Mỗi ngày khi xem tin tức trên báo chí, hoặc lướt Facebook, hẳn sẽ có những bức ảnh khiến bạn dừng lại để nhìn và ngẫm nghĩ. Để rồi sau đó bạn tự hỏi mình: Tại sao số phận con người lại khác nhau đến vậy? Con người sẽ phải làm gì với những khổ đau của chính mình? 

Hình hài nhỏ bé, gầy guộc, đen nhẻm của ông Butsayamat cũng giống như bao người đang làm công việc nhặt rác trong khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố. Ngày qua ngày, ông tiếp tục cuộc sống của mình trong cái thế giới có mùi vị, màu sắc khác lạ so với đa số mọi người. Sáng nào cũng vậy, khi người ta vận những bộ trang phục công sở chỉnh tề, xách cặp táp bắt đầu tới sở làm, ông Butsayamat đã ở nơi làm việc của mình từ rất lâu trước đó, trong một góc hôi hám của thành phố, cặm cụi nhặt cho đầy cái túi đã mang theo. Cái túi mang tới cái ăn cho cả một ngày dài, và cũng mang tới ý nghĩa cho phần đời này của ông. Chiều đến, chiếc bóng nhỏ liêu xiêu lại lầm lũi trở về tu viện nhỏ, nơi lòng bao dung của Chúa và của  con người cho phép ông có một chốn để đi về.

152326104
Một nơi có thể đã trở thành thân thuộc với ông Butsayamat (Ảnh minh họa, dẫn qua: Traveltilyoudrop.blogspot.com)

Người ta sẽ không bao giờ để ý tới một ông cụ nhặt củi, nhặt rác kiếm bữa qua ngày như ông, không bao giờ muốn chụp ảnh ông để đưa lên báo, nếu ông không có điều gì đặc biệt. Bởi những người như ông Butsayamat, thậm chí những người khổ hơn cả ông giờ đây đã trở nên xa lạ với phần còn lại của thế giới. Nhưng có một lần, người ta vô tình bắt gặp ông khi đang vén áo lên, để lộ ra ổ bụng thật bất thường, và dường như có cả một phần nội tạng của ông đã ở bên ngoài thân thể. Người ta hiếu kì. Nhưng cũng không sao, đó là một phần của ông, nó khiến người ta nhìn đến ông, quan tâm ông, đó cũng không phải là điều gì xấu.

loi-phoi-3-600x480

Những vết sẹo ấy là dấu vết mà cuộc sống đi qua đã để lại lên thân hình ông. Những năm tháng, những nỗi đau có cái là vô hình, nhưng có cái là hiện hữu, là ở đó như để nhắc nhở chủ nhân về những gì đã qua. Đối với ông Butsayamat, những hình ảnh dúm dó nơi bụng, hay cái phần có màu đỏ hồng bọc trong túi ni lông ấy đã quen với ông lắm rồi, không còn gì  là đáng sợ, đáng ghê nữa.

loi-phoi-1-600x800

Khi quan sát kĩ những bức ảnh, những người làm nghề y sẽ nhận ra rằng cụ ông hẳn đã trải qua những ca phẫu thuật rất lớn để giúp hệ tiêu hóa của ông có thể hoạt động bình thường trở lại. Chiếc túi ông đang bọc một phần nội tạng của mình trông rất giống những chiếc túi mà các bệnh nhân đang chữa bệnh liên quan tới đại tràng phải đeo. Có thể, phần màu hồng ấy là thứ mà các bác sĩ đã giúp ông tạo ra để thay thế cho một bộ phận khác trong thân thể*.

Nhưng dù đó là gì, chúng ta hẳn cảm nhận được sự đau đớn mà cụ Butsayamat đã phải trải qua. Dao kéo động vào người, thân thể bị thay đổi làm sao mà không đau cho được? Nhưng điều đó có lẽ vẫn không thể khiến ông Butsayamat cảm thấy cuộc đời mất đi ý nghĩa.

Vết thương nào rồi cũng có ngày lành, nỗi đau nào rồi cũng sẽ được thời gian xoa dịu. Vì lẽ đó, nếu không có những mệt mỏi, đau đớn khiến chân không thể nhấc, tay không thể động thì ông vẫn làm việc. Dù là công việc nặng nhọc nhất, bị khinh thường nhất, nhưng nó giúp ông có thể nuôi sống chính mình, bằng mồ hôi và công sức của mình.

loi-phoi-2-600x800

Trên khuôn mặt ấy, chúng ta dường như chỉ đọc thấy sự khắc khổ nhưng không đọc thấy sự u buồn hay thất vọng trong ánh mắt. Cách ông dùng để quên đi những đau đớn và có thể là những cô đơn nữa, chính là mỗi ngày, tiếp tục những gì mình cần phải làm. Thay vì vùi mình trong đau khổ hay oán trách, cách tốt hơn là bước ra với mặt trời và làm một công việc nào đó dù khó nhọc nhưng thiện lương để tiếp tục đi tiếp con đường của mình.

Bạn biết không, nếu cụ Butsayamat  không tiếp tục nhặt rác, không tiếp tục đi kiếm cách mưu sinh bất chấp đau đớn thì có lẽ, sẽ  không ai biết tới câu chuyện của cụ, cũng sẽ không ai chia sẻ câu chuyện ấy trên mạng xã hội với một sự đồng cảm và xót thương. Không có lòng dũng cảm để sống tiếp, có lẽ sẽ không có một ngày đẹp trời cụ Butsayamat nhận được những món quà bất ngờ từ những người không quen biết. Không chỉ là những sự giúp đỡ về vật chất, mà còn có cả những nụ cười, những sự quan tâm đã tới với cụ, chúng tới từ những người xa lạ biết tới cuộc sống khó khăn, biết tới vết thương nơi bụng cụ.

25122-hands-light-give.1200w.tn
Sự giúp đỡ đến từ tình thương, từ nguyện ước muốn sẻ chia đau khổ giữa con người với con người chính là một phép màu. (Ảnh minh họa: Pinterest) 

Khi bước vào cuộc đời này, ai cũng khổ. Khi cất tiếng khóc chào đời, ai cũng cần sự yêu thương… Có lẽ đồng cảm với nỗi đau của người khác, biết thương yêu và san sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống là món quà đẹp đẽ nhất mà Đấng tạo hóa ban tặng cho loài người. Và đó dường như cũng là những điều duy nhất có thể giúp con người nhân lên những hi vọng để cùng nhau vượt thoát những nỗi đau.

 

* Thông tin bổ sung:

BeFunky Collage

Phần nội tạng trên bụng cụ Butsayamat  có nhiều khả năng là hậu môn giả, được dùng cho những bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến đại tràng. Theo thông tin của báo Thanh niên: “Mở hậu môn nhân tạo (HMNT) là tạo một lỗ mở thông ra da của đại tràng nhằm mục đích dẫn lưu bộ phận ra ngoài thay thế hậu môn thật. Phân sẽ đi trực tiếp qua lỗ mổ thông này và đổ vào một túi chứa phân (túi HMNT)“. Chiếc túi mà cụ ông mang bên mình rất có thể là chiếc túi này. Trong các trường hợp thông thường, người bệnh sẽ sử dụng những chiếc túi chứa phân chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh cho phần hậu môn giả. Nhưng cụ Butsayamat (trong ảnh trên), có thể do điều kiện kinh tế không cho phép nên đã dùng túi nilong bình thường để thay thế.

Ảnh nhân vật: Thainews

Ly Ly (Tổng hợp)