Câu thành ngữ “Nhất tiễn song điêu” – một mũi tên bắn hạ hai con chim trên trời – có nghĩa ẩn dụ là nhất cử lưỡng tiện, cùng một sự việc nhưng có thể đạt đến hai mục đích khác nhau. Câu chuyện này có nguồn gốc ban đầu trong Tùy Thư.

Dưới đây là một vài điển tích và điển cố xung quanh câu thành ngữ “Nhất tiễn song điêu”:

Trương Tôn Thịnh

Vào thời Bắc Chu, Khả Hãn Nhiếp Đồ nước Đột Quyết từng thỉnh cầu hôn sự với triều đình của một vị hoàng đế Trung Nguyên là Bắc Chu Tuyên Đế. Vì muốn an định biên cương phương Bắc, Tuyên Đế đồng ý gả Thiên Kim công chúa cho Nhiếp Đồ. Sau đó triều đình Bắc Chu đã tuyển lựa những võ tướng kiêu dũng làm sứ giả đi kết giao tình hoà hiếu. Trong đó Trương Tôn Thịnh (551 – 609) là vị tướng giỏi có tài cưỡi ngựa bắn cung, đặc biệt có kỹ thuật bắn tên vô cùng cao siêu, do đó cũng được tham gia vào đoàn người đi sứ.

Khi đến Hãn quốc Đột Quyết, Trương Tôn Thịnh đã làm vừa lòng Nhiếp Đồ Khả Hãn nên được Khả Hãn giữ lại bên mình một năm trời. Trong một lần ra ngoài đi săn, Khả Hãn thấy hai con đại bàng vừa bay vừa tranh đoạt đồ ăn. Ông bèn đưa cho Trương Tôn Thịnh hai mũi tên và yêu cầu anh hãy bắn hạ hai con đại bàng. Trương Tôn Thịnh giương cung lên, và chỉ cần một mũi tên bay mà bắn hạ được cả hai con đại bàng. Nhiếp Đồ Khả Hãn rất ưng ý, bèn lệnh cho các con và hoàng thân quốc thích trong triều hãy theo học kỹ thuật bắn tên của Trương Tôn Thịnh.

(Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Lý Khắc Dụng

Thần Châu đại địa là vùng đất địa linh nhân kiệt, trong đó những bậc kỳ tài mang trên thân tuyệt nghệ “nhất tiễn song điêu” luôn được hậu thế tán thán. Thái Tổ thời Hậu Đường Lý Khắc Dụng chính là một người như thế, kỹ thuật bắn tên của ông thật vô cùng xuất sắc. Lý Khắc Dụng (856 – 908) mang họ Chu Da, là người tộc Sa Đà. Vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổ tiên khai thủy của ông là sứ quân Mặc Ly từng theo Đường Thái Tông đi chinh phạt Cao Ly và Tiết Diên Đà, đã lập không ít chiến công.

Khi vẫn chỉ là một cậu bé nhỏ tuổi, Lý Khắc Dụng luôn tỏ ra hứng thú với những cuộc đàm luận về chiến sự. Đến năm 12, 13 tuổi, cậu đã trở thành một tiểu dũng sĩ tinh thông cưỡi ngựa bắn cung. Năm 13 tuổi, cậu nhìn thấy đôi chim đang bay trên bầu trời, bèn giương cung bắn liên tiếp hai mũi tên, cả hai lần đều trúng đích khiến người thời đó kinh ngạc mãi không thôi. Năm 15 tuổi, Lý Khắc Dụng theo đại quân xuất chinh, các tướng sĩ gọi cậu là ‘phi hổ tử’ (hổ biết bay). Người Thát Đát từng tỉ thí với cậu về kỹ thuật bắn tên, họ chỉ vào hai con đại bàng đang bay và thách rằng: “Ngươi có thể hạ chúng trong một mũi tên không?”.

Muốn hạ hai con đại bàng thì không những cần một lực kéo cung rất lớn mới có thể khiến mũi tên bay cao đến thế, mà còn cần có tầm nhìn chính xác biết bao nhiêu mới có thể nhắm liên tục vào hai mục tiêu. Lúc đó cậu bé 15 tuổi Lý Khắc Dụng không hề nao núng, vẫn ung dung lấy cung dẫn tên, trong nháy mắt mũi tên liền bay vút lên không trung, hai con đại bàng lớn theo âm thanh của mũi tên bắn ra mà rơi xuống. Đám đông chứng kiến chấn động kinh hoàng, họ lần lượt quỳ xuống mà bái lạy.

(Ảnh minh họa: shouchaobao.vip)

Cao Biền

Cao Biền sinh vào những năm đầu Trường Khánh thời nhà Đường (năm 821), ông nội của ông tên là Cao Sùng Văn, là danh tướng thời Đường Hiến Tông. Những năm đầu Đường Ý Tông, Cao Biền thống binh phòng bị người Đảng Hạng và Thổ Phiên ở biên cương, được trao chức Thứ sử Tần Châu, sau nhậm chức Thị ngự sử, lại kiêm nhiệm chức Tư mã trong phủ Chu Thúc Minh. Ông là người tinh thông xạ tiễn, có khả năng “nhất tiễn song điêu”, được người đời xưng là ‘lạc điêu thị sử’.

Khi Cao Biền còn chưa nổi danh, vào một ngày nọ ông thấy hai con đại bàng bay cạnh nhau trên không, bèn nói rằng: “Nếu sau này ta có thể hiển đạt, thì lần này tất chỉ dùng một mũi tên mà đồng thời bắn hạ hai con đại bàng”. Vừa dứt lời, quả nhiên một mũi tên bắn đi là xuyên qua hai con đại bàng.

Người đương thời tán thán kỹ năng tuyệt nghệ của Cao Biền nên đã tặng ông xưng hiệu ‘lạc điêu thị sử’’.

Không chỉ riêng Cao Biền, Lý Khắc Dụng và Trương Tôn Thịnh, mà trong lịch sử có rất nhiều bậc kỳ tài đều mang trên mình tuyệt kỹ “Nhất tiễn song điêu”. Người ta thường nói rằng những người có thiên mệnh đều được trao cho sở trường đặc biệt, và sở trường ấy không phải để họ phát tài, nổi danh, hay xưng hùng xưng bá, mà là để thực thi sứ mệnh của mình…

Tham khảo: “Tùy thư” quyển 51 và “Cựu ngũ đại sử” quyển 25

Mạn Vũ
(Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

videoinfo__video3.dkn.tv||abb87f315__

Xem thêm: