Lão Tử – người sáng lập ra Đạo giáo – nổi tiếng với tác phẩm Đạo Đức Kinh. Đương thời, Khổng Tử đã ví Lão Tử như “Rồng trong mây” vì sự uyên thâm phi phàm của Ông. Lão Tử có một câu nói nổi tiếng về Đạo: “Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi, trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong, hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi, bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo” (Kẻ sĩ bậc thượng thấy Đạo liền chuyên cần tu luyện, kẻ sĩ bậc trung thấy Đạo thì lúc tu lúc không, kẻ hạ sĩ thấy Đạo thì hết sức cười chê. Hạ sĩ mà không chê cười thì Đạo ấy chưa đủ gọi là Đạo). Vì sao lại như vậy?

Thế nào là kẻ sĩ bậc thượng? Trong giới tu luyện luôn coi trọng cơ duyên, do vậy họ chính là những người có căn cơ duyên phận rất lớn với Đạo. Khi thấy Đạo họ liền có cảm thấy như tìm được điều mình hằng chờ đợi bấy lâu, cho nên họ rất tự nhiên đắc được và chuyên cần tu luyện. Hơn nữa, trong quá trình tu luyện họ cũng thường dễ dàng ngộ ra tầng tầng pháp lý hơn người khác.

Điều gọi là duyên phận ấy liên quan đến nguồn gốc sinh mệnh và quá trình diễn tiến của sinh mệnh tích lũy nên. Chúng ta đã từng nghe về câu chuyện Đường Tăng xuất phát điểm là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật Thích Ca. Ông cũng qua quá trình tu luyện gian khổ trong 9 kiếp, đến khi chuyển sinh thành Đường Huyền Trang ngộ được Phật Pháp, tu thành chính quả.

Với kẻ sĩ bậc trung, chỉ có thể nói rằng duyên phận của họ không lớn, có thể kết hợp với thói quen nghiêm túc không cao trong cuộc sống. Khi thấy Đạo thì họ không có cảm giác trân quý nhưng lại mang theo thói quen của cuộc sống vào tu luyện. Do vậy khả năng ngộ Đạo của họ thường bị hạn chế, nhiều trường hợp dễ dàng buông lơi hoặc từ bỏ tu luyện.

Vậy thì với bậc mà Lão Tử phân thành hạ sĩ, tại sao khi thấy Đạo họ lại chê cười thật lớn? Bởi vì tu luyện vốn cần một chữ “ngộ”, đại ý là khả năng nhận thức được các pháp lý siêu xuất khỏi đời thường. Ví dụ tu luyện có xu hướng coi nhẹ danh lợi, trong khi đời thường lại coi trọng danh lợi và các loại dục vọng. Thậm chí với nhiều người thì danh lợi và dục vọng là mục đích chính của cuộc sống. Nếu không có những thứ ấy thì cuộc sống của họ sẽ trở nên vô vị. Do vậy khi nghe nói đến Đạo gì đó lại coi nhẹ danh lợi và dục vọng thì họ không thể nào hiểu được. Họ dễ dàng cười chê, thậm chí là phỉ báng những người tu luyện.

Hình vẽ về Lão Tử cưỡi trâu rời Trung Hoa (ảnh: Wikipedia).

Thực ra, trong lịch sử các Bậc Đại Giác từ bỏ danh lợi để đi tu luyện như Đức Thích Ca Mâu Ni đã là những ví dụ điển hình cho đặc điểm siêu xuất khỏi đời thường của giới tu luyện. Có tới 51 người trong 56 người đầu tiên được Phật cứu độ đều là công tử gia tộc giàu có của nước Ba La Nại. Thế Tôn về nước thuyết giảng Phật Pháp, có 500 đệ tử xuất thân trong vương tộc quyền quý, nhân phẩm, dung mạo thập toàn đều theo Phật xuất gia.

Đó là trong Phật Gia, trong Đạo Gia cũng tương tự. Gia Cát Lượng vốn là người tu Đạo nên Lưu Bị phải đích thân ba lần mời phò tá mới được ông miễn cưỡng chấp thuận. Trương Lương sau khi phò Hán Cao Tổ Lưu Bang thành sự cũng rời bỏ công danh vào núi tu Đạo.

Tại sao Lão Tử lại nói rằng kẻ hạ sĩ mà không chê cười thì Đạo ấy chưa đủ gọi là Đạo (bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo)? Bởi vì Đạo thì có tiểu Đạo và Đại Đạo, cho nên với các tiểu Đạo thì dù sao đạo lý của nó cũng gần với nhận thức của đời thường hơn. Cho dù là kẻ hạ sĩ thì đạo lý của tiểu Đạo họ cũng hiểu được đôi chút, do vậy họ không thấy quá huyền hoặc xa lạ mà chê cười. Nhưng còn Đại Đạo thì sao? Các đạo lý của nó thì kẻ hạ sĩ đương nhiên không thể ngộ được, cho nên họ thường chê cười. Họ không chê cười thì Đạo ấy chưa đủ gọi là Đại Đạo.

Thực ra, nếu nói một cách nghiêm khắc thì đạo lý của Đại Đạo, Đại Pháp là không cho phép kẻ hạ sĩ ngộ được. Bởi vì nếu dễ dàng ngộ được Đại Đạo, Đại Pháp thì yêu cầu về căn cơ duyên phận tích lũy trong quá trình của sinh mệnh cũng như nguồn gốc của sinh mệnh sẽ trở nên vô nghĩa. Việc tu luyện vốn là siêu thường ấy cũng trở thành việc tầm thường. Tất nhiên cụm từ “Hạ sĩ” không có ý khinh miệt, nó chỉ đơn giản là chỉ những người bình thường vốn không có căn cơ duyên phận với tu luyện Đại Đạo, Đại Pháp.

Trong lịch sử tất cả các môn tu luyện Đại Đạo, Đại Pháp phổ truyền trong xã hội đều từng bị bức hại bởi các lực lượng thế tục, chủ yếu là các lực lượng cầm quyền. Lý do của bức hại dù có thể lý giải từ nhiều giác độ, nhưng một phần đều liên quan đến việc nhiều người do không hiểu được pháp lý của Đại Đạo, Đại Pháp nên từ chê cười có thể dẫn đến phản đối và bức hại người tu luyện.

Theo quy luật lại khiến cho tất cả các chính quyền bức hại tu luyện ấy bị sụp đổ. Từ phương tây như chính quyền La Mã vốn bức hại Cơ Đốc Giáo cho đến bốn triều đại lịch sử gọi là “tam Vũ nhất Tông” tại Trung Quốc đều sụp đổ vì bức hại. Tại Trung Quốc ngày nay, chính quyền Trung Quốc do bức hại tất cả các tín ngưỡng tu luyện, nên dù mới qua vài chục năm nắm quyền nhưng gần đây đang tỏ ra lung lay sụp đổ. Vô số cá nhân cũng vì hùa theo phỉ báng hay bức hại tu luyện mà chịu quả báo liên lụy.

Tu luyện xưa nay vốn là siêu thường nên luôn luôn tồn tại khoảng cách nhất định với quan niệm cuộc sống đời thường. Đại Đạo, Đại Pháp chính là điều mà những người tầm đạo trông ngóng, nhưng cũng dễ trở thành điều mà nhiều người trong đời thường chê cười chế giễu. Hiểu được cái lý này có thể khiến nhiều người trầm tĩnh hơn khi đối diện với Đạo, ít nhất cũng tránh đi việc hùa theo chê cười hay phỉ báng, thậm chí bức hại để chịu hậu quả liên đới không đáng có.