Ho kéo dài, lâu khỏi, có đờm thường là dấu hiệu của bệnh liên quan đến đường hô hấp như lao phổi, ho gà, thậm chí ung thư phổi… rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.  

1. Ho gà

Về cơ bản, ho gà đã được loại trừ khi được tiêm vắc-xin phòng ngừa, nhưng có thể quay trở lại nếu chủ quan và không tiếp tục tiêm phòng.

Lúc đầu, bệnh bắt đầu với triệu chứng giống cảm lạnh như chảy nước mũi, ho nhẹ và sốt. Sau 1 – 2 tuần, ho sẽ nhiều hơn, đôi khi dữ dội khiến cơ thể mệt mỏi.

2. Viêm phế quản mãn tính

Do đặc trưng của viêm phế quản mãn tính là tạo đờm và nhớt trong phế quản của người bệnh nên thường gây ra ho và khạc đờm nhiều. Triệu chứng này sẽ xuất hiện liên tục hoặc theo từng đợt trong một khoảng thời gian dài.

3. Giãn phế quản

Giãn phế quản là bệnh thường gặp ở người lớn, có triệu chứng cơ bản là ho kéo dài có đờm. Bệnh này có 2 dạng: Khô (ho ra máu nhiều lần) và ướt (khạc và ho ra đờm mủ). Đờm thường đặc quánh và có màu vàng hoặc xanh.

4. Viêm phổi

Ho trong bệnh viêm phổi khác khá nhiều so với những loại bệnh lý khác, đa phần là ho khan và dai dẳng vào ban đêm.

Nhiều người tự điều trị bệnh này bằng cách uống thuốc kháng sinh, nhưng điều này lại không tốt cho phổi, khó giải phóng được đờm, lâu dần gây viêm phổi.

5. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ gây ho, kèm theo nhiều chất nhầy, đặc biệt vào buổi sáng, khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi… Nguyên nhân chính gây nên bệnh lý này là do hút thuốc.

6. Lao phổi

Lao là bệnh lý gặp khá phổ biến ở các nước đang phát triển, những người có sức đề kháng cũng như hệ miễn dịch kém thường mắc bệnh lý này.

Nếu bị ho dài hơn 3 tuần, ho ra máu, kèm các triệu chứng sút cân, sốt… nên đến bệnh viện thăm khám vì rất có thể đó là những dấu hiệu của bệnh lao.

7 bệnh nguy hiểm gây ho dai dẳng chớ nên xem thường

7. Ung thư phổi

Nếu cơn ho kéo dài hơn 2 tuần, kèm chất nhầy máu hoặc màu rỉ sét, khàn tiếng, nuốt đau và đau ngực… có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đã mắc ung thư phổi.

Do đó, bạn nên làm các xét nghiệm cận lâm sàng để phát hiện các khối u có thể xuất hiện trong phổi hay các bộ phận khác.

Để ngăn ngừa những cơn ho dai dẳng cùng những bệnh lý trên, bạn nên phòng bệnh bằng cách sau:

– Mặc ấm khi thời tiết trở lạnh, tránh bị lạnh một cách đột ngột.

– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tránh sống trong môi trường ô nhiễm. Không nên tiếp xúc với những người bị viêm mũi cấp tính hay những người bị cảm mạo.

– Vệ sinh răng, họng, miệng sạch sẽ hằng ngày.

– Dùng thuốc ho có nguồn gốc chiết xuất từ thiên nhiên chứa tinh dầu tràm, bạc hà, gừng, tần dày lá…

– Khi có bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh thì nên tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và khi có chỉ định của bác sĩ.

Lan Phương