Trong văn hóa truyền thống mọi người đều tin rằng “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Một vị huyện lệnh triều Đường cả đời đã làm rất nhiều việc xấu, nhưng Diêm Vương không những không trừng phạt mà còn kéo dài tuổi thọ cho ông ta thêm 30 năm. Việc này rốt cuộc là như thế nào?

Bảo hộ Phật đường, lập công chuộc tội được thiện báo

Câu chuyện này được ghi chép trong “Thái Bình quảng ký”. Năm Khai Nguyên thứ 15 triều Đường (năm 727), hoàng đế hạ lệnh tất cả các Phật đường trong các thôn phường khắp thiên hạ, những Phật đường nào nhỏ thì đều nhất loạt tháo dỡ, Phật đường to thì toàn bộ phải đóng cửa. Rất nhiều người không tín Phật nghe thấy thế liền hành động, một số chùa Phật lớn và tượng Phật cũng bị hủy hoại.

Huyện lệnh huyện Tân Tức, Dự Châu là Lý Hư, ông là người cứng rắn, tự phụ, tính tình nóng nảy lại thích sát nhân, hành xử thường trái với đạo nghĩa, lại còn thích uống rượu. Hôm đó ông ta đang uống rượu say túy lúy thì công văn châu phủ truyền đến, yêu cầu ông ta trong vòng 3 ngày phải phá hủy toàn bộ chùa chiền trong địa hạt quản lý. Lý Hư thấy vậy liền nổi giận, liền hạ lệnh cho quan lại thuộc hạ rằng: “Trong địa hạt ta quản lý, nếu có người nào dám phá Phật đường thì nhất loạt đều xử tử”.

Vì vậy toàn bộ Phật đường ở địa hạt huyện Tân Tức đã được bảo toàn nguyên vẹn.

Thực ra lúc đó không phải là trân quý chùa chiền, bởi vì thời hạn quá ngắn nên ông cảm thấy phẫn nộ, liền nhất quyết bảo toàn Phật đường. Sau đó ông ta cũng không để tâm đến việc này nữa.

Một năm sau, Lý Hư bệnh qua đời. Người nhà đưa ông vào quan tài chuẩn bị hôm sau mai táng. Đêm đó khi người nhà đang vây quanh quan tài khóc lóc, đến nửa đêm bỗng nghe thấy tiếng gõ đập trong quan tài. Người nhà mở ra xem, thì ra Lý Hư đã sống lại rồi. Sau đó Lý Hư kể lại sự tình ông đã trải qua dưới âm phủ.

Lý Hư đến điện Diêm Vương, Diêm Vương lệnh cho thư lại lấy sổ thiện ác của Lý Hư. Vừa xem sổ thiện ác, Diêm Vương thấy tội lỗi chồng chất liền muốn dùng nhục hình trừng phạt. Lý Hư rất sợ hãi vội vàng nói: “Năm ngoái hoàng đế giáng chỉ lệnh cho các địa phương phá dỡ Phật đường, phá hủy tượng Phật, chỉ có khu vực con quản lý là không phá hủy Phật đường. Không biết công đức này có thể tiêu trừ được tội nghiệp không?”.

Diêm Vương kinh ngạc lệnh cho thư lại đem số phúc đức ra tra xem.

Thư lại đem sổ phúc đức đến, trong đó có ghi chép việc thiện cực kỳ ít, chỉ có một trang giấy, bèn đọc to: “Năm ngoái có thánh chỉ hạ lệnh tháo dỡ Phật đường, duy chỉ có Phật đường ở huyện Tân Tức là được bảo toàn. Thế nên tiêu trừ được tội lỗi cả cuộc đời, đồng thời kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm, sau đó chuyển sinh làm người”.

Thư lại vừa dứt lời thì quyển sổ tội dày cộp đó bỗng bị cháy sạch. Diêm Vương liền cho Lý Hư trở về, thế là ông ta liền sống lại.

(Ảnh minh họa: ivsky.com)

Việc thiện bảo vệ Phật đường của Lý Hư không chỉ bù đắp được tất cả những việc xấu ông đã làm xưa nay mà còn được kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm. Vậy thì nếu có người hủy Phật diệt Pháp thì kết cục của họ sẽ như thế nào?

Hủy Pháp diệt Phật, tội nghiệp trả không hết

Thôi Hạo là đại thần chức cao quyền trọng, làm quan đến chức tư đồ. Ông học rộng đa tài, tài năng thao lược xuất chúng, Ngụy Thái Vũ Đế luôn nghe theo mưu kế của ông. Một hôm Thôi Hạo tháp tùng Thái Vũ Đế đến Trường An. Sau khi vào một ngôi chùa thờ Phật, thấy trong chùa có các vũ khí như cung tên, đao thuẫn, Thái Vũ Đế không để cho người ta phân bua liền hạ lệnh đem tất cả tăng nhân trong chùa ra giết hết. Thôi Hạo thừa cơ nói: “Nên giết hết tất cả tăng nhân đi, thiêu hủy hết tất cả tượng Phật và kinh Phật”.

Thái Vũ Đế liền nghe theo lời kiến nghị của Thôi Hạo, ra lệnh cho toàn quốc đều làm như thế.

Bốn năm sau, vào năm Thái Bình Chân Quân thứ 11, Thôi Hạo vì phạm lỗi nhỏ đắc tội với Thái Vũ Đế, kết quả bị phán tội chết, đồng thời bị tru di cửu tộc, gia tộc bị diệt sạch. Trước khi bị hành hình, Thôi Hạo bị tống giam vào xe tù, cai ngục sai 10 người đứng lên xe đổ nước tiểu vào miệng ông ta, cứ như thế đi mấy dặm. Thôi Hạo ở trong xe tù khổ không chịu nổi, kêu khóc không ngừng. Thôi Hạo lần lượt chịu 5 loại hình phạt là đánh roi, đánh gậy, chân trần đi đường, lưu đày và xử tử. Đây là những nhục nhã mà người bị xử tử hình từ xưa đến nay chưa từng phải chịu đựng.

Sử nhà Tùy có chép, thời Nam Bắc triều, Vũ Văn Ung (543 – 578) sau khi làm Chu Vũ Đế nhà Bắc Chu đã cấm truyền bá và tín ngưỡng Phật giáo. Sau khi ông ta chết liền bị phán quan bắt tống vào địa ngục, chịu đủ các loại nhục hình. Năm 598 có người tên là Triệu Văn Xương bỗng nhiên đột tử nhưng tim vẫn còn ấm, người nhà giữ thi thể không dám liệm. Triệu Văn Xương đến địa ngục, thấy Chu Vũ Đế đeo 3 tầng gông cùm trên người. Ông ta vô cùng đau đớn thảm thiết hỏi Triệu Văn Xương rằng: “Ông còn nhận ra ta không?”.

Triệu Văn Xương trả lời: “Năm xưa thần là quan thị vệ của bệ hạ, ngày đêm túc trực bên ngài”.

Vũ Đế nói: “Ông đã là cựu thần của ta, ông tạm thời đến đây, chẳng mấy chốc ông sẽ trở về. Sau khi ông trở về thì giúp ta nói với Tùy Văn Đế rằng: Các loại tội lỗi ban đầu của ta đều đã hoàn trả rất nhanh chóng rồi, chỉ còn tội ác diệt Phật này quả thực vô cùng lớn, hoàn trả mãi không hết, đến nay vẫn chưa được tha. Mong Tùy Văn Đế làm một chút công đức cho ta, ta nhờ vậy mà được phúc báo, thì mới có thể thoát khỏi địa ngục”.

***

Tục ngữ có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một  người”. Lý Hư bản tính hung dữ ngang ngược, không biết thiện ác báo ứng, chỉ vì lúc rượu say túy lúy mà đã bảo toàn chùa Phật. Việc này tuy không phải bổn ý của ông ta, nhưng làm việc thiện này không những tiêu trừ được các loại tội lỗi ông ta đã phạm ở thế gian, mà còn được “kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm, đời sau được chuyển sinh làm người”. Đắc được phúc báo này chẳng phải do ông ta đã bảo toàn được chùa Phật mà có được đó sao?

Trái lại, nếu như Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung, Thôi Hạo hủy Pháp diệt Phật, thì đó chính là tội ác cùng cực, báo ứng vô cùng thảm khốc.

Theo Đường Thi / secretchina.com
Kiến Thiện biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||b0b454dbe__

Xem thêm: