“Chợ lề đường” kiểu Việt Nam ở Houston dễ thương mà thân thiết thấy lạ. Nhất là mỗi khi Tết đến Xuân về, giữa chốn trời Tây xa xôi, nhìn thấy các bà, các mẹ ngồi “chồm hõm” họp chợ, sao mà ấm lòng đến thế! 

Nói đúng ra thì chợ Việt ở Mỹ rất nhiều, từ các cửa hàng nhỏ đến những siêu thị lớn bán đủ loại đặc sản Việt Nam. Nhưng một cái chợ “chồm hõm” ngay lề đường bán mớ rau, con cá có lẽ là điều rất hiếm. Vậy mà có một cái chợ như vậy của người Việt đã tồn tại ở đất Mỹ hơn chục năm qua, đó là ngôi chợ nằm trên đường Old Foltin Rd, hai bên nhà thờ Giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston, Texas.

Thật ra theo lẽ thường ở Mỹ không được họp chợ ven đường như thế này. Nhưng sau khi tiếp nhận đề nghị của cộng đồng người Việt ở Houston, may mắn là chính quyền Houston đã đồng ý để chợ được tồn tại, như một cách tôn trọng quyền tự do sinh hoạt và nét văn hoá đặc trưng của người Việt Nam.

Cảnh mua bán tấp nập ở chợ ven đường (ảnh: Ngọc Lan/ Người Việt).

Vào khoảng 6g30 sáng, chiếc Acura bóng lộn đời mới đỗ xịch ven đường. Một cụ ông từ trong xe khệ nệ bưng thùng giấy đựng mấy bó rau đặt xuống đất. Cạnh đó mấy cụ bà cũng tất bật đem từ xe hơi của mình những trái mướp, quả bầu, mớ chanh, ớt, đậu bắp… để bày biện. Đó là những hình ảnh thường thấy, để bắt đầu một buổi sinh hoạt ở chợ, mỗi sáng chủ nhật.

Chợ ở bên lề đường, đối diện nhà thờ. Người ta lái xe hơi đi chợ, có những chiếc xe hơi bình thường, có những chiếc xe đời mới… Có người sáng sớm đi lễ nhà thờ, xong lễ nhân tiện ghé mua rau, chuyện trò một lúc rồi về, cũng có người không đi lễ và nhà cũng hơi xa nơi đây, nhưng mỗi tuần cũng đến chợ nầy vào sáng chủ nhật đơn giản chỉ để mua mớ rau, chuyện trò cười nói hả hê để được nghe và được nói đúng và đầy đủ ngữ điệu tiếng mẹ đẻ của mình! Cũng có tiếng trả giá qua lại cho vui, nhưng rồi cũng trả tiền đúng giá bán, đôi khi được bán rẻ hơn chút vì cảm tình, quen biết với nhau hay khi phiên chợ sắp tan.

Cả một quê hương thu nhỏ giữa trời Tây (ảnh: sống tại Mỹ).

Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần vào sáng Chủ Nhật, mà mỗi lần cũng chỉ độ vài ba tiếng trong buổi sáng mà thôi. Những người ở gần khu này lái xe mang những sản phẩm trồng ở vườn nhà ra bán. Trước đây có thể chỉ là những người bán sản phẩm cây nhà lá vườn, như vài nải chuối, mớ rau ngót, rau dền, vài trái mướp ngọt, mấy bó hẹ…vừa là trao đổi mua bán cho vui vừa là để gặp gỡ chuyện trò cho đỡ nhớ quê nhà. Nhưng giờ đây “chợ” có vẻ “qui mô” hơn. Ngoài rau quả còn có cả hải sản cá, tôm, mực… Ở đây mùa nào thức nấy, có cả rau đay màu đỏ, màu xanh, rau diếp cá, húng cây, húng dũi, đậu đũa, bí, bầu, dưa gang bở sọc vàng… cả một quê hương thu nhỏ!

Ảnh: sống tại Mỹ.

Hình như ở đây người mua kẻ bán đều quen mặt nhau hết, nên bà bán hàng luôn cười hỏi thân tình. Vì trong lòng mọi người luôn nghĩ cùng một điều, đều là người Việt “ly hương”. Bà nầy tủm tỉm bảo chị khỏe không? bà kia lại bảo lâu lắm hôm nay mới thấy cô! Chợ nhóm bắt đầu râm ran tiếng chào hỏi, mời mọc.Thì ra, ở đây người ta quen mặt nhau đến vậy! Như hôm Chủ Nhật vừa rồi, có người đang lom khom chụp mấy tấm hình, ông bán tôm và bà bán rau hỏi: “Sao lâu nay tui không thấy bà đi chợ?”. Thiệt là vui và ấm lòng khi nghe âm vang giọng nói thân quen của cả ba miền đất nước mình ở một nơi chốn tưởng chừng như xa lạ lắm!

Xứ Mỹ văn minh hiện đại thế nào không biết, nhưng cứ đến đây mọi người như được trở về với cái “chợ lề đường” quen thuộc ở Việt Nam. Vẫn những cái ghế đòn nhỏ, những tiếng lao xao kỳ kèo trả giá của người mua, người bán… Ngay cả nón lá, khăn mỏ quạ, áo bà ba,…  những thứ giờ đã hiếm ở thị thành Việt Nam cũng hiện diện đầy đủ ở chợ. Toàn người Việt mua bán với nhau, Nam Trung Bắc đủ cả ba miền. Nhưng mà hình như người ta đi chợ để mua bán thì ít, mà mục đích chính là để gặp gỡ, để được nói chuyện với nhau giữa người Việt xa quê hương bằng thứ tiếng Cha sinh Mẹ đẻ, cho thỏa lòng nhớ mong mới là nhiều.

Ngoài bán rau, còn có bán cả cá câu được ở hồ, hoặc những hải sản của những ngư dân vùng biển Galveston, Texas… (ảnh: tin nước Mỹ).

So với siêu thị thì giá rau ở đây rẻ hơn khá nhiều. Nếu như bó rau ở siêu thị gần 2 usd/bó thì ở đây chỉ chừng 1usd/bó. Có khi mua 10 bó tặng 1, hoặc nếu gặp người quen thì sẽ theo kiểu vừa bán vừa cho. Với lại rau trồng trong vườn nhà, số lượng ít dễ chăm bón nên tất cả đều non và xanh mượt, hơn hẳn rau siêu thị. Ngoài ra, còn có bán cả cá câu được ở hồ, hoặc những hải sản của những ngư dân vùng biển Galveston, Texas…

Và chính vì không đặt nặng chuyện lời lỗ nên cách họ buôn bán cũng “tài tử” lắm. Ví dụ như ông này bữa nào kẹt về sớm thì gửi hết mớ rau sang nhờ bà kia bán hộ. Bà bán bánh thỉnh thoảng lại mang bánh mời “đối thủ cạnh tranh” của mình ăn thử cho vui miệng.

Bà chủ bán hẹ đang dặn dò 2 chú cún cưng bán hàng cho bà… đi lễ (ảnh: Ngọc Lan/ Người Việt).

Trường hợp của bà bán hẹ mới là độc đáo. Mỗi sáng họp chợ bà cũng bày biện hàng hóa đầy đủ y như người ta, xong xuôi… bà đi lễ! Bởi vì, bà đã có con chó Chihuahua coi hàng. Bà treo lên cổ con chó cái bảng nhỏ: “Hẹ 2 bó 1 đồng”và cẩn thận đặt thêm tấm bảng “Hẹ rất tốt cho cơ thể. Xin mua dùm. Xin bỏ tiền vào hộp”. Người mua cứ việc lấy bao nhiêu bó, rồi tự động bỏ tiền vào cái lon nhỏ để cạnh. Vậy mà chẳng khi nào mất!

Những buổi chợ đó còn luôn có bà cụ 78 tuổi lụm cụm bán các loại rau thơm, vừa bán vừa thối tiền cho khách, lẫn lộn lung tung hết cả. Thế là, khách phải ngồi xuống tính tiền, thậm chí bán hàng giùm cho bà luôn.Thế đó, họ bán, họ mua vừa như thật, vừa như chơi. Nhưng cái THẬT nhất là chính từ những phiên chợ quê này đã xoa dịu cho họ biết bao nỗi nhớ quê nhà vời vợi…

Hình ảnh những phiên chợ bên đường này, gợi nhớ rất nhiều những khu chợ lề đường ở quê nhà từ những ngày xa xưa, đã in đậm nét vào trí nhớ của mỗi người con đất Việt – niềm nhớ không tên khó phai mờ được trong tâm khảm của những kẻ xa xứ…

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Cả năm đi nhiều rồi, Tết này về với nhà mình, với cha mẹ thôi

videoinfo__video3.dkn.tv||943807896__