Gần Tết, trên những con phố, dòng người đã bắt đầu hối hả với những vali hành lí lớn nhỏ để trở về quê đoàn viên cùng gia đình. Đâu đó là tiếng chào tạm biệt, chúc Tết sớm trước khi rời thành phố của những người con xa quê.

Càng về gần cuối năm, mọi người dường như càng sống chậm lại, và càng thêm trân quý niềm hạnh phúc giản dị bên người thân. Cộng đồng mạng đã truyền tay nhau chia sẻ một bức ảnh hai chị em nhà nghèo nằm một góc bên bếp lửa canh nồi bánh chưng khiến trái tim của nhiều người thổn thức.

Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, bức ảnh đã được cộng đồng mạng hết sức quan tâm. Nhiều người ưu ái trích lời bài hát “Xuân này con không về” của tác giả Trịnh Lâm Ngân để gọi tên cho bức ảnh: “Trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”. Rồi một thời tuổi thơ “dữ dội” với lì xì đỏ, hoa đào hoa mai nở rộ, nồi bánh chưng thơm nức mùi khói… có ông bà, bố mẹ quây quần bên bếp lửa đợi nồi bánh sôi để cúng gia tiên… bỗng chốc ùa về. Ngày ấy, mọi thứ đều đẹp đẽ tinh khôi, và tâm trí còn chưa nặng nợ chuyện cơm áo gạo tiền…

Bức ảnh “Trông bánh chưng chờ trời sáng. Đỏ hây hây những đôi má đào” khiến trái tim bao người con xa quê “hẫng” một nhịp. (ảnh: Facebook).

Dù nhà nghèo phải nằm trong căn phòng lợp lá đơn sơ nhưng nụ cười rạng rỡ của hai em đã khiến nhiều người, đặc biệt là những người con xa quê bỗng chốc nhớ “mùi Tết” đến lạ lùng. Đó là mùi khói cay cay tỏa ra từ cái bếp toàn củi gộc; mùi của nồi bánh chưng thơm ngào ngạt gạo nếp, lá dong; mùi chiếc chăn bông to kếch xù trong những ngày đông cuối năm, mùi quần áo mới sột soạt nơi góc tủ… Có nhiều thứ mà cho dù có nhiều tiền đến đâu người ta cũng chẳng thể mua được.

Ăn Tết bây giờ khác nhiều thời xưa. Mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn đến mức đôi khi người ta không cần phải vào bếp hay đi chợ, chỉ cần một cuộc điện thoại là có thể chu toàn một cái Tết với đầy đủ hương vị. Nhưng mà, một điều có lẽ bất biến từ thế hệ này sang thế hệ khác dẫu xã hội có thay đổi đến thế nào, đó là không khí ngày Tết. 

Một điều có lẽ bất biến từ thế hệ này sang thế hệ khác dẫu xã hội có thay đổi đến thế nào, đó là không khí ngày Tết. (ảnh: Trần Tuấn Việt).

Dẫu biết năm nào cũng như năm nào, nhưng vẫn có gì đó nôn nao, rộn ràng, hân hoan chờ đợi mỗi khi Tết về. Dù là ngày nay hay ngày xưa, người ta đều vẫn cảm nhận được những thời khắc lắng đọng chìm đắm trong những thanh âm, sắc màu, không khí… chỉ riêng của Tết. Và, dù năm cũ có thật nhiều biến cố và tiếc nuối, người ta vẫn sẵn lòng gác lại những bộn bề để đón một năm mới tràn đầy hi vọng mọi điều bình an, tốt lành.

Khi bạn tìm hoài mà chẳng thấy hạnh phúc, về nhà đi, một mâm cơm ấm, một vòng tay êm, một góc sân nhỏ, “nhà” chính là hạnh phúc. Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc. 

Tết này nhớ về nhà, “Trông bánh chưng chờ trời sáng. Đỏ hây hây những đôi má đào”, bạn nhé!

Trần Phong

Video xem thêm: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__