Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Trí Bá Dao nói thêm: “… Nhưng hôm nay ta mới biết thêm điều này, tuy sông có thể là công sự mang tính phòng ngự của quốc gia, cũng có thể diệt vong một nước”. Sau khi nghe lời này, Hàn Khang Tử thoáng nhìn Ngụy Hoàn Tử, ông thúc cùi chỏ vào người Ngụy Hoàn Tử còn Ngụy Hoàn Tử giẫm chân mình lên chân của ông. Tại sao lại như vậy? Hai người bọn họ đều nghĩ đến một chuyện rất đáng sợ.

Năm 455 TCN Đại phu nước Tấn là Trí Bá Dao mượn cớ đối kháng với nước Việt để lấy đất ba nhà là Hàn, Triệu, Ngụy. Triệu Tương Tử không đáp ứng nên bị liên quân ba nhà là Trí – Hàn – Ngụy tấn công. Thực lực nhà họ Triệu so với Hàn, Ngụy là xấp xỉ nhau, nhưng lại không bằng nhà họ Trí. Đối mặt với liên quân ba nhà nên tình thế Triệu gia lâm vào nguy cấp.

Triệu Tương Tử nghe theo di mệnh của phụ thân đến thành Tấn Dương. Bách tính nơi đó nhớ lại ân tình năm xưa của cha Triệu Tương Tử nên đồng tâm hiệp lực bảo vệ nhà họ Triệu. Vì thành Tấn Dương vừa cao vừa dày nên liên minh ba nhà tấn công trong hai năm (455 TCN – 453 TCN) vẫn không hạ được, chiến sự rơi vào bế tắc. Trí Bá Dao nghĩ ra một kế, làm đê kè chặn dòng Tấn thủy rồi dẫn nước nhấn chìm thành Tấn Dương. Thấy bách tính rơi vào cảnh phải nấu ăn trên nóc nhà, tai họa đang treo trước măt, Triệu gia đã đối phó với đại nạn này như thế nào?

Trí Bá Dao lỡ lời tự hại mình

Dưới tình huống nguy hiểm như thế, đã xảy ra ba sự kiện kiện liên tiếp giúp giải quyết nguy cơ cho nhà họ Triệu. Sự kiện thứ nhất là Triệu gia dùng kế để bên địch phản chiến (sách phản). Thứ hai là Trí Bá Dao lỡ lời. Thứ ba là mưu sĩ của Trí Bá Dao tên Hy Tỳ bắt đầu chạy trốn.

Triệu gia có một mưu sĩ tên Trương Mạnh Đàm, nhưng trong “Sử ký” gọi là Trương Mạnh Đồng, trong “Tư trị thông giám” thì gọi giống tên lúc đầu là Trương Mạnh Đàm. Ông nói với Triệu Tương Tử: “Chúng ta muốn thoát khỏi tình cảnh này, chỉ có cách đi xúi giục Hàn gia và Ngụy gia để họ liên hợp với ta mà diệt nhà họ Trí”.

Đang đêm, Trương Mạnh Đàm trèo dây xuống thành, đến chỗ của Hàn Khang Tử cũng là đại doanh nhà họ Hàn. Ông nói với Hàn Khang Tử: “Con người Trí Bá Dao này rất tham lam, ngay cả đất thuộc về người khác hắn cũng muốn chiếm, như một trăm dặm đất của Hàn gia và Ngụy gia các ông vậy. Nếu hạ được nhà họ Triệu, ông ta sẽ không chia đất đâu, mà dù nếu chia thì các ông chỉ được phần nhỏ. Lấy được phần lớn đất nhà họ Triệu, thế lực ông ta sẽ càng lớn mạnh. Đến khi đó Hàn gia và Ngụy gia không có cơ hội tranh bá vì thực lực không tương xứng. Cho nên tôi có kế này là an toàn, chúng ta liên minh lại, sau khi diệt được Trí Bá Dao, thực lực ba nhà chúng ta không mấy chênh lệch, không ai hạ được ai, do đó chúng ta sẽ chung sống hòa bình”.

Những lời này làm Hàn Khang Tử có chút động tâm nhưng bản thân ông có chút do dự chưa quyết định được. Trương Mạnh Đàm lại đem những lời như thế nói với Đại phu nhà Ngụy là Ngụy Hoàn Tử. Ngụy Hoàn Tử cũng không lập tức quyết định được. Hai nhà Hàn – Ngụy đang chờ thời cơ, chính lúc đó Trí Bá Dao đã nói một câu cực kỳ sai lầm.

Khi đó con nước lớn sắp nhấn chìm thành Tấn Dương. Ngày tiếp theo, cả ba người Trí Bá Dao, Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử cùng nhau đi trên một chiếc xe ngựa. Hàn Khang Tử ở giữa cưỡi xe, Trí Bá Dao ngồi bên trái còn Ngụy Hoàn Tử ngồi bên phải. Trí Bá Dao cảm thấy mưu kế của mình rất cao minh, đang lúc nhìn nước sắp nhấn chìm thành Tấn Dương, ông nói: “Nước Tấn là quốc gia trong ngoài có cả núi và sông, địa thế vô cùng hiểm yếu, có rất nhiều sông lớn”. Chúng ta biết rằng sông có tác dụng phòng vệ. Vì sao? Bởi vì khi bày binh bố trận, các tướng thường muốn chỗ hạ trại/thành của mình phía sau nên có núi, phía trước nên có sông. Phía sau là núi thì người khác không thể trèo qua mà tấn công, cho nên mặt sau an toàn. Phía trước có sông, người khác rất khó vượt qua rồi tấn công, thuyền đối phương chưa đến thì đã bị tên bắn cản lại rồi.

Trí Bá Dao nói thêm: “… Nhưng hôm nay ta mới biết thêm điều này, tuy sông có thể là công sự mang tính phòng ngự của quốc gia, cũng có thể diệt vong một nước”. Sau khi nghe lời này, Hàn Khang Tử thoáng nhìn Ngụy Hoàn Tử, ông thúc cùi chỏ vào người Ngụy Hoàn Tử còn Ngụy Hoàn Tử giẫm chân mình lên chân của ông.

Tại sao lại như vậy? Hai người bọn họ đều nghĩ đến một chuyện rất đáng sợ. Ngụy gia phong ấp ở An Ấp, bên cạnh An Ấp có con sông tên là Giáng Thủy; căn cứ địa của Hàn gia ở Bình Dương, bên cạnh Bình Dương có con sông tên là Phần Thủy. Chính là nói, nếu Trí Bá Dao muốn diệt Hàn gia và Ngụy gia thì Giáng Thủy có thể nhấn chìm An Ấp, còn Phần Thủy có thể nhấn chìm Bình Dương.

Khi Hàn Khang Tử thúc cùi chỏ vào Ngụy Hoàn Tử và Ngụy Hoàn Tử giẫm lên chân Hàn Khang Tử, đồng thời hai người trao đổi ánh nhìn với nhau, những hành động này bị một mưu sĩ là thủ hạ của Trí Bá Dao tên Hy Tỳ nhìn thấy. Hy Tỳ chờ Đại phu Hàn gia và Ngụy gia đi khỏi, ông mới nói với Trí Bá Dao: “Hàn gia và Ngụy gia sắp phản bội chúng ta rồi”.

Trí Bá Dao hỏi: “Lấy cái gì để biết được?”. Hy Tỳ nói: “Việc này chẳng phải đơn giản sao? Đương lúc ngài nói nước lớn nhấn chìm thành Tấn Dương, nhà họ Triệu sắp bị đánh hạ; sắc mặt hai vị Đại phu đó không vui chút nào. Theo lý mà nói, hạ được Triệu gia thì họ cũng được chia phần, có được lợi ích lớn, cuộc chiến kết thúc bọn họ có thể trở về, đáng lẽ nên vui. Đằng này sắc mặt bọn họ không lấy gì làm vui sướng. Khi ngài để cập việc thế nước lớn có thể nhấn chìm quốc gia, bọn họ nghĩ về việc Giáng Thủy có thể nhấn chìm An Ấp, còn Phần Thủy có thể nhấn chìm Bình Dương. Thế thì họ không cảnh giác sao?”. Trí Bá Dao nói: “Có đúng thế không? Vậy để ngày mai ta đi hỏi bọn họ”.

Ngày hôm sau Trí Bá Dao bày tiệc rượu mời Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử đến. Ông nói với hai người bọn họ: “Tính tôi rất thẳng thắn, có gì nói nấy, tôi hy vọng các ông cũng như thế. Hiện tại tôi hỏi các người, hai người có đang phản bội tôi không?”.

Hai người đó không thừa nhận nói: “Làm gì có chuyện đó”. Hàn Khang Tử nói: “Tôi nghe nói hiện tại Triệu gia đang dùng kế ly gián, muốn làm gián cách quan hệ giữa các nhà chúng ta”. Ngụy Hoàn Tử lại bồi thêm: “Triệu gia sắp bị hạ, chúng tôi làm sao có thể bỏ lợi ích thực tại trước mắt để làm sự việc vừa khó thành vừa nguy hiểm như vậy được?”.

Lúc Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử rời doanh trại Trí Bá Dao, đúng lúc Hy Tỳ từ ngoài tiến vào trong. Hy Tỳ thấy Đại phu hai nhà liền tiến đến nói với Trí Bá Dao rằng: “Hai người đó không chỉ rắp tâm tạo phản mà còn sắp phát động chiến loạn nữa”. Trí Bá Dao hỏi: “Làm sao ngươi biết?”. Hy Tỳ nói: “Hai người bọn họ sau khi nhìn thấy tôi thì giương mắt nhìn sau đó đi nhanh. Có phải ngài đã lấy lời của tôi nói với họ rồi không?”. Trí Bá Dao nói: “Đúng thế. Hai người bọn họ nói không có việc như vậy đâu”.

Sau khi nghe những lời ấy, Hy Tỳ phản ứng rất nhanh, ông nói với Trí Bá Dao cho phép ông đi sứ nước Tề như thế này thế kia, ông đã thêu dệt rất nhiều lý do cho việc đi sứ nước Tề. Trí Bá Dao đồng ý. Thế là Hy Tỳ rời khỏi Trí Bá Dao. Hy Tỳ biết rằng đại họa sắp giáng xuống và ông không thể nào can ngăn được Trí Bá Dao.

Đêm hôm đó Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử cuối cùng cũng hạ quyết tâm. Họ lệnh cho binh sĩ đào đê nhưng không dẫn nước vào thành Tấn Dương mà là dẫn vào đại doanh của của Trí Bá Dao. Trí Bá Dao đang ngủ đột nhiên phát hiện giường ngủ ươn ướt. Ông cho rằng binh sĩ không trông coi đê kè. Lúc đó ông thấy một thủ hạ của mình tên Dự Nhượng chèo thuyền đến.

Dự Nhượng nói với Trí Bá Dao: “Không xong rồi! Hàn gia cùng Ngụy gia đã phản tội chúng ta! Họ liên minh với nhà họ Triệu đánh chúng ta!”. Bởi vì Trí Bá Dao căn bản không chuẩn bị thủy quân, chỉ dùng thủy công làm ngập thành Tấn Dương, trong khi đó Hàn gia, Ngụy gia và Triệu gia đã chuẩn bị đầy đủ, thuyền của ba nhà vây thuyền của Trí Bá Dao lại. Trí Bá Dao bị bắt. Triệu Tương Tử kể những tội trạng của Trí Bá Dao rồi giết ông.

Khi nhà họ Triệu sắp bị ba nhà Trí, Hàn, Ngụy đánh hạ, kế sách phản chiến của Triệu gia đã thành công. Hai nhà Hàn – Ngụy, đã dẫn nước nhấn chìm đại doanh của Trí Bá Dao thay vì làm ngập thành Tấn Dương. Đây là bước ngoặt rất kịch tính trong cuộc chiến, trên thực tế điều này đã sớm được báo trước.

Trí Bá Dao là con người tham lam và kiêu ngạo. Vì tham lam nên muốn chiếm đất của ba nhà Hàn – Triệu – Ngụy, vì kiêu ngạo nên không nghe lời cảnh báo của Hy Tỳ. Đối với hai nhà Hàn – Ngụy, ông không quan tâm đến kế phản chiến, về phần mình lại không chuẩn bị binh lực đầy đủ. Có thể nói Trí Bá Dao không hiểu thực lực bản thân, cũng không nắm bắt tâm lý của đồng minh, càng không tìm hiểu sách lược và quyết tâm của đối thủ. Do đó việc Trí Bá Dao thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Dự Nhượng nuốt than báo thù

Trí Bá Dao chết rồi, Triệu Tương Tử vì rất căm hận Trí Bá Dao nên đã khoét rỗng sọ của Trí Bá Dao làm bô để đại tiện tiểu tiện. Thủ hạ của Trí Bá Dao là Dự Nhượng nghe tin đó cảm thấy rất đau xót. Ông nói: “Chủ nhân của ta sao lại chịu nỗi nhục như vậy… Người đã chết rồi, lại còn làm nhục hài cốt ông ấy…”. Thế là Dự Nhượng chuẩn bị thích sát Triệu Tương Tử để báo thù cho chủ. 

Dự Nhượng là một thích khách rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Trong “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng có nói đến ông: “Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ…”. Dự Nhượng từng nói một câu như thế này, có thể một số người đã biết: “Kẻ sĩ vì người tri kỷ mà chết, phụ nữ vì người yêu mình mà trang điểm”.

Để thích sát Triệu Tương Tử, Dự Nhượng giả trang thành người trang hoàng, sửa sang nhà cửa. Triệu Tương Tử sau khi giết được Trí Bá Dao, muốn sửa lại nhà vệ sinh. Dự Nhượng đóng giả làm người dọn nhà vệ sinh, ông “giấu kín dao sắc”, trên thân người mang theo một cây chủy thủ (dao găm, đoản kiếm). Khi Triệu Tương Tử đến nhà vệ sinh đột nhiên cảm thấy điềm báo không lành, bèn sai thuộc hạ lục soát. Kết quả tra ra Dự Nhượng mang theo chủy thủ.

Lúc này Triệu Tương Tử hỏi Dự Nhượng là ai, ông đáp: “Tôi là thuộc hạ trong nhà Trí Bá Dao tên Dự Nhượng, tôi muốn giết ông”. Triệu Tương Tử nói: “Trí Bá Dao đã chết rồi, ngươi hà tất phải cố chấp thay ông ta báo thù? Nếu ta thả ngươi, ngươi có bỏ ý định giết ta không?”. Dự Nhượng nói: “Ông thả tôi, đó là ân tình cá nhân (tư ân) của ông với tôi, gọi là “tư ân của người chủ đối với tôi tớ”. Tôi giết ông là vì báo thù cho chủ nhân, đây là “đại nghĩa của bề tôi”. Tôi sao lại vì ân tình cá nhân mà từ bỏ đại nghĩa”.

Khi đó thuộc hạ của Triệu Tương Tử đều muốn giết Dự Nhượng, nhưng sắc mặt của ông rất bình thản, từ tốn, khảng khái. Điều này làm Triệu Tương Tử rất cảm động nên muốn phóng thích anh ta. Nhưng tả hữu nói: “Người này nhất định phải giết, vì như anh ta đã nói, tương lai anh ta quay lại nghĩ kế giết ngài”. Triệu Tương Tử đáp: “Bỏ qua chuyện này đi. Ta thả cậu ta rồi, sau này ta cẩn thận hơn một chút, tránh mặt cậu ấy là được”. Thế là Triệu Tương Tử hạ lệnh thả Dự Nhượng.

Dự Nhượng cảm thấy không thể lại tiếp cận Triệu Tương Tử, vì Đại phu họ Triệu đã biết hình dáng của Dự Nhượng rồi. Làm thế nào để tiếp cận Triệu Tương Tử? Dự Nhượng đã làm một việc thật khó tin.

Ông bèn dùng sơn nóng quét lên thân người và khuôn mặt. Thời xưa, trong sơn đều có độc, sau khi quét sơn lên người, da trên cơ thể ông biến đổi như người có bệnh. Đây gọi là “quét sơn lên để như người bị hủi”. Lúc này hình dáng ông đã biến đổi. Dự Nhượng lại nhổ hết tóc, râu, lông mày, sau đó giả trang thành người ăn xin trên phố. Vợ của anh ta đến gần, nghe thấy tiếng của người hành khất này bèn chạy lại trước mặt nói: “Tiếng của người ăn xin này sao mà giống chồng của tôi, nhưng hình dáng lại không giống”. Thế là cô quay người bỏ đi.

Dự Nhượng thấy giọng của mình vẫn còn chưa đổi, bèn nuốt than nóng làm bỏng thanh quản. Đây gọi là “quét sơn lên để như người hủi, nuốt than hồng để biến đổi âm (giọng)”. Vì để báo thù, Dự Nhượng đã chịu nỗi khổ lớn như vậy. Hiện giờ hình dáng thay đổi, giọng nói cũng biến đổi, như thế hầu như không ai có thể nhận ra ông được nữa.

Nhưng Dự Nhượng lại có một người bạn biết điều này. Người bạn mời Dự Nhượng đến nhà uống rượu. Ông hỏi Dự Nhượng: “Với tài năng lớn như thế của cậu, hễ đến Triệu gia làm quan, làm bề tôi của họ, cậu sẽ rất nhanh chóng tiếp cận được Triệu Tương Tử, khi đó thích sát ông ta chẳng phải sẽ rất dễ dàng sao? Cớ chi lại dùng biện pháp thống khổ như thế này để đày đọa bản thân?”.

Trong “Sử ký – Thích khách liệt truyện”, có ghi lại câu nói của Dự Nhượng: “Nếu tôi làm bề tôi của họ mà lại giết họ, đây là kẻ mang hai lòng mà thờ chủ; mà việc tôi muốn làm lại cực kỳ khó khăn, sở dĩ tôi làm việc này là để những người mang hai lòng trong thiên hạ mà thờ chủ, sẽ thấy hổ thẹn khi nghe câu chuyện này”.

Sau đó Dự Nhượng nói thêm với người bằng hữu: “Từ giờ trở đi chúng ta từ biệt tại đây, cậu không cần tìm tôi nữa”. Rốt cuộc Dự Nhượng có thực hiện được mục đích của mình hay không, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo… 

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV