Cuộc đời của ông Nhật là những tháng ngày vất vả, bộn bề khi một mình phải nuôi dưỡng hơn 100 người con. Nhưng trên tất cả, chỉ cần nhìn các con trưởng thành, nên người là ông đã mãn nguyện, hạnh phúc rồi.

Hơn 14 năm qua, ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhận nuôi hơn 100 người con, chủ yếu là những đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Mỗi đứa trẻ một mảnh đời

Theo Tiền Phong, năm 2005, khi đi trên Quốc lộ 25, ông Nhật thấy những con quạ sà xuống đường bất ngờ. Khi lại gần ông mới phát hiện một đứa bé vừa lọt lòng đã chết. Ông giận mình vì nếu nhanh chân hơn một chút, mọi việc sẽ khác. Từ đó ông nói với những người bán hàng rong, người nhặt rác, bạn bè rằng, hãy gọi ông khi thấy những em nhỏ bị bỏ rơi.  

Ông Đinh Minh Nhật có khuôn mặt hiền hậu, chất phác (ảnh: Tiền Phong).  

Cứ thế đến nay, ông đã nhận nuôi 106 đứa trẻ khác nhau từ 1 đến 23 tuổi. Mỗi đứa trẻ là một mảnh đời, có em được ông nhặt về từ bãi rác, có em được người ta trực tiếp mang tới cho ông, còn nơi xa thì gọi điện báo. Cách đây 2 năm, gia đình nọ, vợ bị ung thư gan, chồng ung thư phổi rồi mất, để lại 4 đứa con, đứa nhỏ mới chỉ lọt lòng mẹ, ông Nhật đều mang về nuôi. 

Nỗi lòng của cha

Chăm một, hai đứa con đã vất vả, vậy mà ông Nhật một thân một mình lại nhận nuôi tới… hơn trăm đứa con, vừa lo xong cho đứa này thì lại phải lo tới đứa khác. Có đứa không lành lặn, có đứa sức khỏe yếu, mỗi lần như vậy, ông lại phải chạy vạy vay mượn tiền bạc khắp nơi để chữa trị cho các con.

Năm 2008, ông từng cứu một đứa trẻ sơ sinh ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Từ người đàn ông không vợ con, ông phải cho bé ăn, thay tã, dỗ con khóc rồi phải lặn lội đến gõ cửa từng nhà hàng xóm xin sữa về cho con.

Các con nuôi cho biết ông Nhật giống như một người cha yêu thương (ảnh: CAND).

Theo Dân Việt, cùng năm đó, ông Nhật nhận nuôi “Thúi”, một đứa trẻ sinh ra không có hậu môn, cơ thể luôn có mùi nên bị người thân bỏ lại ở hố rác ven đường. Ông phải bán hết lợn bò, đưa cậu bé vào Sài Gòn phẫu thuật nhưng vẫn không đủ tiền. May mắn có mạnh thường quân hỗ trợ thêm tiền nên cuối cùng cậu bé cũng được lắp hậu môn giả bên hông. Khi bác sĩ khám thì phát hiện “Thúi” còn mắc bệnh down, hiện giờ mọi sinh hoạt hàng ngày của cậu bé đều được ông và các anh chị lớn trong nhà giúp đỡ.

Con đông, điều kiện gia đình lại khó khăn nên mỗi ngày ông lại xách xe chạy đến các xã lân cận xin làm thuê, cuốc mướn. Cứ như vậy, ngày này qua tháng khác toàn bộ tiền ông làm được đều sử dụng mua thức ăn và lo cho các con đến trường. Sau này, nhiều người biết được hoàn cảnh của ông nên cho thêm ít thức ăn, khoai sắn. Nhiều nhà hảo tâm gần xa cũng hay tin nên tự nguyện góp gạo, quần áo, tiền… để ông lo cho các con được đủ đầy.

Ngôi nhà luôn ngập tràn tiếng cười

Theo CAND, ông Nhật thường kể cho các con nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, cho nghe những bài hát ý nghĩa, nhân văn để các con học được những điều hay, lẽ phải. Ông luôn dạy các con phải đặt tình người lên trên mọi thứ kể cả công danh, sự nghiệp hay tiền bạc.

Biết cha vất vả nên các con cũng rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Sau giờ học trên lớp, các con về nhà xắn tay phụ ông Nhật lo cơm nước, dọn dẹp chỗ ngủ… Gia đình ông Nhật tuy còn thiếu thốn khó khăn, nhưng trong nhà lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, tiếng cười trẻ nhỏ, các anh chị em yêu thương, nhường nhịn nhau khiến ông cũng an lòng. 

Các con phụ giúp ông Nhật sau giờ học (ảnh: Dân Việt).

Ông Nhật “khoe”, hiện nay một người con của ông là Rah Lan H’Oanh đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non (Đại học Sư Phạm Huế). Biết được hoàn cảnh của em nên nhà trường đã tạo điều kiện, tìm việc làm cho em ngoài Huế. “Nuôi các con bao nhiêu năm tôi chỉ mong nhìn thấy các con nên người, thành công, như vậy tôi mãn nguyện lắm rồi”, ông chia sẻ. 

Nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng

Ông Nhật một đời đi chăm sóc “con rơi” của người khác, một đời sống vì những đứa con nuôi, sự vị tha của ông khiến nhiều người cảm phục và cũng có nhiều người tìm đến ông để giúp đỡ san sẻ. 

Những lần ông phải chạy vạy tiền chữa bệnh cho các con, cũng nhờ có mạnh thường quân và tổ chức từ thiện nên ông mới lo đủ tiền phẫu thuật. Biết hoàn cảnh các cháu, một số giáo viên ở huyện cũng tự nguyện về mái ấm của ông Nhật dạy phụ đạo để các cháu tiến bộ hơn.

Giờ học của các con ông Nhật (ảnh: CAND).

“Nhiều khi hết gạo không biết ngày mai ăn gì thì buổi tối có nhà hảo tâm mang vài bao gạo đến. Như anh Thành Dư ở thành phố Pleiku thường đi vận động mọi người giúp đỡ cha con chúng tôi. Hôm qua anh Dư chở cả trăm bộ quần áo xin được từ doanh nghiệp mang xuống cho bọn trẻ để tránh rét” – Ông Nhật nói.

“Tôi hy vọng rằng, sau này các con lớn lên sẽ là người có ích cho xã hội và biết quý trọng tình cảm giữa con người với con người. Tôi cũng mong muốn những bậc làm cha làm mẹ hãy biết yêu quý những đứa con mà mình khó nhọc sinh ra. Mặc dù những đứa trẻ khiếm khuyết nhưng cũng là một sinh linh cần được che chở, bảo bọc. Bên ngoài kia có rất nhiều người muốn có con mà không được nên những ai được trời ban cho thì hãy cố gắng trân trọng”, ông bộc bạch.

Video xem thêm: Hạnh phúc tuổi trung niên: Trong tâm vô sự, trong túi có tiền

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__