Từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó, hơn 85% trẻ chưa được tiêm phòng.

Đáng chú ý, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi), còn lại là các bệnh nhi chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.

Trước đó, năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca sởi, một trẻ tử vong, trong đó gần một phần ba là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

85% số trẻ mắc sởi chưa được tiêm phòng
(Ảnh: Sức Khỏe và Đời Sống)

Chị Thanh, mẹ của bé Nguyễn Khôi Hưng (6 tháng tuổi, Hà Nội) hiện đang nằm tại viện Nhi Trung ương cho biết, trước khi nhập viện 2 ngày, con có biểu hiện sốt cao. Chị có cho con đi khám ở bệnh viện tư nhân và uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Sau 2 ngày điều trị tại nhà, gia đình nhận thấy cháu bé xuất hiện các triệu chứng mới như nổi các nốt đỏ ở mặt và các vết loét ở khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều. Lúc này, gia đình đã đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé Hưng bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sởi vốn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Khi mắc sởi, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng.

Khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút, bệnh nhân rất dễ bị biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

85% số trẻ mắc sởi chưa được tiêm phòng
Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô)

Cũng theo Tiến sĩ Lâm, sởi thường xảy ra vào mùa Đông Xuân. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, bệnh sởi xuất hiện quanh năm. Đối tượng mắc sởi thường là trẻ nhỏ, có miễn dịch kém. Bệnh nhi thường sốt cao kèm viêm đường hô hấp, viêm kết mạc, phát ban…

Các dấu hiệu điển hình của bệnh như nổi ban sẩn, mịn như nhung. Thứ tự xuất hiện từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân. Ban biến mất theo thứ tự đã mọc.

85% số trẻ mắc sởi chưa được tiêm phòng
85% số trẻ mắc sởi chưa được tiêm phòng

Biện pháp phòng bệnh sởi

TS. Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin.

– Đối với trẻ 6-9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

– Trẻ em bị mắc bệnh sởi không nên đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở trong bệnh viện phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4 của phát ban để khỏi lây sang bệnh nhân khác.

– Tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt, dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt…

– Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị sởi, cần đưa trẻ đi thăm khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ tránh các biến chứng viêm phổi, viêm não…

– Giáo dục sức khỏe cộng đồng, thường xuyên vệ sinh răng miệng, da, mắt.

Lan Phương