Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần. Những ngày này, không chỉ hàng ngàn thí sinh hồi hộp chờ thời khắc vượt vũ môn, mà còn có chừng đó ông bố bà mẹ ngủ không ngon giấc vì thấp thỏm, lo lắng cho con…

Người ta vẫn nói: “Muốn hiểu thấu lòng cha mẹ, hãy đến cổng trường những ngày thi”. Bao năm qua vẫn vậy, mỗi mùa thi là mỗi mùa xúc động. Bởi lẽ, chẳng ai thương con bằng cha mẹ, chẳng ai muốn con thành công như cha mẹ. Mỗi bước đi của con luôn có bóng hình lam lũ, nhọc nhằn của cha mẹ; mỗi hành trình con trải qua, luôn có ánh mắt cha mẹ dõi theo từ phía sau…

Muốn hiểu thấu lòng cha mẹ, hãy đến cổng trường những ngày thi

Ở bên trong trường thi, các thí sinh căng thẳng bao nhiêu thì bên ngoài cánh cổng kia, cha mẹ các em còn lo lắng gấp bội. Họ đi đi lại lại với gương mặt đầy lo âu, ánh mắt ngóng vào phía bên trong, không biết con có mệt không, có làm được bài không, đề năm nay có khó không… 

Bất kể trời mưa hay nắng, cha mẹ vẫn đứng đây đợi con.

Cả quá trình nuôi nấng con từ khi lọt lòng, tập đi, tập nói đến lúc đi học, cha mẹ luôn là người vất vả, khó nhọc nhất. Nhưng thởi điểm con bước vào lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi đại học thì quá trình nỗ lực ấy lại càng thêm gian nan.

Đó là những ngày cha tranh thủ về sớm đưa con đến lớp học thêm, mẹ cần mẫn nấu những món ngon để con tẩm bổ; là những ngày cha mẹ bỏ thói quen xem ti vi mỗi tối, chốc chốc lại qua thăm xem con có mệt không. Đêm đêm cha mẹ trở mình thức giấc, lo con không giữ gìn sức khoẻ mà học quá khuya…

Những gương mặt khắc khoải, lo âu không biết con có làm được bài không

Ở ngoài xã hội kia, dù cha mẹ là giám đốc, bác sĩ, kỹ sư thành đạt hay chỉ là một người bán rong, nông dân, xe ôm, phụ hồ… thì khi về đến nhà, mọi sự chăm sóc đều dồn tất cả vào con.

***

10 năm trước, tôi cũng như những sĩ tử bây giờ, bước vào kỳ thi quan trọng nhất mang tên đại học. Là một thí sinh tỉnh lẻ lên thủ đô dự thi, hai mẹ con tôi cứ thế lóng ngóng suốt mấy ngày liền. Dù mẹ chưa một lần được đến thành phố, cũng chẳng biết đường đi lối lại giống như tôi, nhưng khi có mẹ bên cạnh, tôi vẫn cảm thấy vững lòng và an tâm hơn thật nhiều. Nhưng mà, hồi ấy tôi xấu tính lắm…

Bức ảnh thật ấm lòng biết bao!

Lo lắng cho kỳ thi, tôi chẳng ăn hết nổi bát cơm, mẹ ngồi bên cạnh dỗ dành ráng ăn lấy sức làm bài. Tôi nhăn nhó gắt gỏng: “Con không ăn nổi nữa rồi. Mẹ đừng ép con nữa?”. Lúc ấy, tôi đâu biết rằng, bát cơm của mẹ vẫn còn nguyên, chưa đụng đũa tí nào. Bà chỉ một mực lo lắng cho tôi.

Vừa kết thúc môn thi, thấy bóng dáng tôi ở cổng trường, mẹ vội chạy đến che ô, hỏi han làm bài thế nào rồi lau những giọt mồ hôi đang lăn trên trán tôi. Nhưng tôi lại gạt tay mẹ đi: “Con mệt lắm, mẹ đừng hỏi con nữa!” Lúc ấy, tôi đâu biết rằng, lưng mẹ đã ướt đẫm mồ hôi vì đứng đợi tôi suốt 3 giờ đồng hồ.

Con đừng buồn. Có mẹ ở đây rồi!

10 năm trôi qua, mỗi kỳ thi đến, tôi lại cay mắt khi nhìn thấy cảnh những phụ huynh đứng ngồi không yên, vật vờ ngoài cổng trường chờ con thi đại học. Họ chẳng quản ngại cái nắng hè như thiêu như đốt, chẳng để tâm khuôn mặt đang lã chã mồ hôi, đôi mắt cứ đau đáu nhìn vào sân trường. Và tôi thấy bóng dáng mẹ tôi năm đó mà lòng hối hận biết bao. 

Con đi thi nhưng cha mới là người vất vả nhất!

Trên đời này, chỉ có cha mẹ yêu thương ta vô điều kiện, chỉ cha mẹ mới đủ kiên nhẫn đợi ta trưởng thành. Còn chúng ta, vẫn luôn là những đứa trẻ ham hư vinh và ích kỷ nhường nào!

Ai hiểu lòng cha mẹ sẽ là động lực vô cùng lớn lao trong cuộc đời. Nhưng mà, lòng cha mẹ lớn lắm, chúng ta hiểu được bao nhiêu?

Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, chúc tất cả thí sinh sẽ bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả cao nhất. Nhưng trên tất cả, mong các em nhớ rằng: Kỳ thi nào rồi cũng qua, chỉ có yêu thương của cha mẹ vẫn còn mãi! 

Ánh mắt thất thần, lo âu của cha
Gương mặt khắc khổ, lo âu của cha
Cha vượt lên cả biển người để vẫy con
Trên đời này, chỉ có cha mẹ yêu thương ta vô điều kiện, chỉ có cha mẹ mới đủ kiên nhẫn đợi ta trưởng thành.

(Ảnh: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 – sưu tầm từ internet)

Trần Phong