Sau khi nhận khảo nghiệm tứ Thánh, thầy trò Đường Tăng tiếp tục hành trình thỉnh kinh. Đi một lúc thì thấy quả núi cao sừng sững chắn đường… Đó chính núi Vạn Thọ, nơi xảy ra cố sự “Hành Giả trộm nhân sâm”.

Cố sự trên cho chúng ta thấy quá trình rơi rớt tâm tính đáng thương của ba đồ đệ, đồng thời chứng kiến thành quả lập công chuộc tội của Tôn Ngộ Không và sự kỳ diệu từ nước Cam Lộ của Quan Âm Bồ Tát. 

Hồi thứ hai mươi bốn kể rằng: 

Núi này tên gọi núi Vạn Thọ, trong núi có một đạo quán gọi là quán Ngũ Trang, trong quán có một vị tiên, đạo hiệu là Trấn Nguyên Tử, còn có tên là Dữ Thế Đồng Quân. Hôm ấy, Trấn Nguyên Đại Tiên nhận được tờ thiếp của Nguyên Thủy Thiên Tôn mời đến cung Di La trên Thương Thanh Thiên nghe giảng về “Hỗn nguyên đạo quả”. Tiên ông bèn dẫn bốn mươi sáu đồ đệ lên thượng giới nghe giảng, để hai vị ở lại trông nhà. Một vị tên là Thanh Phong, một vị tên là Minh Nguyệt. Trước khi đi, Trấn Nguyên đại tiên dặn dò hai đồng tử hái quả nhân sâm tiếp đãi Đường Tam Tạng… 

Quả nhân sâm là thức báu lạ thường, từ khi vũ trụ còn hỗn độn mới chia, trời đất còn mờ mịt chưa phân, đã có thứ cây linh thiêng này. Trong bốn đại bộ châu của thiên hạ chỉ có quán Ngũ Trang thuộc Tây Ngưu Hạ Châu là có cây này thôi, tên gọi là “thảo hoàn đơn”, lại có tên nữa là “nhân sâm quả”. Giống cây này ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết quả, lại ba nghìn năm nữa mới chín. Tính ra phải một vạn năm mới được ăn. Và trong một vạn năm ấy chỉ kết được ba mươi quả. Hình dáng quả này tựa đứa bé mới sinh chưa đầy ba ngày, tứ chi hoàn toàn, ngũ quan đủ cả. Ai có duyên được ngửi quả này một lần thì sống lâu ba trăm sáu mươi tuổi, ăn một quả sống mãi bốn vạn bảy nghìn năm.

Thầy trò Đường Tăng đến đạo quán được Thanh Phong và Minh Nguyệt tiếp đón. Sau đó nhị vị đồng tử hái hai quả nhân sâm mời Đường Tăng, nhưng Tam Tạng không dám ăn vì thấy thứ quả đó giống đứa trẻ mới sinh. Thế là, hai tiểu đồng đành trở lại phòng trong chia nhau mỗi người một quả. Bát Giới ở phòng bên, nhìn trộm hai tiểu đồng ăn quả nhân sâm liền thèm quá, mới nhờ Tôn Hành Giả đi hái trộm ba quả để chia cho ba người. Quá trình rơi rớt tâm tính của ba đồ đệ Đường Tăng trong phần này bắt đầu từ đây. 

Tây Du Ký: 3 bài học từ câu chuyện Hành Giả trộm nhân sâm
Cảnh Trấn Nguyên Tử dặn dò Thanh Phong và Minh Nguyệt trong phim Tây Du Ký bản 1986 (ảnh chụp màn hình).

Khi phát hiện quả nhân sâm bị hái trộm, Thanh Phong và Minh Nguyệt đã lên thẳng trên điện, chỉ mặt Đường Tăng mà xỉ vả, mắng nhiếc bằng những lời lẽ thô tục nhất, nào là hạng đầu trộm đuôi cướp, nào là xấu xa bỉ ổi… Đường Tăng không hiểu cơ sự gì nên gọi ba đồ đệ lên chất vấn. 

Hồi thứ hai mươi lăm viết: 

Lại nói chuyện ba anh em kéo nhau vào trong điện nói với sư phụ:

– Cơm sắp chín rồi, sư phụ gọi chúng con có việc gì ạ? 

Tam Tạng hỏi:

– Ta không hỏi chuyện cơm. Quán này có một thứ quả nhân sâm nào đó trông giống đứa trẻ con, ai trong số các con đã lấy trộm ăn rồi?

Bát Giới thưa:

– Con thật thà không biết, và cũng chưa thấy thứ quả ấy bao giờ.

Thanh Phong nói:

– Người nào cười là đúng! Người nào cười là đúng! 

Hành Giả nói lớn:

– Lão Tôn lúc nào chả cười, vì chuyện nhà ngươi vừa mất quả mà cấm ta cười sao?

Tam Tạng nói:

– Đồ đệ hãy bớt nóng. Chúng ta là người xuất gia, không được nói dối, ăn trộm. Nếu có trót lấy của người ta, thì phải xin lỗi tạ tội, việc gì phải che đậy không nhận!

Hành Giả thấy sư phụ nói có lý, bèn thú thực:

– Thưa sư phụ, không phải tại con. Tại Bát Giới nghe thấy hai tiên đồng ăn quả nhân sâm nào đó ở phòng bên, hắn thèm quá muốn ăn, bèn xui con đi hái ba quả, ba anh em chúng con mỗi người ăn một quả. Bây giờ trót ăn rồi, biết làm thế nào?

Minh Nguyệt nói:

– Lấy trộm những bốn quả mà mồm vẫn cãi không phải ăn trộm.

Bát Giới nói:

– A Di Đà Phật, lấy những bốn quả mà sao mang về có ba quả để chia nhau, thì ra anh đã biển thủ một quả rồi!

Chú ngốc thế là làm ầm ĩ lên.

Hai tiên đồng biết chuyện đích thực, càng mắng nhiếc thậm tệ. Đại Thánh tức quá, răng nghiến ken két, mắt lửa tròn xoe, rút cây gậy sắt nạm vàng ra, mân mê trong tay, nhẫn nhục nghĩ thầm:

– Lũ tiên đồng đáng ghét quá, chẳng biết nể nang. Được rồi, cứ tạm nhịn chúng, sau ta dùng ngón “tuyệt hậu kế” cho lũ ngươi hết đường ăn quả!

Hành Giả bèn nhổ một sợi lông ở sau lưng, đưa lên mồm thổi phù, hô “biến”, sợi lông biến thành một Hành Giả giả, đứng cạnh Đường Tăng, cùng với Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh nghe tiên đồng xỉ vả, còn chính mình thì xuất thần nhảy lên mây, bay thẳng vào vườn nhân sâm, rút gậy sắt ra, nhắm vào gốc cây nện choang một phát, lại dùng hết sức bình sinh đẩy cây đổ lăn kềnh ra. Đáng thương thay:

Cành lìa, rễ bật lá rơi,
Thảo hoàn đơn đã hết đời từ đây!

Vì lời đề nghị của Bát Giới mà Hành Giả hái trộm quả nhân sâm chia cho ba anh em. Nhưng khi được hỏi, Bát Giới lại nói: “Con thật thà không biết, và cũng chưa thấy thứ quả ấy bao giờ” — Đây là nói lời không thật, là bất “Chân”. Sa Tăng thấy các huynh làm vậy mà không can ngăn cũng tính là có tội. Hành Giả tức giận “răng nghiến ken két, mắt lửa tròn xoe” là không giữ được bình tĩnh, là chưa “Nhẫn”. Vì tức giận mà Ngộ Không đánh đổ cây nhân sâm, đây là hành vi không “Thiện”. Tâm tính các đồ đệ Đường Tăng đã rớt xuống thật đáng thương. Chưa dừng lại ở đó, họ không những không chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình, mà còn tính đường bỏ chạy… 

Bốn thầy trò gấp rút rời khỏi Ngũ Trang quán, nhưng rốt cuộc cũng không thoát khỏi bàn tay của Trấn Nguyên Đại Tiên. Bốn thầy trò bị phạt, và để thoát khỏi tình cảnh này Ngộ Không hứa sẽ đi tìm phương thuốc chữa cây. Nhưng than ôi, giống cây nhân sâm này là tinh túy của đất trời, là linh thụ sinh ra từ khai thiên tịch địa nên đâu dễ cứu vớt? 

Lần thứ nhất, Tôn Ngộ Không đến Bồng Lai tiên cảnh, gặp ba vị tiên ông là Thọ tinh, Phúc tinh, và Lộc tinh. Ba vị ấy tuy là Thần tiên nhưng cũng vô phương giúp đỡ. Lần thứ hai, Tôn Ngộ Không đến gặp Đế Quân, nhưng cũng không có phương cách. Cứ như thế, cho đến lần thứ ba, Ngộ Không đến Doanh Châu hải đảo gặp cửu tiên cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Không còn cách nào nữa, Tôn Hành Giả bèn đến núi Phổ Đà gặp Quan Âm Bồ Tát. Bồ Tát đã biết chuyện nên nói rằng nước Cam Lộ có thể chữa được cây.

Quan Âm Bồ Tát
Tranh vẽ Quan Âm Bồ Tát (ảnh: Palungjit).

Hồi thứ hai mươi sáu viết: 

Hành Giả lại cúi lạy, thưa:

– Đệ tử thực không biết. Hôm ấy Trấn Nguyên tiên không có nhà, chỉ có hai tiên đồng đón tiếp chúng tôi. Trư Ngộ Năng biết thứ quả quý đó, muốn nếm một quả. Thế là con ăn trộm ba quả, chia cho ba anh em mỗi người một quả. Hai tiên đồng biết chuyện, mắng chửi chúng con mãi. Vì vậy đệ tử mới nổi cáu, quật đổ cây nhân sâm. Hôm sau, Trấn Nguyên tiên về, đuổi theo chúng con, vung tay áo chụp gọn chúng con bắt về, lấy thừng trói và lấy roi đánh, tra khảo suốt một ngày. Chúng con đương đêm lại trốn thoát, rồi lại bị ông ấy đuổi theo, bắt gọn như lần trước. Ba bốn phen, không tài nào trốn thoát được, đệ tử đành phải xin ông ấy cho đi tìm thuốc chữa cây. Đệ tử đã ra biển tìm thuốc, đi khắp ba đảo, nhưng các vị thần tiên không ai có thuốc cả. Vì thế đệ tử mới đến đây, chân thành cung kính, thưa chuyện với Bồ Tát, cúi mong Bồ Tát rộng lượng, ban cho một phương thuốc, để cứu Đường Tăng thoát nạn, sớm được sang phương Tây.

Bồ Tát nói:

– Tại sao nhà ngươi không đến sớm gặp ta, lại còn ra đảo tìm tòi làm gì?

Hành Giả nghe nói thế, trong bụng mừng thầm:

– May rồi, may rồi! Chắc là Bồ Tát có thuốc đây. Đoạn lại bước tới khẩn khoản cầu xin. 

Bồ Tát nói:

– Ta có bình nước Cam Lộ có thể chữa khỏi hết các loại cây tiên cỏ thánh.

Hành Giả hỏi:

– Đã được chứng nghiệm bao giờ chưa?

Bồ Tát nói:

– Chứng nghiệm rồi. 

Hành Giả lại hỏi:

– Chứng nghiệm bao giờ? 

Bồ Tát nói:

– Trước kia, Thái Thượng Lão Quân có đánh cuộc với ta: ngài bẻ một cành dương liễu của ta bỏ vào lò luyện đơn, đốt cháy khô sém, rồi lại đưa trả ta. Ta cắm vào trong bình, qua một ngày đêm cành lá lại xanh tươi như cũ.

Hành Giả cười, nói:

– Thực là hay quá, hay quá! Đốt khô sém vẫn còn chữa được, huống hồ cây mới quật đổ thì dễ như bỡn!

Bồ Tát dặn dò:

– Mọi người ở nhà trông nom nhà cửa, ta đi sẽ về ngay.

Đoạn này còn có chi tiết rất đắt giá, đó là nước Cam Lộ trong bình Tịnh thủy của Bồ Tát. Loại nước thánh tinh khiết, rất trong, mát, và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được này đã được kiểm chứng trước đó. Bồ Tát kể rằng Thái Thượng Lão Quân bẻ một cành dương liễu bỏ vào lò luyện đơn, đốt cháy khô sém, rồi lại đưa trả, Bồ Tát cắm vào trong bình, qua một ngày đêm cành lá lại xanh tươi như cũ. Bồ Tát đến Ngũ Trang quán quả thật cứu được cây nhân sâm. Hơn nữa ở hồi thứ bốn mươi hai, nước Cam Lộ có thể dập được lửa Tam muội, mà thứ lửa này tượng trưng cho tính tình nóng nảy cùng cái tâm sân hận của Hồng Hài Nhi. Với đặc tính tinh khiết, rất trong, mát, và thơm ngọt, nước Cam Lộ tượng trưng cho sự từ bi, có thể hóa giải được ân oán và lòng sân hận trong lòng chúng sinh. 

***

Như vậy trong câu chuyện trộm nhân sâm quả kể trên, ta có thể rút ra ba ý chính như sau: 

Thứ nhất, chuyến đi Linh Sơn thỉnh kinh đồng thời cũng là quá trình tu luyện đề cao tâm tính của thầy trò Đường Tăng. Ngoài việc thầy trò phải vượt qua ma nạn và khảo nghiệm, thì khi gặp những tình huống khó khăn ngặt nghèo vẫn luôn có các vị Thần, Phật, Tiên, Đạo đứng ra giúp đỡ giải quyết. 

Thứ hai, ba đồ đệ đã rơi rớt tâm tính một cách đáng thương, nhưng hối cải lập công chuộc tội mới là điều đáng quý. Không sợ vấp ngã, chỉ sợ vấp ngã mà không đứng lên. 

Thứ ba, nước Cam Lộ tượng trưng cho lòng từ bi có thể hóa giải những ân oán, bởi nếu không từ bi tha thứ thì ân ân oán oán khi nào mới dứt. Từ bi có thể cứu vớt sinh mệnh (cây nhân sâm), dập tắt ngọn lửa tức giận trong tâm (Hồng Hài Nhi). Từ bi mang sức mạnh thật to lớn. 

Qua quan ải này thì cuộc hành trình vẫn tiếp tục: 

Khi anh gồng gánh, tôi dắt ngựa
Đón ánh bình minh, đuổi tà ma
Đạp bằng gập ghềnh, ta đi tới
Chiến thắng hiểm nguy bao ngày qua.
Lại xuất phát, nào cùng xuất phát…

Video: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký

videoinfo__video3.dkn.tv||48868aefb__