Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục thời Xuân Thu và là người sáng lập tư tưởng Nho gia. Cả cuộc đời ông theo đuổi sự nghiệp truyền Đạo, thọ nghiệp, phá giải mê hoặc để hoằng dương Đạo. Khổng Tử miệt mài giảng đạo lý làm người, chú trọng bắt đầu từ những việc trước mắt, các việc khác sẽ tự nhiên rộng mở thông suốt. 

Khổng Tử coi việc kế thừa mạch sống văn hóa truyền thống là sứ mệnh của mình. Ông có ảnh hưởng và cống hiến lớn đến lịch sử phát triển văn hóa các nước Á Đông.  Dưới đây là một số mẩu chuyện về Khổng Tử, được ghi chép trong “Luận ngữ” và “Khổng Tử gia ngữ”.

1. Tấm lòng Thánh nhân

Một lần Khổng Tử du ngoạn núi Nông Sơn, có các đệ tử là Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi tùy tùng. Leo đến đỉnh núi, Khổng Tử phóng tầm mắt đến tận cùng, nhìn xa xăm và cảm thán rằng: “Leo cao nhìn xa, các trò sao không nói ra chí hướng của mình đi, không có gì mà không thể nói cả. Ta sẽ lựa chọn ý kiến hay”.

Thế là Tử Lộ bước lên nói: “Con mong muốn dùng lông vũ trắng làm đuôi tên, dùng lông vũ đỏ trang sức cho lá cờ rực rỡ. Trong tiếng chuông trống dậy đất của hiệu lệnh tiến quân, con dẫn đoàn quân anh dũng xua đuổi quân thù, bừng bừng khí thế thu hồi vạn dặm giang sơn. Tử Cống và Nhan Hồi có thể giúp con bàn mưu tính kế lên kế hoạch”.

Khổng Tử nói: “Quả là dũng cảm”.

Tử Cống cũng bước lên nói: “Con mong muốn rằng nếu có một ngày, thấy nước Tề và nước Sở hợp chiến ở bình nguyên Thương Mãng, hai bên dàn trận, thế lực tương đương. Đúng lúc tinh kỳ rợp đất, ngàn cân treo sợi tóc, con mặc áo bào trắng, mũ trắng, đứng giữa hai nước giảng giải quan hệ lợi hại chiến tranh gây ra, không tốn sức một binh sỹ nào, lập tức hóa giải cuộc phân tranh của hai nước. Tử Lộ và Nhan Hồi có thể giúp con lâm trận trợ thế”.

Khổng Tử nói: “Quả là giỏi hùng biện”.

Nhan Hồi yên lặng không nói. Khổng Tử bèn nói: “Nhan Hồi, trò lẽ nào lại không có lý tưởng có thể nói?”.

Nhan Hồi đáp: “Việc hai phương diện văn, võ, họ đã nói cả rồi, con còn nói gì nữa đây?”.

Khổng Tử nói: “Tuy là như thế, nhưng mỗi người nói ra chí hướng mình, con vẫn cứ nói ra đi”.

Thế là Nhan Hồi nói: “Con mong muốn gặp được minh vương Thánh chủ để phò tá, dùng lễ nhạc giáo hóa bách tính. Làm cho quân chủ ở trên có thể thuận theo Đạo cảm ứng thiên hạ, làm cho quần thần ở dưới có thể dùng đức giáo hóa chúng sinh. Bách tính biết tu sửa coi trọng thành tín và sống hòa mục, người dân an cư lạc nghiệp. Binh khí đúc thành nông cụ, thành trì biến thành ruộng phì nhiêu. Tri ân láng giềng gần, ôn nhu tiếp đãi vùng xa xôi. Các nước xung quanh không nước nào là không cảm hóa đức nhân, buông binh khí, ngừng chiến tranh. Từ đó thiên hạ không còn họa hoạn tranh đấu, chiến tranh nữa. Nếu có thể có được ngày như thế, thì cũng không cần Tử Lộ và Tử Cống đi cứu khổ cứu nạn nữa”.

Khổng Tử nghe rồi nói: “Quả là tốt đẹp. Đó chính là đức vậy”.

Tấm lòng Thánh nhân
Khổng Tử nghe rồi nói: “Quả là tốt đẹp. Đó chính là đức vậy”. (Ảnh minh họa từ youtube)

Tử Lộ nói: “Phu tử, thầy chọn ý tưởng nào?”

Khổng Tử nói: “Không tổn hại tài lực, không nguy hại bách tính, cũng không có những lời hoa mỹ khoa trương, thế thì ta phải chọn Nhan Hồi rồi”.

Kiên trì Đạo giúp đời, khiến bách tính sống hòa bình và yên ổn, đó cũng là chí hướng của Thánh nhân Khổng Tử.

2. Khí cụ bên phải chỗ ngồi

Khổng Tử đến thăm Thái miếu nhà Chu, thấy trong miếu có một vật gọi là “y khí”, bèn hỏi người coi miếu: “Đây là khí cụ gì vậy?”

Người coi miếu trả lời: “Cái này là khí cụ để bên phải chỗ ngồi, dùng để luôn luôn nhắc nhở bản thân”.

Khổng Tử nói: “Tôi đã từng nghe nói về đặc tính của khí cụ này, không chứa gì thì nghiêng, chứa lượng thích hợp thì ngay ngắn, mà đầy thì lật úp. Có đúng như vậy không?”

Người coi miếu nói: “Đúng vậy”.

Khổng Tử bảo các đệ tử lấy nước đổ vào thử, quả đúng là như thế.

Khổng Tử cảm thán rằng: “Sự vật làm gì có đạo lý đầy mà không đổ đâu?”

Tử Lộ nói: “Ý của Phu tử là nói mọi người thường giống như cái ‘y khí’ này khi đổ đầy nước, cứ luôn cho rằng ý tưởng, cách làm của mình là chính xác, do đó cứ một mực theo ý mình làm, kết quả dẫn đến thất bại, là như vậy phải không? Vậy xin hỏi Phu tử, muốn giữ được trạng thái đầy mà không lật úp thì có biện pháp gì không?”

Khổng Tử nói: “Muốn giải quyết vấn đề tự đại tự mãn này, cần phải biết tiết chế bản thân, khiến trong tâm luôn giữ lại một không gian cần thiết”.

Tử Lộ lại hỏi: “Muốn trong tâm mình luôn giữ lại một không gian cần thiết thì dùng biện pháp gì mới có thể làm được?”

Khổng Tử trả lời: “Người có đạo đức phẩm hạnh rất cao thượng, cần giữ khiêm cung. Người có đất đai rộng lớn giàu có, cần giữ tiết kiệm. Người có địa vị cao quyền lực lớn, cần giữ khiêm hạ đối đãi người. Người có nhân khẩu nhiều, binh lực hùng mạnh, cần giữ cảnh giác, cẩn thận. Người thông minh trí tuệ, kiến thức rộng hiểu biết nhiều, cần luôn luôn nhắc nhở mình vẫn còn nông cạn, chớ tự cho mình là đúng, dùng để giữ bản tính của mình. Đó chính là biện pháp tiết chế bản thân, khiến trong tâm mình vĩnh viễn giữ được không gian cần có. Kinh Thi viết: “Thanh hàng bất trì, Thánh kính nhật tê”, là nói rằng, vua Thành Thang thờ Thượng Đế chí thành chí kính, lễ đãi người hiền, kẻ dưới, do đó đức Thánh kính ngày một tăng”.

Khí cụ bên phải chỗ ngồi
Khổng Tử và cậu học trò Tử Lộ. (Ảnh minh họa từ youtube)

Người xưa thường dùng khí cụ bên phải chỗ ngồi, gọi là ‘hữu tọa chi khí’ để tự răn mình hiếu học, có chừng mực và khiêm cung. Có tấm lòng rộng lớn, khiêm nhường, giống như Trời che phủ vạn vật, như Đất nâng đỡ vạn vật, giữ đầy mà không tràn.

3. Nghĩa trên hết

Khổng Tử gặp quốc quân nước Lương. Quốc quân hỏi Khổng Tử: “Ta muốn có địa vị và quyền lực của quốc quân vĩnh viễn, muốn có được đất đai và tài sản của các nước chư hầu, muốn bách tính vĩnh viễn tin tưởng mình, muốn vắt kiệt khả năng của đất đai, muốn mặt trời, mặt trăng mọc hay lặn đều theo ý muốn của ta, muốn Thánh nhân tự nguyện đến với ta, muốn các quan phủ đều giỏi trị vì bách tính, làm thế nào mới có thể đạt được các mục đích đó?”.

Khổng Tử trả lời: “Quốc quân của các nước lớn, nước nhỏ đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi, chưa từng có thủ đoạn trị quốc nào như ngài, cũng không có biện pháp nào làm được. Nếu hai quốc quân hai nước có thể tôn trọng và lễ kính lẫn nhau, thì có thể vĩnh viễn có được quốc gia. Quốc quân có thể dùng nền chính trị nhân đức thi ân cho bách tính, quan lại có thể vì nước vì dân làm việc bằng tấm lòng chân thành, phù hợp với đạo nghĩa thì sẽ khiến các nước chư hầu tâm phục. Không sát hại người vô tội, không bỏ sót người có tội thì có thể được bách tính tín nhiệm. Làm cho người có chí hướng được sử dụng hữu ích, thưởng cho quan lại có thành tựu, thì có thể vắt hết năng lực của đất đai. Kính phụng Trời, kính sợ Thần, mặt trời mặt trăng sẽ tự chuyển động như ý; xử lý tốt vấn đề hình phạt, Thánh nhân sẽ tự nhiên đến. Tôn sùng người hiền đức, dùng những người hiền tài có đạo quản lý các nơi, ai nấy có thể thi triển hết khả năng thì quan phủ sẽ quản lý tốt bách tính”. 

Khổng Tử đề xướng bất kỳ việc gì cũng phải dùng đạo nghĩa cân nhắc xem xét đúng sai, lấy bỏ, nhất thiết không được lấy danh lợi làm nền tảng. Trong cuộc sống gặp việc hợp với đạo nghĩa, nên làm, thì phải dũng cảm làm. Khổng Tử nói: “Đối với việc trong thiên hạ, người quân tử không có việc nào nên làm, không có việc nào không được làm, hết thảy hành xử chỉ cần hợp với nghĩa”. 

Theo mhradio.org
Kiến Thiện biên dịch