Tam quốc Diễn Nghĩa là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Quốc. Xét về góc độ nghệ thuật đây được đánh giá là một áng văn chương đầy hào hùng với những bút pháp rất sáng tạo trong lối hành văn. Tam Quốc Diễn Nghĩa không chỉ có giá trị thưởng thức mà còn bộc lộ sự tài tình trong văn miêu tả chiến tranh, đắp nặn hình tượng nhân vật và kết cấu từ sử thi một cách sáng tạo, đặc sắc.

Tiếp theo Phần 1

Tam quốc diễn nghĩa thể hiện tài năng nghệ thuật xây dựng, đắp nặn hình tượng nhân vật của tác giả

Ba vị tướng lĩnh của những anh hùng hào kiệt mang theo tư tưởng và cá tính hoàn toàn khác nhau. Tôn Quyền, Lưu Bị và Tào Tháo với tài năng, sức mạnh và tính cách hoàn toàn riêng biệt, không ai giống ai. Còn mưu sĩ như Gia Cát Lượng, Tuân Húc, Lỗ Túc, võ tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Hạ Hầu Đôn, Trương Liêu, Chu Du, Lục Tốn v.v…thì ai cũng có cá tính riêng của mình. Ví như Tôn Quyền, cái “khí khái anh hùng” không bằng Tào Tháo và Lưu Bị, nhưng ngồi giữ sự nghiệp cha anh để lại thì thật đáng là một nhân tài xuất sắc. Trong con mắt của Khổng Minh, Tôn là người “mắt xanh râu đỏ, cử chỉ đường hoàng”. Còn Tào Tháo lúc ở Nhu Tu “nhìn xa xa thấy chiến thuyền chia thành đội ngũ, sắp xếp thứ tự theo năm màu cờ, khí giới sáng lòa” thì “tự nghĩ bụng rằng Tôn Quyền không phải là người không đáng gờm”.

Dưới ngòi bút của La Quán Trung, nhân vật này rõ ràng được miêu tả hết sức giản đơn, chỉ như bức ký họa, song hình tượng ông vẫn sinh động và rõ nét. Về nhiều mặt ông tỏ ra sáng suốt, trầm tĩnh và cương nghị, dũng cảm, chỉ có điều về chính trị không có tầm nhìn xa trông rộng, xem nặng lợi ích trước mắt, không có tài chinh phạt, không có hoài bão, nhiệt huyết thống nhất Trung Quốc như Lưu Bị và Tào Tháo.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, hình tượng nhân vật sinh động nhất là Trương Phi: thẳng thắn, cương trực, nóng nảy có phần lỗ mãng, đầu báo mắt tròn, cực ghét những điều xấu xa. Tên Đốc Bưu ăn hối lộ, ông “túm lấy tóc, lôi ra khỏi quán trạm”, trói vào chuồng ngựa đánh nhừ tử. Thấy Đổng Trác kiêu ngạo vô lễ, tức thì nổi giận, muốn giết ngay hắn. Gia Cát Lượng ngủ trong thảo đường cố làm ra vẻ ngạo mạn, ông coi không thuận mắt, bèn nói: “Để tôi ra sau nhà châm mồi lửa xem hắn có dậy không”.

Tào Tháo muốn mượn tay Lưu Bị để giết Lã Bố. Trương Phi liền đi tìm giết Lã Bố và nói lớn: “Tào Tháo nói ngươi là người bất nghĩa, bảo anh ta giết ngươi đây”. Vì ông bụng dạ ngay thẳng, thế giới nội tâm thuần khiết như vậy, nên chuyện của ông được người ta ca ngợi nhất.

Nhân vật Trương Phi trong Tam Quốc. (Ảnh: Youtube.com)

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, chỉ cần ông xuất hiện là cục diện liền sôi nổi hẳn lên.

Lúc Quan Vũ vượt qua năm cửa ải, chém sáu tướng, đến Cổ Thành, bảo Tôn Càn vào gọi ông ra đón chị dâu. “Trương Phi nghe xong, không trả lời, lập tức mặc áo giáp cầm xà mâu nhảy lên ngựa, đem theo hơn nghìn người đi ra cửa Bắc. Tôn Càn hết sức kinh ngạc, nhưng không dám hỏi, đành phải lẽo đẽo theo ra ngoài thành. Quan Công thấy Trương Phi tới, vui mừng khôn xiết, đưa cây đao cho Chu Thương, giục ngựa đến đón.

Chỉ thấy Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm dựng ngược, hét vang như sấm, vung xà mâu lao vào Quan Công”. Quan Vũ bày tỏ thực tình, bảo ông không nên hiểu lầm, ông vẫn thét lên: “Hôm nay ta liều sống chết một phen với ngươi”. Liều lĩnh như vậy, nên “nóng như Trương Phi” đã trở thành câu nói cửa miệng của mọi người. Và “tính bi kịch” của nhân vật Trương Phi mang lại hiệu quả nghệ thuật cao chính là ở chỗ: cái cá tính “rất Trương Phi” đó đã giết chết Trương Phi! Khi chết rồi, mắt Trương Phi vẫn trợn ngược vì không hiểu tại sao mình lại chết? Nóng nảy tới mức hồ đồ nên với tính khí ấy ông dễ dàng bị rơi vào kế hiểm.

Tài năng của La Quán Trung còn thể hiện ở hình tượng Quan Vũ, ông gây dựng về tình cách của Quan Vũ bằng những từ ngữ ca ngợi lòng dũng cảm. Quan Vũ quả thực “trọng nghĩa khí” với Lưu Bị, Trương Phi, nhưng lại không trọng nghĩa khí với những người khác như Mã Siêu, Hoàng Trung, thế mà có một lần ông trọng nghĩa khí với Tào Tháo ở đường Hoa Dung.

Do vậy, cái nghĩa khí của Quan Vũ thực chất là xuất phát từ ân oán cá nhân, có lúc lại trở thành một khuyết điểm trong tính cách tư tưởng của ông. Ở đây có một điều đáng chú ý. Khi khắc họa nhân vật, La Quán Trung thường xuất phát từ tính phức tạp của cuộc sống và từ nhiều khía cạnh của tính cách nhân vật. Ông không miêu tả con người với một tính cách đơn nhất, mà tả nhiều mặt của tính cách, đồng thời làm nổi bật một mặt nào đó, có chính phụ, có nặng nhẹ, làm cho hình tượng đó hết sức rõ nét.

Nhân vật Quan Vũ trong Tam Quốc. (Ảnh: Vietgiaitri.com)

Tào Tháo, Trương Phi, Gia Cát Lượng là nhân vật điển hình thành công nhất của Tam Quốc diễn nghĩa. Khi xây dựng những nhân vật này, La Quán Trung tuân thủ một nguyên tắc, tức là nắm lấy cái đặc trưng cơ bản của tính cách nhân vật, làm nổi bật một khía cạnh nào đó, thêm thắt, dùng phương pháp so sánh, làm cho nhân vật xuất hiện trước mắt mọi người với tính cách rõ nét và sinh động.

Trương Phi nóng tính thì nằm ngồi đi đứng đều nóng nảy. Cũng như thế, tác giả đã chọn những cử chỉ lỗ mãng nổi bật của Trương Phi trong các trường hợp khác nhau, tạo nên một nhân vật có tính cách rõ rệt, nhưng nhân vật ghét điều ác như ghét kẻ thù này cũng có những khuyết điểm làm cho người ta không ưa.

Gia Cát Lượng là một điển hình về mưu trí. Cả đời ông mang hết tinh thần sức lực vạch sách lược cho sự nghiệp của Lưu Bị, ít khi nghĩ tới sự được mất của bản thân. Thường đứng nơi tuyến đầu cuộc đấu tranh và thắng địch nhờ trí tuệ. Đặc trưng của hình tượng này là tài dự đoán chuẩn xác, sách lược đúng đắn và chu đáo. Nắm chắc đặc trưng, làm nổi bật một điểm, nguyên tắc xây dựng nhân vật điển hình này của La Quán Trung được nhiều bậc thầy nghệ thuật đời sau tiếp thu và phát triển, làm phong phú thêm di sản văn học của Trung Quốc.

Nhân vật Chu Du cũng là một thành công đáng kể trong việc xây dựng tính cách nhân vật của La Quán Trung. Chu Du là một nhân vật trẻ tuổi, đầy hào khí, thông minh…được đặt bên cạnh nhân vật Gia Cát Lượng trong một bối cảnh đặc biệt, đó là trận Xích Bích, trận đánh quyết định cục diện: tồn tại thế chân vạc nếu Tào Tháo thua trận, còn nếu liên minh Ngô – Thục thất bại thì Tào Tháo sẽ làm bá chủ thiên hạ!

Tình thế của trận Xích Bích đã được đẩy đến độ căng tột cùng: Trong giờ phút quyết định của trận đánh, khi “mọi việc đã sẵn sàng, chỉ thiếu gió đông” thì Đại đô đốc Chu Du đành chịu bó tay, chỉ nằm thở dài! Mặt khác, do tính đố kị, hiếu thắng, nên Chu Du đã làm nhiều việc “ngu xuẩn” trong vụ liên minh Tôn – Lưu. Nhưng dù sao, Chu Du vẫn giữ vai trò hàng đầu trong trận này.

Trước kẻ thù lớn mạnh là Tào Tháo thống lĩnh “trăm vạn hùng binh” rầm rộ kéo thẳng xuống Đông Nam, thế như chẻ tre, hầu như không thể địch nổi, Chu Du không thể không hợp tác cùng Gia Cát Lượng, nhưng kể từ ngày đầu hợp tác, giữa hai người đã có những mâu thuẫn, cuối cùng thì tan vỡ. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đó là quan hệ giữa Chu Du và Gia Cát Lượng, đồng thời cũng là quan hệ giữa phe Tôn Quyền với phe Lưu Bị.

Nhân vật Chu Du trong Tam Quốc. (Ảnh: Pinterest.com)

Qua trận đánh Xích Bích này, La Quán Trung không những đã tỏ rõ tài năng nghệ thuật hơn người, mà còn tỏ rõ năng lực quan sát sâu sắc của ông đối với sự kiện lịch sử. Việc ông miêu tả tư tưởng, tâm tình, tính toán lợi hại của các nhân vật này, về khách quan quả đã phản ánh được thực trạng lịch sử. Miêu tả trận chiến mà không đi ngược lại tính chân thực của lịch sử, lại đầy sức hấp dẫn nghệ thuật, về mặt này, La Quán Trung đã tạo nên một bước ngoặt thành công mà không ai có thể làm được.

Tam Quốc diễn nghĩa là câu chuyện gần một trăm năm. Trải qua nhiều binh biến chiến sự, nhưng với ngòi bút tài tình của của tác giả, thì những sự kiện lịch sử ấy như có đầu cuối mà không nằm trong cảnh rối ren. Đây thể hiện tài năng dẫn dắt bạn đọc đi theo luồng tư duy của tác giá .

Điều có thể dễ dàng nhận thấy là La Quán Trung thể hiện quan điểm “ủng Lưu phản Tào”. Có lẽ ông cũng muốn qua hình ảnh của Lưu Bị mà bày tỏ lên tiếng nói của người dân với mong ước sẽ có một “ông vua tốt” biết thương dân và vì dân, một triều đình thực hiện “nhân chính”, một đất nước thống nhất và hòa bình.

Bằng thủ pháp phóng đại, cường điệu hóa, mượn khó khăn thử thách để bộc lộ tài năng phi phàm của tướng lĩnh hay để nói về võ nghệ của các anh hùng. Các nhân vật luôn có vóc dáng khác người, những hành động phi thường và tâm hồn họ cũng khác với người thường. Có lẽ vì thế, có thể có nhiều trận đánh ác liệt tử vong rất nhiều nhưng không gây không khí bi thảm, trái lại, lại được coi là những “trận đánh đẹp”, có sức lôi cuốn người đọc bởi tính chất gay cấn, thiên biến vạn hóa của diễn biến trận đánh lớn mà điển hình là trận Xích Bích…

Còn những trận đánh tay đôi của các tướng võ kỳ phùng địch thủ thì lại có vẻ đẹp, sức cuốn hút của của những tuyệt kĩ võ công và sức mạnh kỳ diệu của những con người anh hùng hào kiệt: đó là cuộc tỉ thí giữa Thái Sử Từ và Tôn Sách, Hứa Chử và Mã Siêu,v.v…

Một thành công nữa của La Quán Trung trong Tam quốc diễn nghĩa là sự kết hợp ngôn ngữ giữa văn ngôn và bạch thoại một cách tài tình. Ngôn từ giản dị gần gũi nhưng rất sâu sắc và chính xác. Tác phẩm theo lối kể chuyện chứ không riêng gì là áng văn miêu tả, những từ ngữ miêu tả được sử dụng cũng có sự lựa chọn linh hoạt, nên tạo hiểu quả rất cao. Bằng lối kể chuyện khéo léo, đối thoại sinh động và sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, chuyện lịch sử v.v… nên đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn vừa bác học và dân dã.

Nghệ thuật miêu tả chiến tranh bậc thầy của La Quán Trung

Trong Tam quốc diễn nghĩa, chiến tranh được miêu tả rất phong phú, đa dạng. Có hơn trăm trận chiến mà mỗi trận lại được miêu tả khác nhau, hình thế và cách dụng binh hay thao lược của mỗi trận cũng khác nhau.

Những trận đánh đó có thể chia làm lục chiến, thủy chiến, kết hợp giữa thủy và bộ. Có những trận dùng phương thức tấn công hay phòng thủ. Cách bài trí và dụng binh cũng được sử dụng rất hợp lí như phục kích đánh lén hoặc tạo trận địa, hay lối đánh du kích khi quân ít mà địa hình thuận lợi cho tác chiến.

Trong những trận đánh trực diện hay còn gọi là đánh giáp lá cà thì tác giả chú trọng vào việc miêu tả tỉ thí của chủ tướng cho tới khi hai quân hỗn chiến.

Hình thức sử dụng và nghệ thuật miêu tả trong từng trận chiến rất đa dạng. Khiến cho mỗi trận đánh đều mang sức hấp dẫn mà người đọc khó lòng đoán biết được kết quả của trận chiến.

Mặt khác thể hiện sự thông thạo chiến thuật của tác giả ở chỗ ông kết hợp rất hài hòa giữa hành động quân sự và sách lược chính trị. Ví như Tào Tháo xâm chiếm phía nam cũng không phải là không có mục đích, bởi đó là bàn đạp giúp ông hoàn thành thống nhất đại nghiệp. Hay Lưu bị liên quân với Ngô kháng Tào là vì muốn có đất đặt chân sau đó chấn hưng Lưu, buộc Hán thất bại. Gia Cát Lượng chinh phạt phương Nam là vì giải quyết tranh cãi và bất ổn định giữa các sắc tộc sau đó dồn toàn lực đối phó với Tào Ngụy.

Điểm mấu chốt cho sự thành bại trong mỗi trận chiến chính là sự am hiểu về binh pháp, túc trí đa mưu của người cầm quân. Thuật dùng người chính là tài năng của một vị tướng lĩnh.

Thắng thua phụ thuộc vào kế sách và óc phán đoán địch thủ. Sự bình tĩnh và bản lĩnh của người cầm quân nằm ở chỗ luôn có kế sách cho bước lùi, không để rơi vào thế bị động mà chống trả.

Từ đó mà thấy rằng La Quán Trung không đơn thuần thể hiện bút pháp trong văn chương, mà dường như ông còn thể hiện trí tuệ của mình trong binh pháp, nên việc ông miêu tả mỗi trận đánh rất kín kẽ và logic, không tạo ra chỗ bất hợp lí hay sơ hở trong chiến lược. Điều này tạo lên tính chân thực mặc dù tác phẩm của ông là bảy phần thực cấu ba phần hư.

Mục đích của việc miêu tả rất chi tiết và chân thực từng trận đánh tất cả cũng chỉ để phục vụ cho việc làm nổi bất tính cách của từng nhân vật tướng lĩnh mà tác giả đắp nặn hình tượng. Mỗi trận đánh đều thể hiện ra tài năng, tính cách, những điểm mạnh yếu trong mỗi hình tượng. Điều này thể hiện tài năng tuyệt đỉnh của La Quán Trung. Đây là tác phẩm được coi là tứ đại tiểu thuyết, là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc.

(Ảnh: Btime.com)

Có thể thấy rằng, Tam quốc diễn nghĩa xứng tầm là một kiệt tác văn chương bất hủ. Nó là thể hiện của tài năng và trí tuệ của tác giả. Giá trị mà Tam quốc diễn nghĩa lưu lại cho hậu nhân là một kho tàng nghệ thuật và kiến thức mà trải qua những năm tháng lịch sử, biết bao thế hệ con người vẫn còn đào sâu nghiên cứu và tìm hiểu về những nội hàm của nó mà ứng dụng vào cuộc sống của mình.

Tịnh Tâm