Khi môi trường là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, thì ở nhiều nơi, người ta đã có những biện pháp để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên từ rất lâu. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá những miền đất du lịch xanh, nơi mà những hành động bảo vệ môi trường luôn được quan tâm đúng mực.

Đảo Chumbe, Tanzania

(Ảnh: eluxemagazine)

Đây là hòn đảo được quản lý bởi một tổ chức phi lợi nhận. Nhờ những nỗ lực bảo vệ và phục hồi môi trường sống cho các loài sinh vật trên đảo, cho đến nay Chumbe đã trở thành ngôi nhà của những rạng san hô ngoạn mục nhất trên thế giới.

(Ảnh: Barefootbreaks)

Để giữ cho cảnh quan thiên nhiên không bị xáo trộn bởi hoạt động du lịch, số lượng du khách cùng ở trên đảo trong một thời điểm nhất định chỉ dừng lại ở 18 người. Họ sẽ được nghỉ qua đêm trong những căn nhà gỗ nằm trong các khu bảo tồn rừng. Đến nơi đây, du khách sẽ phải rời xa những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, không wifi, không tivi… nhưng bù lại họ sẽ tận hưởng một khoảng thời gian vô cùng bình yên không cần lo lắng về những bộn bề của thế giới bên ngoài.

Ljubljana, Slovenia

(Ảnh: Dreamstime)

Trong mười năm gần đây, Ljubljana – thành phố lớn nhất Slovenia đã xây dựng một môi trường sống xanh cho cư dân toàn thành phố. Đây là thành phố đầu tiên của Châu Âu tham gia vào chương trình “Không lãng phí” và nỗ lực gây dựng một cộng dông dân cư có lối sống xanh và lành mạnh.

(Ảnh: Everydayisspecial)

Cũng như bao thành phố khác của Châu Âu, nơi đây đã từng có rất nhiều xe hơi qua lại trên các con đường ở trung tâm, tuy nhiên giờ đây người dân đã thay đổi thói quen đi lại của mình. Họ ưa chuộng xe đạp, phương tiện công cộng và sẵn sàng đi bộ nếu quãng đường không quá xa. Năm 1016, Ljubljana vinh dự khi được nhận danh hiệu “Thủ đô xanh Châu Âu”, một sự công nhận xứng đáng cho những gì mà người ta nỗ lực gây dựng trong những năm vừa qua. 

Oslo, Na Uy

(Ảnh: aal.dk)

Một đất nước Bắc Âu khác nằm trong danh sách của chúng ta chính là Na Uy. Người Na Uy từ lâu đã được biết đến với lối sống chậm và yêu thiên nhiên. Trong đó phải kể đến cư dân Olso, thành phố đông dân nhất Na Uy, với những nỗ lực cải thiện môi trường sống liên tục trong nhiều năm qua.

Ngày càng có nhiều khách sạn trong thành phố nhận được chứng nhận sinh thái. Từ năm 2010, những xe buýt sạch đã lăn bánh trên các đường phố thủ đô Oslo (Na Uy), với nhiên liệu sinh học được sản xuất từ các loại rác thải như bùn, nước cống và thức ăn thừa. Đặc biệt nhất là công trình giếng địa nhiệt sâu 30 mét được xây dựng ở đây cung cấp năng lượng để làm mát cho những tòa cao ốc vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. 

Iceland

(Ảnh: The heart’s delight)

Thiên nhiên không chỉ ban tặng cho Iceland một cảnh quan và địa hình tuyệt đẹp, mà ở đó còn có những nguồn năng lượng sạch đáp ứng cho nhu cầu của cư dân nơi đây. Với 200 núi lửa và 600 suối nước nóng cũng như nhiều sông băng và thác nước đã tạo nên nguồn cung năng lượng địa nhiệt và thủy nhiệt vô cùng dồi dào. Nguồn điện trên cả nước 100% đến từ 2 nguồn năng lượng nói trên, đồng thời chúng cũng đóng góp 85% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp. Với thành tích ấn tượng đó, Iceland trở thành nước sản xuất năng lượng xanh theo bình quần đàu người lớn nhất thế giới.

San Francisco, Mỹ

(Ảnh: Leafly)

San Francisco là thành phố du lịch xanh nổi tiếng của Mỹ. Từ năm 2007 chính quyền thành phố đã cấm người dân sử dụng túi nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Nơi đây cũng được biết đến với những công trình kiến trúc xanh và dịch vụ vệ sinh được chú trọng phát triển. San Francisco đang thực hiện kế hoạch hoàn toàn không lãng phí vào năm 2020. Theo đó, cư dân của thành phố sẽ sử dụng lượng nước chỉ bằng một nửa so với người dân ở California.

Curitiba, Brazil

(Ảnh: The Times Kuwait)

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang đau đầu với trình trạng quá tải của các bãi chôn lấp rác thải thì Curitiba đã đạt được một tiến bộ đáng kể trong việc xử lý rác thải sinh hoạt của cư dân thành phố, với hơn 70% lượng rác thải được tái chế. Không chỉ vậy, nơi đây còn sở hữu một hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng 85% nhu cầu di chuyển của cư dân.

Curitiba được biết đến như một trạm trung chuyển cho du khách giữa São Paulo và các vùng nông nghiệp trong vùng, vì vậy chính quyền địa phương cũng rất chú trọng tới hoạt động du lịch đặc biệt là du lịch xanh nhằm đảm bảo cần bằng giữa nhu cầu kinh tế và hoạt động bảo vệ môi trường.

Helsinki, Phần Lan

(Ảnh: Planetware)

Các nhà chức trách ở Helsinki đang thực hiện kế hoạch hạn chế tối đa và loại bỏ xe hơi sử dụng trong thành phố đến năm 2025. Trước khi chờ đợi kết quả khả quan từ kế hoạch trên, các chiến dịch xanh khác của Helsinki cũng khiến nhiều nước khác ngưỡng mộ. Bằng cách tận dụng công nghệ hiện đại, chỉ với một cú chạm tay trên điện thoại, bạn có thể bắt được chuyến xe buýt được tạo ra bởi các thuật toán thông minh và có tuyến đường tốt nhất cho hành khách. Bên cạnh đó, để trở thành một thành phố du lịch xanh, Helsinki đã xây dựng nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng và các chính sách sinh thái được quản lý một cách nghiêm ngặt.

Singapore

(Ảnh: Shutter stock)

Góp mặt trong danh sách những vùng đất du lịch xanh với tư cách là một quốc gia Châu Á, từ lâu người ta đã ngưỡng mộ quá trình phát triển thần kỳ của đảo quốc Singapore. Nhờ những nỗ lực của chính người dân đảo quốc trong “Phong trào xanh” của Ban Tiện ích công cộng Quốc gia, giờ đây những con đường trên khắp đất nước đều phủ bóng cây xanh. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chính quyền còn xây dựng một nhà máy khử muối từ nước mưa và hệ thống thu hồi nước thải khổng lồ có tên là Newater.

Ngoài ra, Singapore còn được biết đến với những tòa nhà chọc trời thân thiện với môi trường. Chính Phủ dự định số tòa nhà xanh trong cả nước sẽ đạt tỷ lệ 70% vào năm 2030. Ngoài ra những quy định về cấm xả rác ra nơi công cộng được thực thi cực kỳ nghiêm túc, đối với cả người dân trong nước và khách nước ngoài. Chính điều này giúp Singapore đứng dầu danh sách các quốc gia sạch nhất Đông Nam Á và giữ vị trí thứ 4 trong top 10 quốc gia sạch nhất thế giới theo đánh giá của EPI vào năm 2014.

Thụy Điển

(Ảnh: Lindhgren/Thinstock)

Với thành tích dẫn đầu trong công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ, Thụy Điển nghiễm nhiên đứng đầu dự luật trong Chỉ số kinh tế xanh toàn cầu mỗi năm. Một trong những luật hiến pháp của Thụy Điển, “tự do đi lang thang” cho phép công dân tự do đến các vùng nông thôn dù là sở hữu tư nhân hay của công, trong đó cắm trại cũng được phép nhằm khuyến khích người dân trở về với lối sống hòa mình với thiên nhiên.

Vancouver, Canada

(Ảnh: 1zoom.me)

Được bao quanh bởi thiên nhiên cộng với ý thức bảo vệ tài nguyên xanh của người dân, Vancouver được xếp hạng là một trong những thành phố xanh nhất hành tinh. Bên cạnh khuyến khích người dân đi bộ và đi xe đạp, những phương tiện thân thiện với môi trường khác như taxi, xe buýt cũng được phát triển. Bằng nỗ lực trong chương trình nghị sự chống lại biến đổi khí hậu để giảm lượng khí carbon và khai thác năng lượng tái tạo, Vancouver hy vọng sẽ xây dựng một thành phố trong lành và thân thiện với du khách.

Copenhagen, Đan Mạch

(Ảnh: The Travel Magazine)

Có người nói rằng: “Để biết được văn hóa của một thành phố, bạn hãy quan sát nhịp sống của cư dân trong giờ cao điểm”. Nếu ở nhiều thành phố, đó là sự hối hả và bon chen khi mỗi người đều cố gắng đến văn phòng với bữa sáng trên tay thì ở Copenhagen, người ta sãn sàng tận hưởng thời gian buổi sáng bằng việc đi xe đạp đến chỗ làm.

Trên chiếc xe đạp, họ vượt qua các tòa nhà mái xanh, các nhà hàng chế biến món ăn ngon từ phế thải (Rub & Stub) và đi qua Cykelslangen – chiếc cầu được xây dành riêng cho những người đi xe đạp. Cầu Cykelslangen bắc qua bến cảng của thành phố, nơi những chiếc thuyền dã ngoại chạy bằng năng lượng mặt trời.

Trọng Đạt