Từ cổ chí kim, các tác phẩm văn học, thơ ca đều ca ngợi tình yêu lý tưởng không vụ lợi, không có điều kiện. Nhưng trên thực tế, tình yêu nếu luôn lý tưởng thì có thật sự đẹp và bền vững?

Tình yêu lý tưởng

Kỳ thực, những ca tụng hoa mỹ nhất, những lời hứa “nhật nguyệt chứng giám” trong những bài thơ, lời ca đều xuất phát từ nguyện vọng của con người đối với tình yêu. Cũng bởi nó quá khó xuất hiện trong đời sống nên mới khiến các thi nhân, học giả càng muốn viết về một thứ tình yêu lãng mạn hóa trong nghệ thuật, bởi suy cho cùng, nghệ thuật cũng chính là sự lãng mạn cuộc sống.

Nghệ thuật văn học là một phần của cuộc sống, nó tái hiện cuộc sống ở thế giới thực trong một thế giới ảo khác, vì vậy, nghệ thuật vừa là sự phản ánh cuộc sống, đồng thời nó lại cũng tách rời với cuộc sống thực. Tình yêu lý tưởng chính là phản ánh tư tưởng về “cái đẹp” siêu thường của những người làm nghệ thuật, mong muốn “tìm thấy, đạt được” trong thế giới tình cảm cùng với thái độ tôn sùng tình yêu của người nghệ sĩ.

Nói đúng hơn, đó không chỉ là lý tưởng của của người nghệ sĩ, mà đó cũng chính là ước mơ, hy vọng của tất cả nhân loại. Những lời nói “Chúng ta sẽ yêu nhau và bên nhau mãi mãi”, “Tình yêu là không có điều kiện nào hết” hay như “Anh sẽ mãi mãi chỉ yêu mình em”… đều là hy vọng về tình yêu, và được nhà thơ, nhà văn thể hiện lên các trang giấy.

Ảnh: Chụp màn hình YouTube.

Bởi thực tế tình yêu thật vô cùng mong manh

Những cuộc tình hoàn hảo và đẹp đẽ như con người vẫn mong tưởng thật ra rất hiếm có khó tìm, thực tế là đôi khi tình yêu còn cách vô cùng xa so với điều ta nghĩ tưởng. Hơn nữa, theo những gì quan sát được, tình yêu không chỉ được sinh ra dưới các loại điều kiện, hơn nữa còn vô cùng mong manh, dễ vỡ. Nó có thể sẽ đổi thay, cũng có thể sẽ như quả cầu pha lê bị vỡ nát, thậm chí còn có thể như bong bóng xà phòng hoàn toàn biến mất vào một lúc nào đó.

Tất cả là do tình cảm con người không đủ kiên định, quá dễ dàng thay đổi, vì vậy một khi gặp phải thử thách, trở ngại, thứ tình cảm yếu ớt ấy sẽ bị tổn thương. Nói tình yêu là có điều kiện ở đó, có thể sẽ không đẹp, cũng không lãng mạn, làm người ta cảm thấy có phần nhụt chí, nhưng đó mới chính là tình yêu thực tế trong cuộc sống này.

Thứ tình yêu mang tên “nhất kiến chung tình”

Hai người xa lạ, gặp nhau, quen nhau, nảy sinh cảm tình rồi yêu nhau; nhìn như tình cờ nhưng thật ra đều chứa vô số duyên cớ trong đó. Nó bao gồm tuổi tác, trình độ giáo dục, trình độ văn hóa, hoàn cảnh gia đình, tướng mạo, sở thích… hàng nghìn hàng vạn những điều kiện nằm ở trong đó. Mỗi một thứ đều có thể trở thành chất xúc tác khiến hai người từ xa lạ thành thân quen rồi trở thành một nửa của nhau.

Tình yêu “nhất kiến chung tình” nảy sinh chỉ từ lần gặp mặt đầu tiên, bị khí chất, tướng mạo đối phương thu hút mà không cân nhắc đến những điều kiện khách quan trên. Nó rất đẹp, nhưng nếu gặp phải thử thách, khảo nghiệm lại sẽ dễ dàng tan biến.

Tình yêu được sinh ra từ sự thấu hiểu, đồng cảm, rồi được thời gian khảo nghiệm, cấp cho ít nhiều cơ hội để bỏ đi cái tôi, vị tha và bao dung hơn, dù là thứ tình yêu chằng chịt vết sẹo, chẳng lung linh, nhưng lại bền vững và sâu sắc hơn cả nếu cả hai cùng vượt qua được các quan ải.

Ảnh: Shutterstock.

Những hờn giận, hiểu lầm, xa cách, nếu có thể dùng ngược lại làm cơ hội để hai trái tim tiến gần nhau hơn, thì cũng giống như những cái cọc chắc chắn, chống đỡ cho tình cảm khi gặp khó khăn, trở ngại.

Lời thề “biển cạn đá mòn” thưở đầu là thật, ngày hôm nay lời thề tan biến cũng là thật. Không phải ai đó thay lòng đổi dạ, chẳng qua một khi điều kiện ban đầu của tình yêu không còn nữa, tình cảm cũng theo đó mà biến mất. Thế nên điều kiện chỉ để ta đến với nhau, ở lại bên nhau và cùng nhau đi hết con đường chung, phải là bằng sự vị tha rộng rãi của tấm lòng, bằng trách nhiệm và tinh thương không điều kiện.

Trâm Anh
Theo Cmoney

Video xem thêm:

videoinfo__video3.dkn.tv||b766d8b6f__