Chu Vĩnh Khang là thân tín quan trọng của cựu độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân, là người nắm giữ “cán đao” cho Giang, là quan chức cấp cao nhất bị ĐCSTQ điều tra sau sự sụp đổ của Giang Thanh và “Tứ nhân bang” vào những năm 1970.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, được truyền thông nước ngoài mệnh danh là “Sa hoàng chính pháp” do dùng bạo lực duy trì ổn định và không ngừng khuếch trương quyền lực của hệ thống chính pháp. Ông ta cũng là thân tín trọng yếu của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo độc tài của ĐCSTQ, thay Giang nắm chắc “cán dao”.

Tuy nhiên, sau khi thất thế, ông ta bị cầm tù và trở thành quan chức cấp bậc cao nhất bị ĐCSTQ điều tra sau sự sụp đổ của Giang Thanh và “Tứ nhân bang” vào những năm 1970, người nhà và phe cánh của ông ta cũng phải chịu chung số phận.

Chu Vĩnh Khang có phải là “bia đỡ đạn cao tầng” trong cuộc nội đấu của ĐCSTQ? Việc ông ta ngã ngựa có hay không nguyên nhân thâm sâu khác? Hôm nay chúng tôi sẽ kể với các bạn về chủ đề này.

Chu Vĩnh Khang là thân tín quan trọng nhất của Giang Trạch Dân

Chúng ta bắt đầu từ khi Giang đề bạt trọng dụng Chu làm bộ trưởng Bộ Công an.

Quyền lực mà ĐCSTQ coi trọng nhất là nòng súng – quân quyền; một nữa là cán đao – đại quyền chính pháp; mà trong đại quyền chính pháp, thì Bộ Công an có địa vị quan trọng nhất.

Năm 2002, Giang đề bạt Chu làm bộ trưởng Bộ Công an. Trong thời gian giữ chức bộ trưởng Bộ Công an, Chu Vĩnh Khang trước sau còn giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, bí thư Ban Bí thư Trung ương, ủy viên Quốc vụ viện, chính ủy thứ nhất Bộ đội Cảnh sát Vũ trang, phó bí thư Ủy ban Chính trị – Pháp luật Trung ương.

Một thân nắm giữ sáu chức vụ, cho thấy Giang tín nhiệm và coi trọng Chu đến mức nào. Chính vì điều này mà Chu đã trở thành bộ trưởng Bộ Công an, địa vị tối cao của ĐCSTQ kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa. Nhìn lại lịch sử xây dựng chính quyền của ĐCSTQ, chỉ có Tạ Phú Trạch, bộ trưởng Bộ Công an trong niên đại Cách mạng Văn hóa là có địa vị tương đương với Chu Vĩnh Khang.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 17 của ĐCSTQ năm 2007, Chu Vĩnh Khang “thăng một tầng lầu”, được Giang đề bạt làm ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, thay Giang nắm “cán đao”, trở thành lãnh đạo tối cao của công an, kiểm sát, pháp viện (tòa án), tư pháp.

Khi ông ta làm bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, quyền lực của Ủy ban này nhanh chóng bành trướng, được gọi là “Trung ương thứ hai”. Chu còn được ngoại giới gọi là “sa hoàng chính pháp”.

Chu Vĩnh Khang bị kết án tù chung thân

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ năm 2012, Chu Vĩnh Khang thoái hưu, Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Trung ương ĐCSTQ, chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Vào tháng 1 năm 2013, Tập Cận Bình phát động đả hổ chống tham nhũng với mục đích đoạt lấy quyền lực tối cao trong tay của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng. Trong 5 năm đầu tiên sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đả tổng cộng 440 “con hổ”, trong đó con lớn nhất chính là Chu Vĩnh Khang.

Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ báo cáo, ngày 1/12/2013, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã họp và quyết định điều tra vấn đề Chu Vĩnh Khang. Nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin, kể từ ngày 1/12/2013, Chu Vĩnh Khang bị “quản thúc tại gia” và thực tế đang trong tình trạng “cách ly thẩm tra”.

Hơn bảy tháng sau, vào lúc 18h tối ngày 29/7/2014, Tân Hoa Xã phát bố thông tin Chu Vĩnh Khang chính thức bị lập án thẩm tra.

Hơn ba tháng sau, vào lúc 0 giờ sáng ngày 6 tháng 12 năm 2014, Tân Hoa Xã thông báo Chu Vĩnh Khang bị khai trừ khỏi đảng, các vấn đề bị tình nghi phạm tội của ông ta sẽ được chuyển cho cơ quan tư pháp để xử lý. Cùng ngày, Chu Vĩnh Khang chính thức bị bắt.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 2015, Chu Vĩnh Khang bị buộc tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức quyền, cố ý tiết lộ bí mật quốc gia, và bị Tòa án Trung cấp số 1 Thiên Tân kết án tù chung thân.

Tòa cáo buộc Chu Vĩnh Khang nhận hối lộ tổng trị giá 129 triệu nhân dân tệ khi giữ các chức vụ phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, bộ trưởng Bộ Công an, ủy viên Quốc vụ viện, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương. Chu đã lạm dụng quyền lực khiến thân hữu trục lợi phi pháp, thu về 2,136 tỷ nhân dân tệ, tạo thành tổn thất kinh tế 1,486 tỷ nhân dân tệ, dẫn đến tổn thất trọng đại đối với tài sản công, lợi ích của quốc gia và nhân dân; Chu còn vi phạm quy định bảo mật, cố tình làm rò rỉ 5 tài liệu tuyệt mật, 1 tài liệu cơ mật.

Hiện nay, Chu Vĩnh Khang đang phải trải qua mỗi ngày ở giám ngục Tần Thành.

Người nhà Chu Vĩnh Khang cũng chịu chung số phận

Khi Chu Vĩnh Khang thăng quan tiến chức vùn vụt, đại gia đình ông ta được trục lợi, khi ông ta ngã ngựa, cả gia đình cũng tan tác.

Sau khi Chu bị bắt, các thành viên trong gia đình ông ta, bao gồm vợ hai Giả Hiểu Diệp, kém ông ta 27 tuổi, con trai trương Chu Tân, con dâu trưởng Hoàng Uyển, con trai thứ hai Chu Nguyên Hưng, con trai thứ ba Chu Nguyên Thanh, con dâu thứ ba Chu Linh Anh, cháu trai Chu Phong và những người khác, tất cả đều bị mang đi điều tra.

Sau đó, vợ của Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp bị kết án 9 năm tù và bị phạt 1 triệu nhân dân tệ, đã ly hôn với Chu; con trai trưởng của Chu là Chu Tân bị kết án 18 năm tù và bị phạt 350 triệu nhân dân tệ; Con dâu trưởng của Chu, Hoàng Uyển, người Mỹ gốc Hoa, bị kết án hai năm rưỡi tù giam, hoãn hình 3 năm, đến nay vẫn không được phép rời khỏi Trung Quốc; Cháu trai của Chu, Chu Phong, bị kết án 12 năm tù và bị phạt 59 triệu nhân dân tệ. Anh trai thứ hai của Chu, Chu Nguyên Hưng, qua đời vì bạo bệnh vào đầu năm 2014 sau khi nhà bị tịch thu và thẩm tra vì có liên quan đến “tài sản khổng lồ nguồn gốc bất minh của nhân viên công tác phi quốc gia”.

Đúng là “Mắt nhìn hắn xây lầu Chu, mắt nhìn hắn yến tân khách, mắt nhìn hắn lâu đài đổ sụp”.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang

Làm sao Chu, kẻ một thời quyền khuynh thiên hạ, không ai bì kịp, lại có thể trở thành tù nhân chỉ sau một đêm? Tiến sĩ Vương Hữu Quần tin rằng có thể có ba nguyên nhân chính:

Đầu tiên, Chu liên quan đến chính biến lật đổ Tập

Có hai thuyết pháp về sự tham gia của Chu Vĩnh Khang trong cuộc đảo chính chống Tập:

Thuyết pháp đầu tiên là: Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, lúc đó là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã liên thủ lật đổ Tập Cận Bình.

Chu và Bạc đã bí mật thương nghị, rằng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, Bạc Hy Lai sẽ kế nhiệm Chu Vĩnh Khang làm ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương; Sau đó, khi có thời cơ thích hợp, sẽ thông qua chính biến để lật đổ Tập Cận Bình, do Bạc Hy Lai đến thay thế.

Tin tức này đã bị rò rỉ sang Mỹ vào ngày 6 tháng 2 năm 2012, sau khi Vương Lập Quân, cựu cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh, đào thoát sang Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô; Khi Tập Cận Bình đến thăm Mỹ vào tháng 2 năm 2012, Mỹ đã tiết lộ tin tức này cho Tập Cận Bình.

Thuyết pháp thứ hai là: Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch, lúc đó là chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, đã liên thủ lật đổ Tập.

Vào lúc 4 giờ sáng ngày 18 tháng 3 năm 2012, con trai duy nhất của Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Cốc và hai người phụ nữ lái chiếc xe thể thao Ferrari, đã gặp tai nạn ô tô gần cầu Bảo Phúc Tự ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, Lệnh Cốc tử vong tại chỗ.

Sau vụ việc, truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài đưa tin, nhưng tin tức này lại bị phong tỏa nghiêm mật ở Trung Quốc. Caixin sau đó tiết lộ rằng sau vụ tai nạn xe hơi, “Để che đậy nguyên nhân cái chết của con trai mình, Lệnh Kế Hoạch đã đạt được một thỏa thuận chính trị nhất định với người đứng đầu hệ thống chính pháp lúc bấy giờ (Chu Vĩnh Khang). Tuy nhiên, thỏa thuận này đã ngay lập tức bị bại lộ, con đường chính trị của Lệnh Kế Hoạch bị đảo ngược.” 

Thỏa thuận chính trị nào? Chính là tham gia vào cuộc đảo chính lật đổ Tập.

Thuyết pháp này được đích thân Lưu Ngạn Bình, lúc đó là bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Bộ Công an của ĐCSTQ, kể lại.

Ngày 24 tháng 5 năm 2017, khi Lưu Ngạn Bình tới New York để đàm phán với Quách Văn Quý, ông ta đã nói về âm mưu đoạt quyền giữa Lệnh Kế Hoạch và Chu Vĩnh Khang, còn bị ghi âm. Lưu Ngạn Bình nói:

“Vấn đề lớn nhất của (Lệnh Kế Hoạch) là ông ấy chống lại chủ tịch Tập”, “Có bằng chứng thuyết phục về âm mưu chiếm đoạt đảng”. Nếu kế hoạch của họ thành công, “Chu Vĩnh Khang sẽ tiếp tục lưu nhiệm (Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ) và trở thành ủy viên trưởng (Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc). Ông ta (Lệnh Kế Hoạch) sẽ là thường ủy (Bộ Chính trị ĐCSTQ) phụ trách tổ chức.” Đến thời điểm diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 20, Lệnh Kế Hoạch sẽ thay thế Tập Cận Bình.

Chu Vĩnh Khang bị chính quyền Tập Cận Bình mô tả là một “kẻ dã tâm, kẻ âm mưu”, “mưu đồ giành lấy quyền lực của đảng và quốc gia”, khả năng liên quan đến “Chính biến Bạc, Chu” và “Chính biến Lệnh, Chu”.

Nguyên nhân thứ hai khiến Chu Vĩnh Khang ngã ngựa, là tham nhũng nghiêm trọng

Quan phương ĐCSTQ đề cập số tiền nhận hối lộ của Chu Vĩnh Khang chỉ là 129 triệu nhân dân tệ, nhưng số tiền thực tế chắc chắn còn cao hơn con số này rất nhiều. Căn cứ theo phán quyết, hành vi tham nhũng của Chu kéo dài trong một thời gian rất dài, bắt đầu từ nhiệm kỳ phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, đến chức vụ ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, suốt thời gian này đều tham nhũng.

Chu từng là phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc từ năm 1988 đến năm 1996. Ngay cả khi ông ta bắt đầu tham nhũng từ năm 1996 và nghỉ hưu vào năm 2012, thì ít nhất cũng đã 16 năm tham nhũng. Bản án tuyên bố Chu chỉ nhận hối lộ từ 5 người trong 16 năm. Đối với người có chút hiểu biết về quan trường ĐCSTQ, không ai sẽ tin điều này. Tình huống thực tế có thể là 50, 500 người, thậm chí nhiều hơn.

Vào tháng 3 năm 2014, Reuters dẫn lời các nguồn tin có quan hệ với các cấp cao nhất của ĐCSTQ, nói rằng án tham nhũng Chu Vĩnh Khang là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, chính quyền đã tịch thu tài sản trị giá ít nhất 90 tỷ nhân dân tệ.

Số tiền này bao gồm tiền gửi ngân hàng trị giá 37 tỷ nhân dân tệ, trái phiếu Trung Quốc và nước ngoài trị giá 51 tỷ nhân dân tệ, khoảng 300 tài sản trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ, đồ cổ, thư pháp và tranh vẽ trị giá 1 tỷ nhân dân tệ, v.v. Ngoài ra, còn có hơn 60 chiếc ô tô, rượu vang đắt tiền nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài, vàng bạc, cũng như tiền mặt và ngoại tệ, v.v.

Chu Vĩnh Khang rốt cuộc tham nhũng bao nhiêu tiền? Nhất thời, ngoại giới khó có thể nói rõ ràng, nhưng đối với người dân trăm họ mà nói, thì đó khẳng định là một con số thiên văn. Chu không chỉ tham tiền tham tài, mà còn cực kỳ háo sắc. Báo cáo xem xét của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết Chu “đã ngoại tình với nhiều phụ nữ và tham gia vào các giao dịch tiền sắc, quyền sắc”.

Nguyên nhân thứ ba khiến Chu Vĩnh Khang ngã ngựa là do bức hại Pháp Luân Công

Tiến sĩ Vương Hữu Quần tin rằng đây là tội ác nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ. Năm đó, nguyên nhân quan trọng nhất khiến Giang Trạch Dân đề bạt trọng dụng Chu Vĩnh Khang là muốn dựa vào Chu làm kẻ tổng đại lý cho ông ta trong việc đàn áp Pháp Luân Công.

Từ năm 2002 đến năm 2007, khi Chu còn là bộ trưởng Bộ Công an, ông ta là người chịu trách nhiệm cao nhất về cuộc bức hại Pháp Luân Công trong hệ thống công an của ĐCSTQ. Từ năm 2007 đến năm 2012, khi Chu giữ chức vụ ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, ông ta là người chịu trách nhiệm cao nhất về cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong hệ thống chính trị và pháp luật của ĐCSTQ. Tội ác lớn nhất trong cuộc bức hại Pháp Luân Công của Chu là nạn thu hoạch nội tạng quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Hà Thanh Liên, một học giả Mỹ gốc Hoa, từng viết một bài báo trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: “Trước và sau khi Chu đảm nhiệm Bộ Công an và Ủy ban Chính pháp, Trung Quốc đã trở thành quốc gia cấy ghép nội tạng lớn nhất thế giới.” Trước khi Chu trở thành bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2002, những người khác phải chịu trách nhiệm; “Trách nhiệm từ năm 2002 trở về sau, Chu Vĩnh Khang không thể trốn tránh”.

Vào ngày 15 tháng 3 năm 2015, Hoàng Khiết Phu, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế của ĐCSTQ, tiết lộ trên đài Phượng Hoàng TV của Hồng Kông, rằng việc hủy bỏ cấy ghép nội tạng từ các tử tù ở Trung Quốc đại lục và việc Chu Vĩnh Khang ngã ngựa là có liên quan, Chu Vĩnh Khang liên quan đến “chuỗi lợi ích cấy ghép nội tạng và nguồn nội tạng”.

Hoàng Khiết Phu nói trong chương trình: “Chu Vĩnh Khang là một ‘con hổ lớn’. Chu Vĩnh Khang là bí thư Ủy ban Chính pháp của chúng tôi, nguyên lai là thường ủy Bộ Chính trị. Mọi người đều biết điều này. Báo chí ngày ngày đều nói về bối cảnh của ông ta… Nguồn nội tạng của tử tù đến từ đâu? Điều này không phải rất rõ ràng sao?

Kể từ năm 2001, Chu Vĩnh Khang đã bị các học viên Pháp Luân Công ở hơn 10 quốc gia kiện vì tội bức hại Pháp Luân Công. Ví dụ, ở Mỹ vào ngày 27 tháng 8 năm 2001, ở Pháp vào ngày 21 tháng 7 năm 2006, ở Úc vào tháng 11 năm 2008 và ở Tây Ban Nha vào tháng 11 năm 2009, Chu Vĩnh Khang bị buộc tội “diệt chủng”, “tra tấn” và “tội ác chống lại loài người”. Phải nói rằng sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang cũng là biểu hiện cụ thể cho quả báo tà ác mà ông ta phải gánh chịu vì đã bức hại Pháp Luân Công.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch​