hỏng da, khí huyết cũng rất yếu sẽ không chịu được nhiệt độ cao khi cạo gió. Ngoài ra, người bị bệnh tim, cao huyết áp, phụ nữ có thai và người bị các bệnh da liễu ở những vị trí cần cạo gió cũng là những đối tượng tuyệt đối không nên tiến hành cạo gió dưới bất kỳ trường hợp cảm nào.

Thông thường, chỉ những người bị cảm phong hàn mới cần được cạo gió, đánh cảm. Những trường hợp bị cảm phong nhiệt thì tuyệt đối không cạo gió, đánh cảm mà phải điều trị bằng thuốc. Người bị cảm phong nhiệt ra mồ hôi cũng không thể đánh gió…

Không khó để phân biệt cảm phong hàn và cảm phong nhiệt. Người bị cảm phong hàn thông thường có triệu chứng đau đầu, chảy nước mũi trong, ớn rét. Người bị cảm phong nhiệt thường có biểu hiện đau họng, miệng khô, sốt nóng, ra mồ hôi, sợ gió, ho có đờm, đau lưng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng,…Khi bị bệnh, cảm, các huyệt đạo của cơ thể bị bế tắc, lỗ chân lông trên bề mặt da cũng bị bít lại một phần nên không thể thải độc tố trong cơ thể ra ngoài. Cạo gió sẽ giúp khí huyết, huyệt đạo và kinh lạc lưu thông, giúp bề mặt da thông thoáng để thải độc tố.

Với những người bị cảm nóng, cảm nắng thì cạo gió là nhằm mục đích làm thông thoáng, làm mát cơ thể. Nhiều người không biết, không hiểu kỹ lại dùng dầu gió, dầu nóng, rượu gừng để cạo gió đánh cảm. Việc này không những không giảm bệnh, không làm mát cơ thể mà còn làm cho khí nóng tích tụ thêm vào cơ thể khi cạo gió, sức nóng vốn tích tụ trong cơ thể vẫn bị tích lại làm cho tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Theo Nguoiduatin.vn

Xem thêm: