Châu Á có ảnh hưởng khá nhiều tới các nước phương Tây, từ nền văn hóa đa dạng đến thị trường lao động và đầu tư. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi những đất nước ở châu lục này còn ẩn giấu điều gì thú vị gì chưa từng biết đến? Hãy cùng khám phá 10 sự thật thú vị về những quốc gia châu Á dưới đây nhé! 

1. Ngày sinh nhật toàn quốc của Việt Nam 

Năm mới ở Việt Nam có thể coi là ngày sinh nhật của tất cả mọi người. Người Việt Nam ăn mừng kỳ nghỉ Tết bắt đầu vào ngày đầu tiên theo lịch Mặt Trăng, thường là vào  khoảng đầu tháng Hai hoặc cuối tháng Một. Theo một số phong tục ngày Tết, năm mới còn được coi là lễ kỉ niệm thêm một tuổi mới. Cũng như người Hàn Quốc, người Việt Nam tính tuổi theo năm Mặt Trăng. Vì thế một đứa trẻ sẽ chính thức lên một vào cái Tết đầu tiên của bé, thậm chí cả khi bé chỉ mới vừa được sinh ra vài ngày trước Tết.

2. Ngày hội té nước của Thái Lan

Khác với Việt Nam, năm mới ở Thái Lan được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng Tư, được biết đến với cái tên: lễ hội Songkran, tiếng Thái có nghĩa là “sự chuyển dịch của các vì sao”. Nét hấp dẫn và độc đáo của lễ hội này là người ta sẽ té một loại hỗn hợp nước và bột tan lên người nhau. Trước đây, dịp lễ này có những ý nghĩa tâm linh to lớn. Ngày nay, người ta dùng những khẩu súng nước được bán khắp mọi ngõ ngách, rồi đứng trên hè phố bắn nước vào bất kỳ ai đi ngang qua.

3. Khu mua sắm lớn nhất thế giới

Điều này có thể khiến bạn bất ngờ, khu mua sắm lớn nhất thế lớn là một… “thị trấn ma”. Năm 2005, nhà tỷ phú người Trung Quốc Alex Hu Guirong đã xây dựng một khu mua sắm lớn nhất thế giới ở Đông Hoản, Trung Quốc. Tại khu vực rộng khoảng 650.000 mét vuông, khu mua sắm South China được xây dựng lên, có đủ chỗ cho 2.350 quầy hàng – chưa kể đến khu tàu lượn siêu tốc cỡ lớn trong nhà, con kênh đào dài 2 ki-lô-mét và bản sao Khải Hoàn Môn cao 82 mét. Nhưng khu trung tâm “khổng lồ” này phải đối mặt với một vấn đề: không một ai muốn đặt cửa hàng tại đây. 

Từ năm 2005 đến nay, chỉ có khoảng 1% diện tích trung tâm được sử dụng. Khu vực với hàng trăm nghìn mét vuông khác bị bụi phủ đầy trên những tấm vải che. Nơi đây chỉ có những người canh gác qua lại. Họ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho khu vực. Người ta cho rằng có vài lý do giải thích vì sao khu mua sắm này thất bại nặng nề như vậy. Một trong số đó là vị trí. Đông Hoản chỉ có 10 triệu dân, và phần lớn họ là những công nhân trong các công xưởng nghèo nàn. Hơn nữa, muốn đến được nơi đó người dân phải đi mất vài tiếng đồng hồ.  

4. Lễ Giáng sinh kiểu Triều Tiên

Người Bắc Triều Tiên kỉ niệm ngày Giáng sinh theo cách của riêng họ. Họ không tổ chức lễ Giáng sinh như các nước phương Tây, vì họ cho rằng ngày lễ này giống như một “hành động chiến tranh” hơn là một lễ kỉ niệm. Do đó, thay vì tổ chức lễ Giáng sinh, người dân Bắc Triều Tiên sẽ kỷ niệm ngày sinh mẹ của ông Kim Jong Il, người sinh vào ngày 24 tháng Mười hai.

Chính quyền Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ các nhóm tôn giáo trong đất nước họ. Vào năm 2002, đất nước này làm chấn động dư luận thế giới vì đã tra tấn một người phụ nữ dám lén đưa những người theo Cơ đốc giáo ra khỏi đất nước. Từ đó họ vẫn tiếp tục điên cuồng kiểm soát triệt để mọi ảnh hưởng của phương Tây bằng việc đặt ra một loạt những ngày lễ ái quốc quanh dịp giáng sinh. Bên cạnh ngày sinh mẹ của ông Kim Jong Il, người Triều Tiên còn kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” vào 27/12. Hàng năm vào đầu năm mới họ tổ chức từng đoàn đến viếng thăm nơi đặt xác ướp của ông Kim Il Sung (người đã châm ngòi cuộc chiến Triều Tiên). 

5. Trung Quốc chỉ có một múi giờ

Trung Quốc trải dài ra khoảng 3.200 dặm (5.200 km), đủ rộng để đất nước này có  khoảng 5 múi giờ (Mỹ có 4 múi giờ). Tuy nhiên, từ sau cuộc nội chiến Trung Hoa vào năm 1949, Trung Quốc luôn duy trì một múi giờ duy nhất. Lý do phần lớn là về mặt chính trị. Trung Quốc đã trải qua nhiều biến động sau 20 năm nội chiến. Để người dân có được cảm giác thống nhất cũng như dễ kiểm soát họ đã chọn một múi giờ duy nhất làm chuẩn.  

Điều này có nghĩa là trong khi mặt trời mọc ở Bắc Kinh lúc 6 giờ sáng, thì chỉ sau đó hai tiếng đồng hồ, những vùng phía Tây như Tân Cương sẽ được ngắm cảnh hoàng hôn. Hệ thống này vẫn dược dùng đến nay, mặc dù người Tân Cương  đã  lập  ra múi giờ của riêng họ, chậm hơn giờ chuẩn của Trung Quốc hai tiếng. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không công nhận điều này. 

6. Ở Nhật Bản béo phì là vi phạm pháp luật 

Gần đây Nhật Bản được coi là quốc gia công nghiệp hoá “mảnh mai” nhất thế giới, vì một lý do rất thú vị: béo phì là vi phạm pháp luật. Luật pháp Nhật cho rằng một người đàn ông trên 40 tuổi không được có vòng eo to quá 33,5 inches (85cm). Phụ nữ được phép có vòng eo to hơn một chút là 35,4 inches (90cm). 

Vì sao Nhật Bản lại ban hành điều luật kì quái này? Lý do là bởi vì những người mảnh mai thì khoẻ mạnh hơn, và điều này thể hiện nỗ lực chống lại chứng cholesterol cao và huyết áp cao của họ. Những người có vòng eo “quá chuẩn” phải trải qua một đợt tư vấn và thực hiện chế độ ăn kiêng do chính phủ quy định. Các công ty có nhiều công nhân quá cân cũng sẽ bị phạt. Số tiền này sẽ được dùng để chăm sóc sức khoẻ cho những người lớn tuổi. 

7. Dân số của Trung Quốc và Ấn Độ 

Bạn có biết, số dân của Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại bằng một phần ba dân số thế giới? Trung Quốc nổi tiếng là một quốc gia đông dân cư, và con số thực tế còn khiến chúng ta bất ngờ hơn nhiều. Dân số của một mình tỉnh Tứ Xuyên cũng đã nhiều hơn số dân của cả Hy Lạp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Guatemala, Áo, Malaysia, New Zealand và Canada gộp lại – và đó chỉ là tỉnh lớn thứ tư ở Trung Quốc. Thực tế, dân số cả của Ấn Độ và Trung Quốc gộp lại sẽ chiếm hơn một phần ba dân số toàn thế giới (2.5 tỷ người vào năm 2012). Và toàn thể số người này có thể đứng chật khít một diện tích lớn hơn nước Mỹ.

8. Quăng trẻ để cầu may ở Ấn Độ 

Tại một đền thờ linh thiêng ở vùng núi Solapur, Ấn Độ, những đứa trẻ mới sinh sẽ  tham dự một nghi lễ được cho là mang đến may mắn, dũng khí và sức khoẻ. Người ta đưa chúng lên đỉnh một ngọn tháp cao 15 mét và thả các em xuống một mảnh vải do các thầy tu giữ căng dưới chân tháp. Truyền thống Hồi giáo này đã được thực hành trên 500 năm, và ngày nay vẫn còn được tiếp tục. Trong khi nhiều người cảm thấy kinh hoàng về tập tục này thì những người thôn dân Hồi giáo nói rằng chưa từng có trường hợp nào bị chấn thương khi tham dự nghi thức. 

9. Quy định về sử dụng bàn tay ở Ấn Độ

Người Ấn Độ ăn bằng tay phải, rửa ráy bằng tay trái. Một trong những phong tục thú vị nhất ở Ấn Độ là họ dùng tay phải để bốc thức ăn. Bởi vì, tay trái với họ không sạch. Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, họ không dùng giấy mà hứng chút nước trong lòng bàn tay trái và dùng nó để chùi rửa. Ngoài những khách sạn hoặc nhà hàng dành cho người châu Âu, hiếm có nhà vệ sinh nào cung cấp giấy vệ sinh trong cả nước. Bên cạnh đó, nếu dùng tay trái làm bất cứ việc gì khác, ví dụ như đưa tiền, hoặc bắt tay chào thì đó sẽ là một sự sỉ nhục. 

10. Đặt tên cho trẻ em ở Trung Quốc 

Trẻ em ở Trung Quốc được đặt tên theo các sự kiện. Năm 1992, Trung Quốc đăng cai tổ chức Olympic 2000. Trong năm đó, có 680 người Trung Quốc đặt tên cho đứa con mới ra đời của họ là Aoyun, dịch ra là “các cuộc thi đấu Olympic”. 15 năm sau vẫn có hơn 4000 người tiếp tục dùng cụm từ đó để đặt tên cho con cái họ và hiện tượng này trở nên phổ biến hơn khi Trung Quốc được chấp thuận tổ chức Olympic 2008.

Đối với các cặp cha mẹ Trung Quốc, đặt tên cho con họ theo các sự kiện không phải là điều quá lạ lẫm. Đó là một cách đặt tên cho trẻ em ở Trung Quốc, và còn có rất nhiều kiểu đặt tên khác. Nhưng theo như tổ chức đăng ký khai sinh Trung Quốc, những cái tên phổ biến ở đất nước này là “Bảo vệ Trung Hoa” hoặc “Xây dựng đất nước”. Vài đứa trẻ thậm chí còn được đặt tên một cách đơn giản là “Du hành vũ trụ”. Hiện nay có gần 300.000 đứa trẻ có cùng cái tên là “Sự văn minh”. Điều này cũng giống như việc người Mỹ đặt cho con trai họ cái tên “nước Mỹ” hay “tổng thống Obama”.

Theo Listverse

Xuân Dung