Những bi hoan ly hợp của nhân sinh có nhân duyên là gì?

Vào thời kỳ nhà Thanh, có một người Liễu Châu tên là Vương Uy, kết hôn với nhà họ Ngô, tuy nhiên chỉ hai năm sau, hai vợ chồng họ bị bọn cướp chia ly. Vương Uy quá nghèo không đủ khả năng nuôi sống bản thân, nên ông buôn bán những thương phẩm nhỏ. Vì ly tán vợ, trong nhà lại không có tiểu thiếp, nên ông thường xuyên không về nhà trong vài năm.

Có lần ông đến Hạ Ấp, Bình Dương bán hàng và thuê một cửa hàng để mua bán hàng hóa. Lúc đó trong huyện xảy ra nạn đói, rất nhiều người phải chạy trốn. Đột nhiên ông nhìn thấy một phụ nữ trẻ ở ngoài cửa hàng cùng với một đứa trẻ khoảng năm, sáu tuổi đang khóc lóc rất đau khổ, bèn hỏi người bán hàng xem là chuyện gì. Hóa ra hàng xóm của cửa hàng là gia đình họ Ngũ, người vợ họ Mạnh, chồng là Ngũ Nguyên đã xa nhà sáu năm mà bặt vô tin tức. Mới đây mẹ chồng qua đời, không có tiền mua quan tài, nàng dâu chỉ có thể bán mình lấy tiền mua quan tài, nhưng người mua hiềm nàng có con trai, Mạnh thị lại đành phải bán con cho người khác. Bây giờ hai mẹ con không nỡ xa nhau nên khóc lóc rất bi thương.

Vương Uy nghe xong liền cảm thấy thương xót hai mẹ con nàng, nói với người chủ cửa hàng: “Tôi đã hơn năm mươi tuổi rồi, tôi nguyên là không muốn lại lấy vợ. Nếu nàng ấy không chê tôi cao tuổi, tôi nguyện ý mai táng cho mẹ chồng nàng ấy và nuôi dưỡng đứa con trai.” Chủ cửa hàng nói: “Đây là một việc thiện”, rồi đi nói với Mạnh thị, nàng đã đồng ý. Vương Uy liền đi mua quan tài, và chọn ra một ngày để chôn cất mẹ chồng của Mạnh thị. Khi đám tang, Mạnh thị khóc nói: “Vì duyên cố với mẹ chồng và con trai tôi, tôi cảm thấy tủi nhục thất tiết, chết không dám đối mặt với mẹ chồng, sống không dám đối diện với chồng cũ.” Nghe đến đây, mọi người đều cảm thấy đau lòng. Vương Uy thấy rằng nhà cửa của nhà Mạnh thị đã dột nát, liền đưa tiền cho nàng tu sửa, dần dần mua sắm đồ đạc cho nàng. Con trai của Mạnh thị tên là Ngũ Huệ, được Vương Uy mời thầy đến dạy học cho.

Ba năm sau, Ngũ Nguyên từ bên ngoài trở về, nghe tin vợ mình đã tái giá, nên đi đến cửa hàng bên cạnh để nghe ngóng. Chủ cửa hàng mô tả chi tiết sự việc. Ngũ Nguyên nói: “Dưỡng con táng mẹ, ân nghĩa cực trọng, huống hồ vợ tôi đã tái giá, tôi chỉ hy vọng nhận lại con trai mình, những chuyện khác tôi không đòi hỏi.” Người trong cửa hàng nói với Vương Uy về những gì Ngũ Nguyên nói, Vương Uy bèn hỏi Mạnh thị về mong muốn của nàng, Mạnh nói sẵn sàng quay lại với chồng cũ. Vương Uy nói: “Nếu là như vậy, hãy mời Ngũ Nguyên trú tạm trong cửa hàng đi, tôi đã kiếm được dư tiền, ngày mai sẽ rời đi.” Chủ cửa hàng hỏi: “Đồ đạc bác mua thì thế nào?” Vương Uy đáp: “Toàn bộ quy về Ngũ Nguyên.”

Gió xuân lặng lẽ thổi dọc theo sườn bờ, số phận đã sớm được định đoạt. (The Epoch Times)

Năm tháng sau khi Vương Uy rời đi, Mạnh thị sinh hạ được hai người con trai. Ngũ Nguyên biết đây là con của Vương Uy, nhớ đến ân nghĩa của Vương Uy với gia đình họ, đã đối đãi tốt với chúng, dùng hai từ “Ân” và “Nghĩa” đặt tên hai đứa con trai của mình.

Khi cặp song sinh được chín tuổi, một vị đô úy Trịnh Công và gia đình đột nhiên đến, ngụ trong cửa hàng cạnh nhà Ngũ Nguyên, sau đó vì con trai ông ấy sinh bệnh, điều trị không qua khỏi, vài ngày sau đó thì mất. Hai anh em Ân và Nghĩa thường chơi đùa bên ngoài cửa hàng, khi Trịnh Công nhìn thấy tướng mạo của Ân rất giống con trai mình, lại bằng tuổi nhau, nên muốn coi cậu như con thừa kế, sẽ được kế thừa danh thế của gia tộc mình, nên đã nhờ chủ cửa hàng nói với Ngũ Nguyên. Sau khi Ngũ Nguyên biết chuyện, đã bàn bạc với vợ, Mạnh thị vui vẻ đồng ý. Trịnh Công đã thưởng cho Ngũ Nguyên một phần thưởng rất hậu hĩnh rồi rời đi.

Nhiều năm sau, Vương Uy làm nghề mua bán hàng hóa, kiếm được không ít tiền, khi về già, ông trở về quê hương và ở trong một điếm nhỏ ở một thị trấn ở Ngô Châu. Đang chuẩn bị đi ngủ, ông chợt nghe thấy tiếng một người phụ nữ đang khóc, gọi người trong điếm đến hỏi. Chủ quán nói: “Có một người đàn ông họ Ngũ chạy trốn nạn đói đến đây, ba tháng trước ông ta đột ngột sinh bệnh mà qua đời. Con trai ông ấy đã bỏ đi, không có tin tức gì mấy năm rồi. Mẹ chồng con dâu hai người nghèo túng không thể nuôi nhau được, nên đành phải gả con dâu cho người ta, vì thương tâm nên buồn khóc.”

Vương Uy nghe vậy không nhẫn tâm, bèn hỏi: “Con trai của họ năm nay bao nhiêu tuổi?” Chủ điếm nói: “Con trai của ông ấy tên là Nghĩa, tôi từng gặp qua rồi, khoảng 27, 28 tuổi, tướng mạo có phần tương tự với bác.”

Vương Uy giả vờ kinh ngạc nói: “Suýt chút nữa tôi đã bỏ lỡ một đại sự, cậu ấy có một ít tiền và thư từ tôi mang theo, định sáng mai sẽ đưa cho họ, hiện tại nếu như vậy, tôi nên đưa cho họ càng sớm càng tốt.” Nói xong, ông lấy ra vài lượng bạc đưa cho chủ điếm đi thăm mẹ Ngũ, nói mình và con trai nhà họ quen nhau đã lâu, bởi vì còn một hai việc chưa làm xong, nên nhờ chủ điếm mang đến hai lượng bạc trước, để tạm thời sử dụng, con trai họ nhất định sẽ về nhà nội trong chục ngày. Còn nói: “Con trai họ đã kinh doanh phát tài, trong tay tích lũy được khoảng vài trăm lượng bạc.” Nói xong, chủ điếm mang bạc sang giao cho mẹ Ngũ, mẹ Ngũ tin tưởng, sau khi nhận được bạc, bà hủy bỏ ý định gả con dâu.

Đúng như dự đoán, vào ngày thứ chín, Ngũ Nghĩa đã trở lại, số tiền chàng tích cóp được cũng đúng như lời Vương Uy nói. Mẹ Ngũ nói với Ngũ Nghĩa: “May là con lấy ra mấy lượng bạc và nhờ khách mang về, nếu không, vợ con đã phải gả cho người ta từ mấy ngày trước rồi“, sau đó bà kể lại chi tiết sự tình cho Ngũ Nghĩa. Ngũ Nghĩa nói: “Không, không có ai họ Vương trong số những người con kết bạn tốt cả.” Mẹ của Ngũ vô cùng ngạc nhiên, lập tức lấy số bạc ra cho Ngũ Nghĩa xem và nói: “Đây là số tiền ông ấy mang đến, vẫn chưa dùng hết. Vị khách họ Vương tối qua đã ở lại cửa hàng này, khách sẽ sớm rời đi, chủ điếm nhất định sẽ biết tin tức về khách, con nên đến thăm ông ấy càng sớm càng tốt.”

Ngũ Nghĩa tuân theo lời mẹ đi đến cửa hàng, người chủ điếm nói: “Vị khách họ Vương bị ốm một chút, tuy hiện tại đã khỏe hơn, nhưng vẫn chưa rời đi.”

Khi Ngũ Nghĩa nhìn thấy Vương Uy, chàng lập tức cúi đầu cảm ơn. Vương Uy ngạc nhiên và hỏi tại sao? Chủ điếm nói: “Cậu ấy là Ngũ Nghĩa bảo bác mang tiền về, sao bây giờ bác lại không biết cậu ta?” Vương Uy cười nói: “Tôi thật sự không biết cậu ta, chỉ là tôi không thể chịu đựng sự chia tay của mẹ chồng và nàng dâu lúc đó, nên tôi mới giả vờ làm như vậy.” Chủ quán vui vẻ nói: “Khách nhân quả thực là một quân tử nhân từ.”

Ngũ Nghĩa nói: “Trưa mai cháu sẽ chuẩn bị một bữa tiệc đơn giản, cung kính tạ ơn lòng tốt của bác, đưa lại cho bác số tiền gốc, hy vọng bác đến sớm nhé.” Vương Uy nói: “Tôi tuyệt đối sẽ không nhận lại tiền gốc, đây là việc tôi lúc đó nên làm.” Ngày hôm sau, Vương Uy mời chủ cửa hàng đi cùng.

Khi đến nhà Ngũ Nghĩa, mẹ Ngũ ngó ra ngoài cửa sổ nhìn thấy vị khách, bà sửng sốt gọi con trai ra ngoài nói: “Con hỏi khách có phải tên là Uy, có phải người Liễu Châu không? Nếu như vậy thì chính là cha ruột của con đến đó.” Ngũ Nghĩa làm theo lời mẹ nói, đi hỏi Vương Uy.

Vương Uy nói: “Lam sao cậu biết?” Ngũ Nghĩa chưa kịp trả lời, mẹ Ngũ đã bước ra nói: “Ông còn không nhớ ra Mạnh thị sao? Râu tóc của ông đã trắng như sương mùa thu, tôi cũng không dám nhận ra ông.” Sau đó bà chỉ vào Ngũ Nghĩa nói: “Đây chính là con trai của ông.” Vương Uy ghẹn lời, không biết nên nói cái gì mới được.

Bà Mạnh giải thích thêm: “Năm tháng sau khi ông rời đi, tôi đã sinh ra một cặp song sinh, đây là con trai thứ hai.” Vương Uy lại hỏi: “Vậy anh trai nó đâu?” Bà Mạnh đáp: “Lúc chín tuổi, nó được viên đô úy họ Trịnh nhận làm con nuôi, cho đến ngày nay vẫn không có tin tức gì về nó.”

Vương Uy lại hỏi: “Ngũ Huệ đi đâu rồi?” Mạnh thị nói: “Nó khiêng quan tài cha đi chôn cất mà vẫn chưa trở về.” 

Người chủ điếm nói: “Bác có thể được vợ chồng cha con đoàn tụ, đều là nhờ bác khinh tài trọng nghĩa mà có được.” Vương Uy sau đó an cư tại một thị trấn ở Ngô Châu. Vợ chồng Vương Uy từ sớm đã ly thân, nửa đời không tin tức, những năm cuối đời ông bất ngờ gặp lại vợ con, điều này đủ để truyền cảm hứng cho thiện tâm của mọi người.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch