Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh họ Lý ở Hà Nam, mới kết hôn được mười ngày, thì mẹ chàng sinh bệnh, hai vợ chồng luân phiên nhau chăm sóc bà, khi ngủ cũng không cởi y phục. Cứ như vậy trong bảy tám tháng sau, mẹ chàng qua đời. Họ cũng cẩn thận tuân thủ lễ pháp, không động phòng trong ba năm. Sau này, vì gia cảnh bần hàn, nên họ phải chuyển đến nhà nhạc phụ sinh sống.

Gia đình bố vợ cũng chỉ đủ ăn đủ mặc, lại không có nhiều phòng, nên họ hầu như không có được một gian phòng để ở. Chưa đầy một tháng sau, em trai của nhạc mẫu đi làm thầy giáo ở nơi xa, gửi mẹ mình đến cho chị gái chăm sóc. Ở nhà không còn phòng trống, nên bà cụ phải ở cùng phòng với vợ của thư sinh họ Lý, còn Lý sinh thì ở trong thư phòng, hai vợ chồng chỉ ăn cùng bàn vào buổi sáng và buổi tối. Lại hai năm nữa trôi qua, Lý sinh muốn lên kinh thành chuẩn bị tham gia khoa cử để hiển đạt công danh, bố vợ cũng mang theo cả nhà đến Giang Tây làm nhân viên trong quan phủ.

Sau đó, Lý sinh nhận được tin tức từ bố vợ truyền đến, nói rằng vợ chàng đã chết. Lý sinh tang tóc đau buồn, trong cảnh bần cùng khốn khó, không thể sinh tồn, chàng phải đi thuyền về phía nam đến Giang Tây tìm nhạc phụ. Nhưng lúc này, bố vợ đã đổi chủ mới, theo chủ mới đến một địa phương khác. Lý sinh không tìm được họ, không có nơi nào để ở, chàng chỉ có thể bán chữ ở chợ để mưu sinh.

Một ngày nọ, trên đường phố, chàng gặp một người đàn ông thân hình lực lưỡng, người đàn ông đó cầm bức thư pháp do Lý sinh viết, nhìn rồi nói: “Chữ viết của tiên sinh rất đẹp, tôi sẽ cho tiên sinh ba mươi bốn mươi lượng bạc một năm, tiên sinh giúp tôi viết một số văn kiện hay thư từ, có được không?” Lý sinh vui mừng khôn xiết, lập tức lên thuyền cùng người đàn ông. Khói và nước mờ mịt đến nỗi chàng không biết đó là nơi đâu.

Đến nhà người đàn ông, nhìn thấy bài trí xa hoa, lương thực dồi dào, xem tài liệu, thư từ đưa cho, chàng mới biết hắn là tên giặc cướp trong rừng xanh. Lý sinh không còn cách nào khác ngoài việc tạm thời an thân. Nhưng lo lắng về hậu hoạn, chàng đã đổi danh tính và quê quán của mình. Chủ nhân hào hoa sang chảnh, ca kĩ vũ nữ đầy nhà, nhưng cũng hiếu khách, mỗi lần tấu nhạc đều phải mời Lý sinh đến xem. Một lần, Lý sinh vô tình nhìn thấy trong bữa tiệc một người phụ nữ trông rất giống vợ mình, nhưng lại cho rằng vợ mình đã chết. Người phụ nữ cũng thường xuyên quan sát Lý sinh, hai người dường như đều quen biết nhau, nhưng lại không dám nói với nhau một lời.

Sau này chàng mới biết, khi bố vợ đưa gia đình đến Giang Tây thì bị toán cướp này tấn công, thấy vợ của Lý sinh xinh đẹp, bọn cướp cũng bắt nàng đi. Bố vợ cho rằng đây là nỗi ô nhục của gia đình, nên nhanh chóng mua một chiếc quan tài mỏng, nói dối rằng con gái mình bị thương và đã chết, giả vờ khóc lóc rồi khiêng quan tài lên xe đưa đi. Vợ của Lý sinh sợ bị bọn cướp giết, nên buộc phải phục tùng chúng, trở thành tiểu thiếp của tên cướp. Mặc dù hôm nay gặp nhau ở đây, nhưng Lý sinh vẫn tin rằng vợ mình đã chết, người vợ cũng không biết Lý sinh đã thay đổi danh tính và quê quán, cả hai đều nghi ngờ người kia chỉ là người có ngoại hình giống nhau, nên không dám nhận nhau.

Họ đại khái cứ ba, năm ngày lại gặp nhau một lần, sau khi đã quen rồi, họ không còn nhìn nhau nữa. Sáu bảy năm trôi qua như vậy, một ngày nọ, tên cướp nói với Lý sinh: “Chuyện của chúng ta sắp bại lộ, cậu là một thư sinh, không nên phải gặp tai họa như vậy. Đây là năm mươi lượng vàng, cậu có thể lấy nó và giấu nó trong đám lau sậy ở đâu đó, đợi cho đến khi quan binh đuổi theo chúng ta rời đi, cậu hãy nhanh chóng tìm một chiếc thuyền đánh cá để trở về nhà. Mọi người ở đây đều biết cậu, đừng lo lắng, họ sẽ đưa cậu đi.” Nói xong, hắn hua tay bảo Lý Thịnh mau rời đi, trốn đi càng sớm càng tốt.

Chẳng bao lâu, bỗng nghe thấy những âm thanh đánh nhau hỗn loạn, nghe thấy có người báo cáo: “Bọn cướp đều đã trốn thoát bằng thuyền, vàng bạc, tơ lụa, sa tanh và phụ nữ của chúng hiện đã bị tịch thu.” Trời đã tối, Lý sinh qua ánh lửa, nhìn thấy tất cả các ca kĩ vũ nữ đều xõa tóc, cánh tay để trần, hai tay bị trói sau lưng, dây thừng quấn quanh cổ và bị dùng roi đuổi đi. Và người phụ nữ trông giống vợ chàng cũng ở trong đó. Nàng sợ hãi, toàn thân run rẩy, vô cùng đáng thương.

Ngày hôm sau, trên đảo không còn một bóng người, Lý sinh đứng ngơ ngác bên mặt nước. Một lúc sau, một người đàn ông đột nhiên đi thuyền nhỏ tới và hét lên: “Tiên sinh có ở lên không? Đại vương không có việc gì. Hiện tại sai tôi đưa tiên sinh về nhà.” Thuyền đi suốt một ngày một đêm, cuối cùng cũng tới được bờ. Lý sinh sợ bị phát hiện nên cầm vàng đi về phương bắc.

Sau khi chàng về quê, nhạc phụ cũng đã trở về. Lý sinh vẫn sống tại nhà cha vợ, dùng số vàng mang về để kinh doanh, gia đình chàng dần dần trở nên giàu có. Lý sinh nhớ lại người vợ mà chàng rất yêu thương, nhưng trong suốt mười năm chung sống, họ chưa từng bao giờ có thể ngủ chung giường quá một tháng. Bây giờ có chút tiền, lại không nhẫn tâm để nàng bạc táng, nên tính đổi sang một chiếc quan tài tốt hơn, đồng thời cũng muốn nhìn thấy di cốt của vợ để thực hiện tâm nguyện của mình. Bố vợ cực lực khuyên can, nhưng Lý Thịnh không chịu nghe, nhất quyết muốn cải táng, bố vợ không còn cách nào khác là phải nói ra sự thật.

Biết được sự thật, Lý sinh lúc này bèn vội vã đến nơi chàng đã chia tay vợ ở Nam Xương, mong tìm lại được vợ cũ, mong rằng gương vỡ lại lành, gia đình có thể đoàn tụ. Nhưng những ca kĩ vũ công bị bắt đi hồi đó không biết đã lưu lạc đến nơi đâu. Mỗi khi Lý sinh nhớ lại sáu bảy năm ở sào huyệt của tên cướp, hai người ngày ngày gần kề bên nhau, nhưng lại như cách xa vạn dặm, chàng lại cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Nghĩ lại cảnh nàng bị trói bị đánh khi bị bắt, chàng không biết sau đó nàng còn phải chịu đựng bao nhiêu tra tấn, lại càng đau lòng hơn. Từ đó Lý sinh không lấy vợ nữa, sau này nghe nói chàng đã xuất gia.

(Nguồn: “Duyệt vi thảo đường bút kí”)

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch