Với nhiều người, hiệu sách đơn thuần chỉ là nơi để mua sách về đọc nhưng với những người yêu sách đích thực, hiệu sách là nơi lưu trữ những kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng có những hiệu sách đã in dấu mình trong dòng chảy lịch sử để mang đến những giá trị nhân văn đích thực cho bao thế hệ người đọc.

Hiệu sách lâu đời nhất thế giới

Tọa lạc tại khu phố cổ Chiado ngay trung tâm thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Nhà sách Bertrand – nhà sách lâu đời nhất thế giới là một điểm đến không thể bỏ qua, đối với người yêu sách và cả du khách bốn phương khi đến với thủ đô xinh đẹp này.

Ảnh: bookriot.com
Ảnh: teatrobbb.com

Được khánh thành cách đây gần 3 thế kỷ, do ông Peter Faure mở ra vào dịp Giáng sinh năm 1732, Nhà sách Bertrand được xem là chứng nhân lịch sử của thành phố Lisbon nói riêng, cũng như đất nước Bồ Đào Nha nói chung. Nó đã chứng kiến cuộc động đất kinh hoàng tàn phá kinh thành Lisbon cổ kính năm 1755, rồi đến cuộc nội chiến dai dẳng ở Bồ Đào Nha vào thế kỷ XIX …

Ảnh: flickr.com
Ảnh: liveportugal.pt

Ngay trong lần xuất bản đầu tiên của Sách Kỷ lục Guinness phát hành 60 năm trước, với bề dày lịch sử 223 năm tồn tại tính đến thời điểm lúc ấy, tên tuổi của Nhà sách Bertrand đã được ghi nhận là “Nhà sách lâu đời nhất thế giới”.

Địa điểm ban đầu của Nhà sách Bertrand nằm chếch vài mét về phía quảng trường trung tâm, nhưng sau vụ động đất năm 1755, tuy nhà sách không hề hấn gì, chủ nhân vẫn quyết định rời sang chỗ mới hiện nay có nền móng vững chãi hơn. Từ đó đến nay, trải qua 285 năm với những thăng trầm của lịch sử, hiệu sách Bertrand vẫn mở cửa đón bao thế hệ bạn đọc đến với nơi đây.

Ảnh: eatrobbb.com

Chủ sở hữu Nhà sách Bertrand hiện nay là bà Katarina de Novais cho biết: “Thời hoàng kim của chúng tôi là vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước, khi mạng lưới Nhà sách Bertrand phát triển cực thịnh với 52 cửa hàng chuyên bán sách rải khắp đất nước Bồ Đào Nha”.

Không chỉ có lịch sử lâu đời, kiến trúc bên trong các Nhà sách Bertrand cũng hết sức độc đáo, với sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, đặc biệt là các ngăn kệ được làm bằng gỗ có tuổi thọ hàng thế kỷ được phục chế hết sức tinh tế, phảng phất dư vị cổ kính nhưng tiện lợi.

Ảnh: .pinterest.co.uk

Vì người Bồ Đào Nha có thói quen truyền đời là tặng nhau sách, nhất là các ấn phẩm ăn khách vào những dịp trọng đại như lễ hội, sinh nhật… vậy nên, mùa kinh doanh cao điểm của hệ thống Nhà sách Bertrand thường rơi vào dịp mừng lễ Giáng sinh và đón năm mới, với sức mua tăng vọt hơn 35% so với các tháng trước đó.

Marisa Gomez, sinh viên Trường Luật Lisbon là một trong những khách hàng thường xuyên lui tới Nhà sách Bertrand, thổ lộ: “Tôi vốn là một con mọt sách, nên thường đến đây để tìm mua các tác phẩm nguyên bản của hầu hết giới văn sĩ Bồ Đào Nha mà không nơi nào khác có được. Cho dù chúng ta đang sống trong kỷ nguyên máy tính điện tử và thông tin kỹ thuật số, bạn có thể tìm đọc các đầu sách trên mạng Internet, riêng bản thân tôi lại muốn tự mình lật giở các trang sách ưa thích hơn…”

Ảnh: Facebook – Bertrandstorerestaurant

Cách đây không lâu, Nhà sách Bertrand vừa cho mở cửa thêm một quán cà phê kèm phòng hội thảo ở phần đất trống phía sau nhà sách. Đây được xem là nơi các nhà văn, nhà thơ và giới trí thức gặp gỡ để mạn đàm, một hoạt động văn hóa mang nét đặc trưng cho khu phố cổ Chiado.

Hiệu sách đẹp nhất thế giới

Người ta nói rằng nếu bạn là một người mê sách và có dịp tới Paris nhưng chưa ghé qua Shakespeare & Company, tức là bạn chưa tới Paris. Được hình thành từ năm 1919 với một kho kiến thức khổng lồ, Shakespeare and Company là hiệu sách cổ lâu đời ở Paris và được đánh giá là “hiệu sách đẹp nhất thế giới”.

Ảnh: blog.parisinsights.com
Ảnh: zh.wikipedia.org

Là một hiệu sách nhỏ nằm bên bờ sông Seine, Shakespeare and Company là điểm dừng chân của rất nhiều văn hào nổi tiếng như James Joyce, Ezra Pound, Ford Madox Ford và Ernest Hemingway. Đây cũng là nơi được đạo diễn Woody Allen sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim bom tấn Midnight in Paris vào năm 2011.

Ảnh: innovationdistricts.info
Ảnh: poetsaroundtheworld.blogspot.com

Shakespeare and Company khai trương vào 17/11/1919, tại số 8 phố Dupuytren. Bà chủ đầu tiên của hiệu sách là Syvia Beach, một người Mỹ tới từ New Jersey. Chỉ hai năm sau, tiệm sách chuyển về số 12 phố L’Odéon trong một không gian rộng lớn hơn. Trong khoảng thời gian đó, nó gần như trở thành một khu văn hóa riêng biệt cho người Anglo-American do tại đây chỉ bán và cho mượn sách tiếng Anh.

Tuy nhiên, tiệm Shakespeare and Company đã đóng cửa ngày 14/06/1940 do sự xâm lược của người Đức tại Pháp trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II. Nguyên nhân chính là việc Syvia Beach đã từ chối giao cho một sĩ quan Đức bản thảo cuối cùng của nhà văn James Joyce.

Tiệm sách nguyên gốc Shakespeare and Company đã không bao giờ được mở cửa trở lại. Năm 1951, Geogre Whitman – một người Mỹ khác đã mở ra một tiệm sách gần giống phong cách hoạt động của Shakespeare and Company. Tới năm 1964, sau sự ra đi của Syvia Beach, George Whitman đã đổi tên tiệm sách của mình thành “Shakespreare and Company”, đây chính là hiệu sách tồn tại đến ngày nay.

Dường như tiệm sách mới vẫn giữ được cái duyên vốn có từ trước chiến tranh. Shakespeare and Company mới trở thành một điểm hẹn văn hóa của rất nhiều nhà văn nổi danh trong thời kì này như Allen Ginsberg, Gregory Corso, William S.Buroughs…Với sự độc đáo và kho tàng kiến thức đồ sộ, hiệu sách đã được vinh danh trên hàng loạt tờ báo với những danh hiệu “Một trong những tiệm sách đẹp nhất thế giới”, “Hiệu sách được chụp ảnh nhiều nhất thế giới”…

Ảnh: pinterest.co.kr

Không gian rộng lớn bên trong hiệu sách được thiết kế theo phong cách cổ điển, trang nhã với nhiều loại sách tiếng Anh, các loại sách hiếm và một vài loại sách du lịch Pháp. Sách ở Shakespeare and Company luôn được giữ ở chất lượng tốt nhất và lựa chọn bày bán theo phong cách đặc biệt.

Một điều cải tiến độc đáo tại tiệm sách này đó là các giường ngủ. Tổng cộng có 13 chiếc giường ngủ đi kèm các giá sách, cho phép người đọc có thể nằm thoải mái. Geogre Whitman đã khẳng định rằng, ít nhất đã có khoảng 40.000 người say giấc tại hiệu sách này của ông.

Ảnh: elisemccune.com/

Bên cạnh đó, trong tiệm sách còn có một chiếc hố nhỏ có đặt dòng chữ “Feed the starving writers” (Hãy nuôi sống những cây viết sắp chết đói). Geogre Whitman làm ra nó nhằm kêu gọi lòng hảo tâm của bạn đọc cũng như khách mua sách tới đây, giúp đỡ phần nào cho những cây viết tiềm năng nhưng thiếu thốn về điều kiện vật chất.

Cuối năm 2011, người chủ đầy tâm huyết Geogre Whitman qua đời và con gái ông là Sylvia Whitman đã tiếp quản công việc của cha mình.

Sylvia cho biết: “Cha cô luôn khao khát được chia sẻ một không gian nơi mà giới nghệ sĩ văn chương có thể tìm đến để luận bàn, được đắm chìm trong sách”. Vì vậy, cô vẫn cho phép các nhà văn trẻ ở lại đọc sách, sáng tác, thậm chí ngủ luôn tại Shakespeare and Company. Cô còn cùng các nhà văn như Paul Auster, Siri Hustvedt… tổ chức một ngày hội mượn sách có tên là FestivalandCo.

Cho tới nay, tiệm sách nằm ở tả ngạn Paris này vẫn được coi là một địa chỉ văn hóa của kinh đô hoa lệ nước Pháp.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tâm Liên – Thiên Lộ