“Quốc hiệu của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự xưng ‘Nước Cộng hòa Nhân dân’, nhưng trong con mắt của ĐCSTQ, căn bản không có nhân dân, nhân dân chỉ là ‘cây hẹ’, chỉ là những con cừu có thể bị tùy ý tàn sát” – Luật sư nhân quyền Ngô Thiệu Bình.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Ngô Thiệu Bình nguyên là một luật sư nhân quyền ở Thượng Hải, người đã đại diện cho một số vụ án mẫn cảm, bị ĐCSTQ đối xử thô bạo và phi pháp. Khi một số đồng nghiệp và bạn bè của ông lần lượt bị bắt giữ phi pháp, ông cảm thấy nguy hiểm đã cận kề, nên quyết định chạy trốn khỏi Trung Quốc.

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2019, Ngô Thiệu Bình bay từ Quảng Châu đến Hồng Kông, và chuyển tiếp sang Mỹ.

Năm 2023, ông được mời phát biểu tại cuộc mít tinh phản đối ĐCSTQ xâm nhập 7.1 ở New York, với bài diễn giảng “Tại sao chúng ta phản đối ĐCSTQ”. Ông đã kể lại ba câu chuyện mà chính bản thân ông đích thân trải nghiệm.

Hôm nay, chúng ta hãy lắng nghe ba câu chuyện do luật sư Ngô kể lại, để xem rốt cuộc có nên phản đối ĐCSTQ hay không nhé.

1. Luật sư bị đuổi khỏi tòa án

Câu chuyện đầu tiên mà luật sư Ngô Thiệu Bình kể: Vào ngày 14 tháng 2 năm 2019, ông làm luật sư bào chữa cho một vụ án ở Ninh Hạ. Ngày diễn ra phiên tòa tình cờ là ngày lễ tình nhân, vốn dĩ là một ngày đầm ấm lãng mạn, nhưng đối với ông mà nói, nó lại chẳng hề lãng mạn chút nào, bởi vì khi ông đang thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình với tư cách một luật sư, ông đã bị chủ tọa phiên tòa cưỡng chế trục xuất khỏi tòa án.

Ngô Thiệu Bình nói: “Tôi là người biện hộ cho bị cáo. Theo quy định của Luật tố tụng hình sự của ĐCSTQ, thời gian để tôi phát ngôn thuộc về giai đoạn mà người biện hộ bày tỏ lập luận của mình, đây là thời gian chỉ dành cho luật sư phát biểu. Tôi đã không phát biểu trước tòa ngôn luận phản đối ĐCSTQ, tất cả các ngôn luận đều xoay quanh sự thật và bằng chứng của vụ án mà triển khai, và tòa án không có bất cứ lý do gì để ngăn cản tôi phát biểu, chứ đừng nói đến việc trục xuất tôi khỏi tòa án”.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho rằng ông đã “gây rối loạn trật tự phiên tòa”. Tại sao?

Ngô Thiệu Bình nói: “Sự thật rất đơn giản, đó là viên cảnh sát được yêu cầu làm chứng trước tòa sáng hôm đó, trong cuộc thẩm vấn tại tòa án của chúng tôi, khi có hơn chục người do ĐCSTQ sắp xếp đang theo dõi, buộc phải thừa nhận trước mặt những người này rằng ‘Biên bản hỏi cung’ đã bị cảnh sát làm giả… Chúng tôi đã tiết lộ trước tòa rằng toàn bộ vụ án hoàn toàn được đóng khung để vu hãm bị cáo Loan Ngưng, điều này đã phơi bày biểu hiện quá thối nát của công tố viên và cơ quan công an, và tòa án cũng làm bậy hết sức”.

Vậy, bị cáo Loan Ngưng là ai?

Ông là một học viên Pháp Luân Công, nguyên là quan viên cấp phó Sở Nhân sự Khu tự trị Ninh Hạ. Theo Loan Ngưng, ông từ nhỏ đã có sức khỏe kém, hai lần mắc bệnh gan, khi học đại học, vì viêm gan mà phải nghỉ học giữa chừng. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, ông đã hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Hơn nữa, ông đã tuân thủ nghiêm khắc chuẩn tắc “Chân, Thiện, Nhẫn” để trở thành một người tốt, biểu hiện rất tốt về các phương diện.

Vào tháng 1 năm 1997, Loan Ngưng tự nguyện đề xuất đến huyện Đồng Tâm, miền núi phía nam Ninh Hạ để tham gia xóa đói giảm nghèo, năm đó ông được vinh danh là “Nhà công tác xóa đói giảm nghèo tiên tiến của khu tự trị” và được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Trung tâm Giáo dục của Sở Nhân sự; Năm 1998, ông được Sở Nhân sự khen thưởng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Trước khi tu luyện, ông từng mua một căn nhà, được đơn vị công tác trợ cấp 30.000 nhân dân tệ; sau khi tu luyện, ông cảm thấy rằng số tiền đó không phải do lao động của bản thân mình kiếm được, vì vậy ông đã trả lại số tiền này cho đơn vị công tác.

Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công. Loan Ngưng đã bị bắt, giam giữ và tra tấn bất hợp pháp nhiều lần chỉ vì kiên trì tín ngưỡng của mình. Trước đây, ông đã hai lần bị kết án phi pháp, một lần 3 năm và một lần 4 năm.

Sau khi Ngô Thiệu Bình tiếp nhận vụ án của Loan Ngưng, ông đã xem xét hồ sơ, phát hiện kiểm sát viên đã cáo buộc Loan Ngưng “gửi thư cho nhiều người”, “tội lợi dụng tổ chức X giáo phá hoại việc thực thi pháp luật”, “tội kích động lật đổ chính quyền quốc gia” để truy tố ông.

Vào ngày diễn ra phiên tòa, luật sư Ngô Thiệu Bình đã liệt kê tổng cộng 13 luận cứ để chứng minh, rằng bất luận là về mặt luật pháp, sự thật, bằng chứng hay trình tự, Loan Ngưng đều vô tội.

Ngay khi Ngô Thiệu Bình tuyên đọc lời biện hộ cuối cùng của mình theo pháp luật, ông nghe thấy một tiếng hét từ băng ghế của thẩm phán: “Đừng để ông ta nói! Lôi ông ta xuống đi!” Ngô Thiệu Bình nỗ lực tranh biện, nói lớn: “Thẩm phán trưởng, xin ngài cho phép tôi nói xong lời biện hộ của mình…”

Thẩm phán ngắt lời ông bằng một câu khác “Lôi ông ta xuống đi! Đi!” Đúng lúc này, hai cảnh sát tòa án xông vào, cưỡng chế luật sư Ngô và đuổi ra khỏi phòng xử án.

Một tháng sau, Loan Ngưng bị kết án phi pháp chín năm tù.

Một người vô tội bị kết án 9 năm tù; Một luật sư biện hộ bảo vệ sự vô tội của bị cáo đầy đủ với bằng chứng và lý lẽ đã bị trục xuất khỏi tòa án. Công lý ở đâu? Chính nghĩa ở đâu? Nhân quyền ở đâu?

2. Người dân bị cướp ruộng đất, cưỡng chế phá dỡ nhà tìm con đường sống

Câu chuyện thứ hai mà Ngô Thiệu Bình kể là về một đương sự khác, Vương Hòa Anh, người Côn Sơn, Tô Châu, một nàng dâu ngoại quốc, một bà mẹ đơn thân. Chính quyền thành phố Côn Sơn của ĐCSTQ trong quá trình thúc đẩy xây dựng đô thị hóa đã xâm chiếm phi pháp 11 mẫu đất nông nghiệp của cô, căn nhà của cô cũng bị cưỡng chế phá dỡ. Toàn bộ quá trình hoàn toàn không có bất kỳ trình tự pháp định nào. Vương Hòa Anh đã không ký bất kỳ văn bản pháp luật nào, cũng không hề nhận được khoản bồi thường hợp lý.

Do đó, cô và một bộ phận dân làng bị mất đất khác bắt đầu bảo vệ quyền lợi của họ. Họ khởi kiện hành chính, kết quả bị thua kiện, họ khiếu kiện lên trên nhưng bị bắt và bị đánh đập. Sau nhiều lần va vào tường, rất nhiều người cho rằng “cánh tay vặn không lại đùi to” và bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng Vương Hòa Anh không chấp nhận lý do này, kiên trì bảo vệ quyền lợi của mình.

Vào nửa đầu năm 2018, Vương Hòa Anh đã chỉ định luật sư Ngô Thiệu Bình đại diện cho trường hợp của cô. Luật sư Ngô đã nộp rất nhiều đơn kiện cho cô ấy, nhưng tất cả đều thua hoặc bị bác bỏ.

Một trong những bước tố tụng hành chính liên quan đến việc cảnh sát giam giữ phi pháp. Vào ngày 28 tháng 2 năm 2018, trước thềm “phiên họp Lưỡng Hội” của ĐCSTQ, người khiếu kiện Vương Hòa Anh đã bị bắt cóc từ Bắc Kinh đưa về Côn Sơn bởi những nhân viên không rõ danh tính.

Khi đó, luật sư Ngô vì không liên lạc được với cô, đã đưa một số người bạn từ Thượng Hải đến Côn Sơn để tìm cô ấy. Họ báo cảnh sát với lý do “có người mất tích”, nhưng cảnh sát địa phương từ chối lập án. Cuối cùng, dưới áp lực của luật sư, cảnh sát phải thừa nhận người này không mất tích, mà là bị họ khống chế. Tuy nhiên, cảnh sát từ chối tiết lộ nơi Vương Hòa Anh bị giam giữ, và cũng từ chối cho biết khi nào cô sẽ được thả.

Mãi cho đến khi Vương Hòa Anh ra ngoài, luật sư Ngô mới biết rằng cô ấy đã bị hơn chục người giam giữ phi pháp trong một khách sạn, cửa sổ bị tấm đệm lớn chắn nên cô không thể nhìn thấy ánh sáng bên ngoài, và cũng không biết là ngày hay đêm. Để được tự do, cô bắt đầu tuyệt thực. Mãi đến ngày 21 tháng 3 năm 2018, cô mới được thả, một ngày sau khi kết thúc “Họp Lưỡng Hội” của ĐCSTQ.

Để truy tố hành vi phạm tội trắng trợn này, vào ngày 27 tháng 3 năm 2018, luật sư Ngô đã gọi đến nền tảng báo động 110 Côn Sơn để báo cảnh sát, đồng thời ghi chép và nộp bằng chứng liên quan tại đồn cảnh sát địa phương vào đêm hôm đó. Nhưng cảnh sát không những không lập án, mà thậm chí còn không đưa biên nhận trình báo. Luật sư Ngô đã đệ đơn kiện cảnh sát vì vi phạm pháp luật, lại bị bác bỏ; Thượng cáo cũng bị bác bỏ.

Luật sư Ngô cho biết: “Loại sự việc cực kỳ khó tin này đang xảy ra hàng ngày ở Trung Quốc đại lục, những gì có thể bị giới truyền thông phanh phui hoặc chú ý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

Đất ruộng của công dân bị cưỡng chế trưng thu, nhà cửa bị cưỡng chế phá bỏ, dân oan bị bắt cóc, quyền tự do cá nhân bị tước đoạt phi pháp, quyền được giải quyết khiếu nại bị bức hại, từ công an đến tòa án, quan chức bảo vệ lẫn nhau, đường sống của dân chúng tầng thấp của Trung Quốc nằm ở đâu?

3. Cái chết ly kỳ không thể chất vấn

Trong câu chuyện thứ ba mà Ngô Thiệu Bình kể, đương sự liên án tên là Lý Thanh. Vào ngày 2 tháng 5 năm 2014, sau khi con gái của Lý Thanh tỉnh dậy, cháu phát hiện cha mình, Đái Quốc Quân không biết đã đi đâu, cửa nhà và cửa sân đều mở. Trưa ngày hôm sau, có người tìm thấy thi thể của Đái Quốc Quân bên bờ sông và gọi cảnh sát.

Một người hiền lành đột nhiên chết, đầy những nghi hoặc, người thân không cách nào lý giải và chấp nhận.

Theo trình tự công tác của cảnh sát, những người chết không rõ nguyên nhân cần làm khám nghiệm tử thi để loại trừ khả năng bị sát hại. Nhưng điều kỳ lạ là Phân cục Công an quận Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu đã tiến hành khám nghiệm tử thi nhưng lại không cấp “báo cáo khám nghiệm tử thi” cho Lý Thanh. Lý Thanh chưa được xem báo cáo khám nghiệm tử thi, từ chối ký vào đơn hỏa táng thi thể. Do đó, cảnh sát đã sử dụng một cán bộ thôn để ký tên của một người thân và hỏa táng thi thể.

Sau đó, Lý Thanh chiểu theo pháp luật, đề nghị công khai thư đồng ý hỏa táng và thư quyết định hỏa táng thi thể của chồng cô, nhưng đương cục không đưa. Sau đó, cô bất đắc dĩ phải đi kiện, kiện đi kiện lại không biết bao nhiêu lần, yêu cầu công an công bố báo cáo khám nghiệm tử thi, thư đồng ý hỏa táng và thư quyết định hỏa táng của chồng cô nhưng vẫn không được.

Luật sư Ngô nói rằng bất kể chồng cô là tự sát hay bị giết hại, cảnh sát cũng nên phải đưa cho cô ấy một “báo cáo khám nghiệm tử thi” sau khi khám nghiệm tử thi. Đây là nghĩa vụ pháp định của cảnh sát, không có bất cứ lý do nào để không làm như vậy. Việc người nhà yêu cầu được công khai thư đồng ý hỏa táng và thư quyết định hỏa táng cũng là hợp tình, hợp lý và hợp pháp.

Cuối cùng, Lý Thanh đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao, nhưng cũng bị Tòa án Tối cao bác bỏ.

Để ngăn cản cô tìm kiếm sự thật, ĐCSTQ thậm chí còn giam giữ Lý Thanh một cách bất hợp pháp tại nhà trong thời gian được gọi là nhạy cảm, thậm chí còn bắt giữ phi pháp.

Luật sư Ngô cho biết: “Trong một vụ án đơn giản như vậy, Lý Thanh muốn có ba văn thư pháp lý đáng lẽ phải được ĐCSTQ công khai: Báo cáo khám nghiệm tử thi, thư đồng ý hỏa táng và thư quyết định hỏa táng. Cô ấy đã kháng nghị trong gần 9 năm, nhưng đến nay vẫn không nhận được gì”.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc giảng: Nhân mệnh quan Thiên. Một người đang sống khỏe mạnh bỗng chết, vì sao mà chết? Gia thuộc muốn biết sự thật vốn là điều thường tình. Tuy nhiên, cả công an, viện kiểm sát và luật pháp của ĐCSTQ, cho đến Tòa án Tối cao, cũng đều từ chối cung cấp sự thật.

Từ việc xét xử vụ án cực kỳ đơn giản này mà xét, cơ quan công an, viện kiểm sát và luật pháp của ĐCSTQ, cái nào là “của nhân dân”? Cái nào đang bảo vệ lợi ích “của nhân dân”?

Suy nghĩ của luật sư Ngô

Luật sư Ngô Thiệu Bình cho biết: “Điều này khiến tôi liên tưởng đến số lượng lớn các trường hợp tử vong bất thường ở Trung Quốc đại lục trong thời gian dịch bệnh kéo dài 3 năm. Trong thời gian Thượng Hải đóng cửa đã phát sinh việc người ta chết đói tại nhà và vô số người nhiễm bệnh mà chết thậm chí còn không được tính trong con số thống kê mà ĐCSTQ đưa ra, người nhà đến cơ sở hỏa táng đều bị cấm chụp ảnh, thậm chí cả tang sự cũng bị cấm đoán. Có thể thấy,  dưới sự thống trị của ĐCSTQ, mạng sống của người dân Trung Quốc bị coi rẻ như cỏ dại, mà chuyện này lại xảy ra ở Trung Quốc trong thế kỷ 21, thật đáng buồn làm sao!”

Luật sư Ngô Thiệu Bình quy tất cả những tội ác này cho sự thống trị độc tài của ĐCSTQ.

Ông nói: “Ba câu chuyện xảy ra với tôi, hoặc bản thân tôi đã trải qua là những trường hợp điển hình về việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền cơ bản của người dân Trung Quốc ngày nay, liên quan đến việc ĐCSTQ xâm hại tư pháp, xâm hại tài sản, xâm hại quyền tự do nhân thân, xâm hại quyền sinh mạng v.v. của người dân Trung Quốc”.

“Những điều này có thể không xảy ra với mỗi người Trung Quốc, nhưng nếu chỉ vì bạn chưa trải qua chúng, không có nghĩa là bạn sẽ không gặp phải chúng. Ví dụ, một trong những người thân và bạn bè của bạn có thể đang hoặc đã trải qua những nỗi đau do ĐCSTQ chế tạo ra”.

Luật sư Ngô cho biết: “Từ khi ĐCSTQ kiến lập chính quyền cho đến ngày nay, vô số sự thật đã chứng minh: Trong từ điển thống trị của ĐCSTQ không hề có khái niệm văn minh chính trị hiện đại, mà chỉ có lợi ích của các gia tộc quyền quý của ĐCSTQ. Quốc hiệu của ĐCSTQ tự xưng ‘Nước Cộng hòa Nhân dân’, nhưng trong con mắt của ĐCSTQ, căn bản không có nhân dân, nhân dân chỉ là ‘cây hẹ’, chỉ là những con cừu có thể bị tùy ý tàn sát”.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch