Tôi đã giảng dạy trong trường đại học hơn mười năm, và tôi thường nghĩ về điều gì tạo nên một người thầy giỏi? Kết luận của tôi thường là tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo mới là phẩm chất quan trọng nhất.

Phải nói rằng, một người thầy giỏi sẽ không áp đặt, cưỡng chế quan niệm đạo đức của bản thân lên học sinh của họ. Ngược lại, tôi tin rằng một người thầy giỏi sẽ khuyến khích học sinh tiến hành suy nghĩ thấu đáo thông qua sự đồng cảm. Một giáo viên giỏi sẽ nguyện ý phó xuất tâm huyết của mình để truyền thụ môn học mà mình dạy để mang lại phúc lành cho học sinh – một người thầy với phẩm cách như vậy có thể trở thành một hình mẫu. Howard Pyle, bậc thầy của tranh minh họa Mỹ vào thế kỷ 19, có thể là một hình mẫu tuyệt vời cho một người thầy như vậy.

Họa sĩ tranh minh họa người Mỹ Howard Pyle (1853-1911). Thư viện kỹ thuật số Đại học Pittsburgh (Ảnh PD-US / miền công cộng Hoa Kỳ)

Con đường trở thành họa sĩ minh họa của Howard Pyle

Chúng ta có thể tìm hiểu về cuộc đời của Howard Pyle với tư cách là một nghệ sĩ, họa sĩ minh họa và nhà giáo từ cuốn sách “Howard Pyle” của Lucien L. Agosta.

Howard Pyle sinh ra trong một gia đình Quakers (một phái của Tân giáo Cơ đốc) ở Delaware vào năm 1853. Mẹ ông là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp nghệ thuật sau này của ông; dù cụ không thực hiện được ước mơ sáng tạo văn học và nghệ thuật của bản thân mình, nhưng cụ vẫn dành cơ hội cho các con, và cho chúng khả năng tiếp xúc với các thể loại tranh, truyện thiếu nhi. 

Pyle không có thành tích tốt ở trường học khi còn nhỏ, bởi vì sở thích đối với hội họa và đọc truyện của ông đã vượt qua tất cả mọi thứ. Ông thích tự học ở nhà và đọc truyện thiếu nhi do mẹ sưu tầm. Khi ông 16 tuổi, cha mẹ của Pyle dừng việc học của ông ở trường và sắp xếp cho ông một gia sư riêng để chuẩn bị thi vào đại học. Tuy nhiên, cách học này cũng không lý tưởng đối với Pyle. Cuối cùng, cha mẹ ông cho ông theo học Francis Van der Weilen, một vị giáo sư họa sĩ phái hàn lâm. Đây là khóa huấn luyện nghệ thuật chính thức duy nhất mà Pyle nhận được.

Khi khoảng 23 tuổi, ông bắt đầu gửi các bài thơ ngắn và tác phẩm minh họa của mình cho một nhà xuất bản ở New York. Điều khiến ông ngạc nhiên là, tác phẩm của ông đã được chấp nhận, và ông cũng nhận được một khoản phí bản thảo. Vì vậy, ông tin rằng mình có khả năng trở thành một họa sĩ vẽ tranh minh họa thành công.

Khi cha của Pyle đi công tác đến New York, ông đã thay mặt con trai đến văn phòng của tạp chí Scribner’s Monthly để họp. Sau cuộc họp này, tạp chí đã quyết định cấp cho Pyle một công việc tại thành phố New York. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến New York, Pyle bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong sáng tác. Khi bắt đầu công việc, ông mới biết nó không dễ thành công như từng nghĩ. Ông bắt đầu hoài nghi về thiên phận nghệ thuật của mình. Nhưng Pyle không muốn bỏ cuộc, ông quyết định tham gia Liên đoàn Sinh viên Nghệ thuật New York lúc bấy giờ để nâng cao kỹ năng hội họa của mình.

Năm 1876, ông bắt đầu làm việc cho nhà xuất bản “Harper and Brothers” ở New York. Tuy nhiên, tròn một năm sau, cho đến khi ông hội kiến giám đốc nghệ thuật Charles Parsons của công ty, công việc của Pyle mới có được bước đột phá lớn. Lúc đó Pyle thỉnh cầu Parsons cho phép ông tự mình hoàn thành một bức tranh minh họa hoàn chỉnh rồi trực tiếp xuất bản, thay vì được hoàn thành bởi một họa sĩ minh họa khác có kinh nghiệm hơn.

Tác phẩm của Howard Pyle “Thomas Jefferson Viết Tuyên ngôn Độc lập”, vào khoảng năm 1898. Bảo tàng nghệ thuật Delaware. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Dù miễn cưỡng, nhưng Parsons cuối cùng đã đồng ý với thỉnh cầu của Pyle, và Pyle đã dành sáu tuần để vẽ các bức tranh minh họa của mình. Cuối cùng, tác phẩm của ông không chỉ được công ty chấp nhận, mà còn được xuất hiện trên trang hai đầu của “Harpers Weekly”. Đây là một bước ngoặt trong sự nghiệp của ông.

Bằng sự cần mẫn cố gắng và kiên nhẫn của mình, Pyle cuối cùng đã thành công, trở thành một họa sĩ vẽ tranh minh họa được hoan nghênh nhất ở New York.

Sau đó, ông đã vẽ hàng trăm bức tranh minh họa cho Parsons, và bắt đầu tự biên soạn và vẽ những cuốn sách dành cho trẻ em, giống như những cuốn truyện mà mẹ ông đã đưa ông đọc. “Từ năm 1883 đến năm 1888, Pyle đã xuất bản sáu cuốn sách, bốn trong số đó đã trở thành những cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em”, Agosta viết trong cuốn sách về Howard Pyle.

Ngoài ra, Howard Pyle còn nhận được sự biểu dương và khen ngợi đặc biệt từ Tổng thống Wilson và Roosevelt cho những bức tranh minh họa về lịch sử nước Mỹ.

Vì muốn giúp người mà làm thầy giáo

Mãi đến năm 1894, Pyle mới quyết định bắt đầu dạy học. Vào thời điểm đó, ông là người đi đầu trong thời đại hoàng kim của tranh minh họa Mỹ.

“Sau khi quyết định giảng dạy, Pyle hy vọng sẽ làm được nhiều việc hơn là chia sẻ những kỹ xảo đã học được với các nghệ sĩ trẻ. Ông nhiệt huyết hơn trong việc nâng cao tiêu chuẩn của ngành minh họa Mỹ… Ông dùng nhiều trí lực hơn trong việc phát dương các kỹ pháp và phong cách mỹ thuật bản xứ của Mỹ trong khắc họa, mô tả các chủ đề Mỹ.”, Agosta nói.

Phương pháp giảng dạy của Pyle có hai nguyên tắc: phóng chiếu tâm lý và nguyên sáng cấu đồ. Phóng chiếu tâm lý bao gồm “năng lực liên tưởng bản thân trong trường cảnh được miêu tả”. Còn “nguyên sáng cấu đồ” là một trong những công cụ giảng dạy trọng yếu nhất của ông. Ông khuyến khích sinh viên sáng tác tranh theo bất kỳ phương thức nào, miễn là họ có thể truyền đạt lý niệm nghệ thuật của mình đến khán giả một cách mới mẻ và hiệu quả.

Người thầy tận tâm phó xuất

Ban đầu Pyle muốn dạy tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania ở Philadelphia, nhưng bị học viện từ chối vì cho rằng họ là một học viện nghệ thuật hàn lâm hơn là một trường dạy vẽ tranh minh họa. Do đó, Pyle chuyển hướng sang giảng dạy tại Học viện Nghệ thuật, Khoa học và Công nghiệp Drexel (Drexel Institute of Art, Science, and Industry).

Pyle là một giáo viên xuất sắc đến mức trường quyết định mở rộng khóa học của ông thành một Học viện tranh minh họa hoàn chỉnh – đây là học viện đầu tiên được thành lập dưới cái tên “minh họa” – và do ông đích thân lãnh đạo. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Pyle cảm thấy gánh nặng vì nhiều học sinh thiếu trầm trọng năng lực cơ bản.

Maxfield Parrish là một trong những học sinh xuất sắc của Howard Peel. Tác phẩm “Những người mang đèn lồng” (The Lantern Bearers) của Maxfield Perish, 1910, dầu và canvas đóng trên bìa cứng, 40 x 32 inch. Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Crystal Bridges. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Theo nghiên cứu của Jeff A. Menges về Pyle, Pyle cảm thấy thất vọng vì sự thiếu cam kết của nhiều sinh viên vào thời điểm đó, vì vậy ông đã yêu cầu nhà trường cho ông thành lập một khóa học hè để thông qua đó ông có thể lựa chọn cẩn thận những học trò có khả năng vận dụng tốt phương pháp của mình. Ông thậm chí còn đề nghị dạy miễn phí lớp học hè này.

Nhà trường đồng ý, và Pyle bắt đầu nhanh chóng thực hiện các phương pháp giảng dạy của mình. Ông đã đề cập trong báo cáo giảng dạy của mình rằng sự tiến bộ của sinh viên trong khóa học hè hai tháng thậm chí còn vượt quá cả một năm huấn luyện thông thường.

Sau sáu năm giảng dạy tại học viện này, Pyle quyết định từ chức và mở trường nghệ thuật của riêng mình – Trường Nghệ thuật Howard Pyle. Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, ông đã dạy hơn 200 sinh viên mà không thu bất kỳ khoản học phí nào. Nguồn thu nhập của ông chủ yếu đến từ nghề vẽ tranh minh họa.

Phương thức giảng dạy hào phóng của Pyle đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều họa sĩ minh họa nổi tiếng của Mỹ trong thế kỷ 20, bao gồm Maxfield Parrish, Jessie Wilcox Smith, và NC Wyeth.

Theo Agosta, học sinh của Pyle chỉ giành cho ông những lời khen ngợi và nhận xét tích cực về cách giảng dạy của ông. Học trò của ông, Maxfield Parrish đã từng mô tả ông theo cách này:

“Thực tế ông ấy không dạy chúng tôi quá nhiều [kỹ xảo], kỳ thực, học đến cuối cùng cũng chỉ là để hiểu tấm lòng “vị nhân” của ông ấy. Không hiểu vì sao, mỗi khi nói chuyện với ông ấy xong, bạn đều cảm thấy tràn đầy cảm hứng và muốn ra ngoài làm một điều gì đó vĩ đại. Tôi thực sự hiếu kỳ về phương pháp thần kỳ mà ông ấy đã sử dụng.”

NC Wyeth cũng ca ngợi tinh thần giảng dạy của Pyle. Wyeth đã từng viết, “Pyle có một biện pháp để khiến học sinh của ông ấy đối xử với cuộc sống và nghệ thuật theo một cách hoàn toàn mới…” Wyeth mô tả bài học sáng tác đầu tiên của mình do thầy Pyle dạy: “Từ trước tới giờ, chưa bao giờ có một bài diễn giảng nào lại mở mang tầm mắt đối với tôi như vậy.”

N.C. Wyeth. Cũng là một trong những học sinh của Howard Pyle. Bìa cuốn “The Boy’s King Arthur” của N.C. Wyeth, 1917. Dầu trên vải, 32 5/8 x 22 9/16 inch. Bộ sưu tập Andrew và Betsy Wyeth. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Nhân sinh là giảng đường

Niềm đam mê nghệ thuật của Pyle khiến tôi mê mẩn. Ông nguyện ý giảng dạy miễn phí cho những sinh viên chuẩn bị cống hiến cho sự nghiệp minh họa.

Đánh giá về phương pháp giảng dạy và lối sống của ông, tôi tin rằng để toàn tâm cống hiến cuộc đời cho tranh minh họa, cần có những đặc trưng tính cách nhất định.

Đầu tiên, người vẽ minh họa phải giàu lực tưởng tượng. Lực tưởng tượng được Pyle đề cập ở đây, không có nghĩa là cố tình cải biến dạng mạo thực tế nhằm mục đích làm cho nó kỳ quái khác thường. Ngược lại, ông từng nói: “Bạn bè tôi nói với tôi rằng… khi xem những bức tranh của tôi, họ tựa như đang sống lại trong thời đại đó.” Ông cũng nói với học sinh của mình: “Hãy đặt tư tưởng của bạn trong chủ đề của bức tranh, cho đến khi cảm thấy như ‘thân nằm trong cảnh’… đặt trái tim của bạn vào bức tranh, sau đó cả chỉnh thể thâm nhập vào đó.”

Đối với tôi mà nói, khóa học minh họa này cũng đồng thời là một khóa huấn luyện sự đồng cảm. Nó yêu cầu học sinh bước ra khỏi tự kỷ, suy nghĩ xem một người nào đó ở một nơi nào đó trông như thế nào, họ cảm thấy thế nào, họ đang nghĩ gì, v.v.

Thứ hai, người vẽ minh họa phải có khả năng dẫn khởi cộng hưởng hữu hiệu thông qua bức tranh. Người vẽ tranh minh họa phải bước ra khỏi tự ngã một lần nữa, và suy nghĩ xem khán giả sẽ thể nghiệm và lý giải bức tranh minh họa này như thế nào. Vì vậy, mỗi khi một họa sĩ minh họa sáng tác ra một tác phẩm mới, anh ta phải tập luyện nhiều lần việc tự đặt mình vào hoàn cảnh đó và suy nghĩ.

Cuối cùng, các họa sĩ minh họa không chỉ phó xuất cho các bức vẽ của họ, mà còn phó xuất những thứ quý giá nhất của họ: thời gian và sự vất vả của họ.

Nói cách khác, người vẽ minh họa phải không ngừng vì người khác mà suy nghĩ.

Làm thế nào để chúng ta luyện tập chuyển hoán trí tưởng tượng theo khái niệm địa phương và thời gian? Làm thế nào chúng ta có thể đồng cảm và thiện giải nhân ý hơn trong giao tiếp với mọi người xung quanh? Và làm thế nào chúng ta có thể vận dụng thời gian và tinh lực của mình để khích lệ và truyền cảm hứng cho những người xung quanh?

Giới thiệu về tác giả bài viết:
Eric Bess là một nghệ sĩ hiện thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Bài báo gốc của Howard Pyle: An Illustrator’s Lessons đã được đăng trên tạp chí Epoch Times

Hương Thảo biên dịch