Ở phía ngoài khơi bờ biển của đảo Jeju, những ‘nàng tiên cá’ Haenyo vẫn ngày đêm miệt mài với công việc và họ được xem là thế hệ những ‘nàng tiên cá’ cuối cùng của Hàn Quốc. 

Haenyo trong tiếng Hàn có nghĩa là “mẹ của biển cả”, là những người thợ lặn nữ có nhiệm vụ lặn xuống đáy biển sâu kiếm hải sản nuôi sống gia đình.

Truyền thống lặn biển của người Hàn Quốc đã có từ rất lâu. Từ thế kỷ thứ 5, ngư dân ở đây chủ yếu bắt hàu, hải sâm, bào ngư, nhím biển và mực ống. Ban đầu, công việc này chủ yếu dành cho đàn ông, nhưng đến khoảng thế kỷ 18, khi người phụ nữ có khả năng lặn dưới biển sâu tốt hơn những người đàn ông, công việc lặn biển để kiếm sống nuôi gia đình này đã chính thức chuyển sang người phụ nữ.

Haenyo là người có khả năng lặn xuống dưới sâu 20 mét trong điều kiện nước lạnh đóng băng mà không cần đến bất kỳ thiết bị hỗ trợ nào. Họ không sử dụng bình oxy hay các ống, máy thở, thứ duy nhất họ mang theo là một bộ đồ bơi cùng chiếc kính lặn cổ điển đồng thời là quả nặng treo ở hông để có thể lặn sâu, nhanh hơn.

Thông qua sự khéo léo và nhanh nhẹn, nhiều người phụ nữ trên đảo đã thay thế chồng mình trở thành người lo cho kinh tế gia đình. Một trong những lý do khiến người phụ nữ có thể lặn thay thế người đàn ông là vì họ có khả năng chịu lạnh tốt hơn và lâu hơn.

Khi Thế chiến II nổ ra, Haenyo trở thành công việc chính của nhiều người dân trên hòn đảo Jeju. Theo thống kê vào những năm 1960, có khoảng 21% tương đương 26.0000 phụ nữ làm nghề lặn biển và đây cũng từng được coi là một nghề danh giá được truyền từ đời này qua đời khác.

Trong rất nhiều năm, đồ lặn của các haenyo chỉ là một đồ một bộ đồ vải dày để chống lạnh khi ngâm mình trong nước. Mãi tới những năm 70 của thế kỉ 20, khi bộ đồ lặn xuất hiện rộng rãi hơn, họ mới có thể lặn sâu hơn, ngâm mình trong nước lâu hơn và mang về nhiều vật phẩm hơn trước.

Tuy nhiên, công việc yêu cầu ngụp lặn trong điều kiện môi trường biển lâu ngày đã khiến sức khỏe của các haenyo suy giảm. Những năm gần đây, số lượng các haenyo giảm thiểu đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 4.500 thợ lặn. Lý do là vì có rất nhiều người phụ nữ đã bỏ nghề, chuyển về đất liền sinh sống và tìm một công việc khác.

Năm 2016, khi thực hiện bộ ảnh này, nhiếp ảnh gia Mijoo Kim cho rằng đây là thế hệ cuối cùng của haenyo tại Jeju cũng như Hàn Quốc.

Để có được những bức ảnh cận cảnh như vậy thật sự không phải là một việc dễ dàng. Kim thức dậy khoảng 4h sáng, cùng với các Haenyo trong chuyến hành trình xuống biển. Kể về hành trình thực hiện bộ ảnh mang tính di sản bảo tồn hình ảnh đẹp về những ‘người mẹ cuối cùng của biển cả’, Kim chia sẻ:

Ngày đầu tiên tôi đã cố gắng để chụp ảnh dưới nước, đó là ngày khó khăn nhất để chụp”, Kim nói: “Tôi nghĩ tôi là một người có khả năng bơi giỏi. Tôi cũng rất tự tin, và tôi cảm thấy rất vui thích khi được chụp dưới nước, nhưng việc chụp ảnh dưới nước không hề dễ dàng chút nào. Tôi thậm chí không thể theo họ. Họ giống như những nàng tiên cá trẻ, họ rất nhanh và linh hoạt. Tôi thậm chí còn không nhìn thấy bất cứ con nhím biển nào vì nó rất giống với những tảng đá trong nước”.

Kết quả bộ hình của Kim là kết hợp hình ảnh của các Haenyo cả trong lúc làm việc và lúc nghỉ ngơi, cho thấy cường độ làm việc hàng ngày cũng như các biểu hiện trên khuôn mặt của họ. 

Kim cho rằng Haenyo đã mang theo lịch sử của Jeju và nó sẽ tồn tại mãi trong kí ức của những người dân tại đây. Thông qua bộ hình, cô hy vọng rằng cô có thể lưu lại những hình ảnh đẹp bất tử về những người phụ nữ có thể không còn tồn tại lâu nữa: “Tôi hy vọng sẽ chia sẻ không chỉ vẻ đẹp của những người phụ nữ, mà còn cả sự dũng cảm của họ trong việc đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống”. 

Ảnh: Mijoo Kim

Minh Thu