Một người có số mệnh không như ý vẫn có thể cải biến được, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân người đó.

Mặc dù vận mệnh của con người là đã được Thượng Thiên an bài, nhưng kỳ thực vẫn có thể thay đổi được. Mọi người chỉ cần tích đức hành thiện, đây chính là cái phúc mà chúng ta tự tạo ra cho mình.

Có người cho rằng, làm việc thiện tích đức chỉ là dùng tiền cứu giúp người nghèo hoặc cho người nghèo vật chất của cải. Còn bản thân không đủ ăn thì làm sao nghĩ đến chuyện làm việc thiện kia chứ?

Làm việc thiện không nhất thiết phải có vật chất dư giả, điều quan trọng nhất là ở tấm lòng, ở cái tâm con người. Vào lúc người khác đang tuyệt vọng thì chỉ cần một câu nói, một ánh mắt, một nụ cười hay một nét mặt ôn hòa cũng đủ để cứu giúp một đời người.

Chỉ cần có tâm, thì một việc làm nhỏ cũng có thể tạo ra vô lượng công đức. Bởi vì, chính cái tâm lương thiện ấy đã là to lớn vô lượng. Thật tâm làm việc, không quản đó là việc lớn hay nhỏ, đều có công đức thực sự.

Thật tâm làm việc, không quản đó là việc lớn hay nhỏ, đều có công đức thực sự. (Ảnh: imdb.com)

Vào thời nhà Minh, ở Giang Tô có một thư sinh học rộng, hiểu biết nhiều và rất giỏi về viết văn, nên rất có danh tiếng ở địa phương tên là Trương Úy Nham.

Năm Giáp Ngọ, Trương Úy Nham bị đánh trượt khi tham gia thi trạng nguyên. Ngay trước bảng vàng anh trách mắng quan chủ khảo rằng “có mắt không tròng” và không biết nhìn người tài giỏi.

Lúc này có một vị đạo sĩ đi qua nghe thấy liền mỉm cười nói: “Vị thư sinh này, ta thấy văn chương của ngươi rất kém cỏi đấy!”

Trương Úy Nham không kìm được cơn giận mắng vị đạo sĩ: “Ngươi dựa vào cái gì mà cười ta? Ngươi đã đọc qua văn của ta chưa mà nói là không tốt?”

Vị đạo sĩ nói: “Ta nghe nói, viết văn điểm mấu chốt là ở tâm bình khí hòa. Hiện giờ, nghe ngươi trách mắng quan chủ khảo, ta thấy trong lòng ngươi vô cùng bất bình. Thế thì sao có thể viết văn hay được?” Trương Úy Nham nghe xong cảm thấy rất có lý, thế là liền hạ giọng mong muốn được đạo sĩ chỉ giáo.

Vị đạo sĩ nói: “Nếu như trong mệnh không có tên trong bảng vàng thì cho dù văn có hay đến thế nào đi nữa thì cũng không có gì trợ giúp được. Vấn đề căn bản nhất là phải cải biến bản thân mới được.”

Trương Úy Nham hỏi: “Làm thế nào để cải biến bản thân đây?”

Vị đạo sĩ nói: “Nếu như có thể thuận theo mệnh trời mà làm việc thiện, thì phúc báo sao có thể không đến đây?”

Trương Úy Nham thở dài nói:“Tôi chỉ là một thư sinh nghèo khổ, bần cùng thế này, làm gì có tiền mà làm việc thiện chứ?”

Vị đạo sĩ chậm rãi trả lời: “Hành thiện tu đức, quan trọng là ở cái tâm, yêu cầu trong tâm luôn có thiện niệm. Thêm vào đó là phẩm hạnh khiêm tốn, cẩn thận, luôn có tâm giúp đỡ người khác. Động cơ của hành thiện phải thanh khiết, hết thảy phải tuân theo thiên mệnh mà hành. Những điều này không cần tiền cũng có thể làm được. Vì sao ngươi không tu tỉnh lại bản thân mình mà phải đi trách mắng giám khảo? Đây là khuyết điểm của ngươi!”

Trương Úy Nham nghe xong vừa cảm động vừa tỉnh ngộ rồi cảm tạ vị đạo sĩ và ra về.

Từ đó về sau, Trương Úy Nham một lòng hướng thiện, nghiêm khắc yêu cầu mình tu thân, trở thành một người có nhân phẩm cao thượng. Anh ta trở về quê nhà dạy học, luôn nhắc nhở học trò rằng: “Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm.” Đồng thời, anh ta cũng khuyên bảo mọi người xung quanh phải hướng thiện nên được mọi người ca ngợi.

Ba năm sau, vào một đêm nọ, Trương Úy Nham mơ thấy bản thân mình bước vào một gian phòng cao và rộng lớn. Trong phòng có một cuốn danh sách, trên đó để rất nhiều khoảng trống chưa điền gì. Trương Úy Nham liền hỏi người canh giữ: “Đây là cái gì?“

Người này nói với Trương Úy Nham rằng: “Đây là danh sách những người trúng tuyển khóa thi năm nay. Nếu như trong ba năm nay mà người đó không mắc khuyết điểm thì tên của người đó mới được điền vào. Những hàng trống này, vốn là tên những người đỗ đạt nhưng mà vì có khuyết điểm nên đã bị xóa bỏ. Ba năm qua, ngươi tu thân hướng thiện nên sẽ có thể được điền tên trong này. Nếu như tương lai còn có thể kiên trì không ngừng hành thiện thì phúc đức là vô lượng. Hy vọng ngươi có thể tự biết quý trọng.”

Khóa thi năm đó, Trương Úy Nham quả nhiên trúng bảng vàng. Về sau ông cũng làm một người quan tốt, hết lòng vì dân, hưởng cuộc đời bình yên hạnh phúc, con cháu hưng thịnh. Trương Úy Nham luôn nhắn nhủ mọi người: “Hành thiện chính là bí quyết để sửa mệnh.”

Trời đất là vô tư, không thiên vị bất kể ai. Duy chỉ có “đức” là thân thiết, gần gũi với Trời và Đất. Cho nên, một chút đức sẽ tự chiêu mời một chút phúc báo. (Ảnh: pantip.com)

Người xưa có câu: “Trời đất là vô tư, không thiên vị bất kể ai. Duy chỉ có “đức” là thân thiết, gần gũi với Trời và Đất. Cho nên, một chút đức sẽ tự chiêu mời một chút phúc báo.”

Kỳ thực, con người vô luận là ở giai tầng nào, làm ngành nghề gì, sống ở hoàn cảnh nào đều có thể làm việc tốt, làm việc thiện. Bất kỳ thời điểm nào, đều nên bảo trì thiện niệm thì phúc báo mới có thể lâu dài, mới có được tương lai tươi sáng và tốt đẹp.

Đại Kỷ Nguyên bàn:

Văn hóa truyền thống luôn cho rằng, hết thảy danh tiếng, tài vận, phúc lộc của một người ở đời này đều là do phúc đức bản thân tự tạo ra. Người nào hành thiện tích đức, Thượng Thiên sẽ ban thưởng xứng đáng cho người ấy. Người xưa có câu “Người có đức mặc sức mà ăn”, có tài mà đức kém thì rất khó có thể thành công. Người không quá tài giỏi nhưng có đức thì vẫn có thể phát tài, phát lộc. Có thể thấy cuộc sống một người có no đủ hay không đều là từ “đức” mà ra.

Trương Uý Nham trước kia có tài nhưng đức mỏng, dù rất tự tin nhưng không thể đỗ trạng nguyên. Sau này chăm chỉ hành thiện, tích đức nên được ghi tên trong bảng vàng. Xã hội hiện đại trọng thực lực, tài năng, nhiều người tưởng rằng phải hơn người mới có chỗ đứng trong đời. Nhưng, mọi tài lộc của con người đều bắt nguồn từ đức. Sống không thiện, hay làm điều ác, gây tổn thương cho người khác thì khi phúc cạn, không thể có được danh vọng tiền tài.

“Đức” có thể bảo hộ con người suốt đời, còn “thiện” chính là chìa khóa để tích đức. Cho nên, thay vì tính toán quá nhiều hãy “hành thiện tích đức” thì cuộc đời mới bình an, phú quý.

“Hành thiện tích đức” là tinh hoa của văn hóa truyền thống, là thể hiện tâm tín Phật hướng thiện, kính sợ Thần linh, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Thiên lý thiện ác hữu báo này đã ước chế con người từ ngàn đời nay.

Có câu nói: “Phật chỉ xét nhân tâm”, vậy nên tâm tính mới là gốc của hành thiện và hành động ấy mới được Thần Phật chứng giám, thiện quả mới đơm hoa kết trái. (Ảnh: youtube.com)

Làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là “chân thiện”, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là “giả thiện”. Ví như, nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp hàng ngàn người cũng không có nghĩa lý gì; ngược lại, tâm chân thiện, thì dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc đức.

Cho dù một người làm việc thiện mà không ai biết thì Văn Xương Đế Quân – vị Thần chủ quản công danh phúc lộc – cũng sẽ âm thầm phù hộ và ban phước lộc cho người ấy. Có câu nói: “Phật chỉ xét nhân tâm”, vậy nên tâm tính mới là gốc của hành thiện và hành động ấy mới được Thần Phật chứng giám, thiện quả mới đơm hoa kết trái.

Chân Tâm