Thời xưa, Hoàng đế được mệnh danh là “Thiên tử” (con Trời), quyền lực của Hoàng đế cũng là “quân quyền Thần thụ” (do Thần ban cho). Vì thế nên Hoàng đế phải kính sợ Trời đất Thần linh, ước thúc mọi hành vi cho phù hợp với Thiên đạo. Ngoài ra, còn một loại kính sợ nữa mà Hoàng đế ắt phải có, có được nó thì sẽ khiến quốc thái dân an.

1. Chỉ mong tướng quốc không lạm dụng quyền lực

Thời Đường Huyền Tông, khi Chu Trì vừa mới nhậm chức tể tướng, nói riêng với Vĩ Úc rằng: “Bản thân năng lực yếu kém, nay phải đảm nhậm trọng trách như vậy, ông phải giúp tôi mới được!”.

Vĩ Úc nói: “Tôi mong tướng công không có quyền lực, đừng có sử dụng quyền lực!”.

Chu Trì nghe xong, cảm thấy vô cùng kinh ngạc, không biết những lời này là có ý gì.

Vĩ Úc nói: “Thưởng công phạt tội (ban thưởng những người có công, trừng phạt những kẻ có tội), nếu không phù hợp công luận thiên hạ, sẽ tạo thành rất nhiều sai lầm. Mong ông đừng lấy buồn vui yêu ghét của cá nhân mà lạm dụng quyền uy, giống như ông không có quyền lực vậy. Ông chỉ cần hạ lệnh cho các quan lại cấp dưới, ai nấy đều làm tròn chức trách, làm việc theo lẽ công bằng. Thế thì ông chỉ cần ở trong triều đình, áo mũ chỉnh tề, cung kính nghiêm trang ngồi đó đốc thúc quan sát họ là được rồi. Thiên hạ tự nhiên sẽ được trị lý. Thế ông còn cần đến quyền lực gì nữa đây?”.

Chu Trì nghe xong, rất là tán thành.

2. “Đạo nào có thể mang lại thái bình?”

Lý Biện, tự Chính Luân, là người Từ Châu (Giang Tô ngày nay). Ông vốn là con nuôi của đại thừa tướng Từ Ôn nước Ngô. Năm thứ 3 niên hiệu Thiên Tộ (năm 937), ông soán ngôi nước Ngô, sử sách gọi là Nam Đường.

Vương Tê Hà, từng học phép tu đạo từ đạo sĩ. Trong thời Lý Biện làm chủ nhà Nam Đường, từng ban tên hiệu cho Vương Tê Hà, gọi ông là “Chân Tố đạo nhân”.

Có một ngày, Nam Đường Chủ Lý Biện hỏi đạo sĩ Vương Tê Hà: “Đạo nào có thể khiến cho thiên hạ thái bình?”.

Vương Tê Hà trả lời rằng: “Thân làm đế vương, cần phải trị tâm trị thân, yêu nước thương dân, xử lý công việc một cách khiêm tốn. Sau đó, mới có thể trị lý tốt quốc gia. Hiện giờ, bệ hạ vẫn còn chưa loại trừ được tính nết ‘đói bụng thì oán trách, no bụng thì vui mừng’, sao lại nói đến chuyện khiến thiên hạ thái bình được đây?”.

Hoàng hậu của Lý Biện đứng ở phía sau rèm, nghe thấy những lời này của Vương Tê Hà. Bà khen Vương Tê Hà nói rất sát với thực tế, đều là những lời hữu ích chí lý.

“Hữu tâm vô tướng – Tướng tự tâm sinh”. Lời khuyên của Vương Tê Hà với vua quả thật rất chí lý. (Ảnh: wikipedia.org)

3. Phó Tể khuyên ngăn Trần Hậu Chủ

Phó Tể, tự Nghi Sự, là người Linh Châu đất Bắc. Thời của Trần Hậu Chủ, ông nhậm chức Tả vệ tướng quân kiêm Trung thư thông sự xá nhân. Ông từng khuyên ngăn Trần Hậu Chủ rằng:

“Thân là vua một nước, nên cung kính phụng sự trời đất, yêu thương che chở bá tính hệt như con mình vậy; kiềm chế các loại ham muốn dục vọng, rời xa bọn tiểu nhân xu nịnh; trời còn chưa sáng thì mặc triều phục thượng triều, trời tối còn bận rộn đến mức quên cả bữa cơm. Chỉ cần làm được như vậy, ân trạch của hoàng thượng mới có thể bao trùm khắp cả trời đất, phúc lộc mới có thể truyền đến con cháu được.

Bệ hạ mấy năm nay tửu sắc quá độ, bất kính Thần linh nơi đền miếu, chuyên lấy lòng tà ma quỷ mị hoang dâm. Bè lũ tiểu nhân ở ngay bên cạnh hoàng thượng, bọn thái giám quan lại lại nắm giữ quyền thế, thù ghét các quan đại thần trung thành thẳng thắn như thù địch vậy. Xem người dân như cỏ rác; phi tần hậu cung áo gấm lụa là; đàn ngựa trong chuồng, ngũ cốc ăn không hết; biết bao người dân trôi giạt khắp nơi, thi thể người dân lưu lạc đầy khắp ngoại thành; còn lũ quan viên thì ngang nhiên đưa nhận hối lộ; tích cóp của quan phủ, tiêu hao không còn một đồng.

Thật khiến cho Thần linh phẫn nộ, người dân oán hận, trước mắt đã tạo thành cục diện nguy hiểm bị cô lập hoàn toàn. Thần lo lắng nơi phía Đông Nam, khí số của đế vương sắp phải đoạn đứt từ đây rồi”.

Trần Hậu Chủ nghe xong nổi giận, hạ lệnh ban Phó Tể cái chết. Hậu Chủ lại tiếc tài của ông, sai người hỏi ông có nguyện ý hối cải hay không. Phó Tể trả lời: “Tấm lòng của thần giống như gương mặt này vậy. Mặt thần nếu có thể biến đổi, thì lòng thần có thể đổi thay”. Ý là nói nếu diện mạo đã khó thay đổi, thì lòng dạ cũng khó thay đổi vậy. Mặt không chút biến sắc, ung dung đón nhận cái chết!

4. Tùy Văn Đế nói lời xin lỗi với gián quan

Tùy Văn Đế từng tức giận một vị quan, lệnh cho thị vệ đánh roi vị quan đó ngay trước đại điện. Lưu Hành Bản khuyên rằng: “Người này trước nay thanh bạch. Lỗi lầm của y lại chẳng đáng kể, mong bệ hạ hãy khoan dung”. Tùy Văn Đế không thèm để ý.

Lưu Hành Bản lúc này, đối diện với hoàng đế, bước lên trước tâu rằng: “Bệ hạ không có chê thần bất tài, bố trí cho Thần giữ chức gián quan bên cạnh. Nếu thần nói đúng, bệ hạ cớ sao lại không nghe; còn như thần nói không đúng, thì hãy lôi thần đến Đại Lý tự trị tội, để tỏ rõ quốc pháp. Sao lại có thể xem thường lời nói của thần mà không chút mảy may để ý chứ”.

Lưu Hành Bản nói xong, ném hốt bản xuống đất, quay lưng bỏ đi. Tuỳ Văn Đế ngây người ra đó, lập tức thần thái nghiêm trang xin lỗi Lưu Hành Bản.

Tuỳ Văn Đế ngây người ra trước lời chân thật nhưng cũng rất cứng rắn của Lưu Hành Bản. (Ảnh: thechive.com)

5. Hoàng đế có hai loại kính sợ, sẽ khiến quốc thái dân an

Tướng mạo của Ngụy Trưng chỉ giống như bao người bình thường khác, nhưng ông rất có trí huệ, có mưu lược. Ông rất giỏi việc xoay chuyển tâm ý của quân vương, thường thường bất cần tình cảm và thể diện mà cực lực can gián. Nếu như gặp phải những lúc Đường Thái Tông đặc biệt tức giận, thần sắc của Ngụy Trưng cũng không biến đổi, sắc mặt của hoàng đế cũng dịu đi phần nào.

Ngụy Trưng từng xin nghỉ phép về quê tế bái mộ phần tổ tiên, sau khi trở về, bẩm lại với Đường Thái Tông, rằng: “Thần nghe nói bệ hạ dự tính du ngoạn Nam Sơn, hành trang bên ngoài đều đã chuẩn bị xong xuôi hết cả, cuối cùng vẫn không có xuất phát, đây là bởi nguyên nhân vì sao?”.

Đường Thái Tông cười nói: “Lúc đầu là có dự tính này, chính là bởi sợ khanh quở trách, vậy nên thôi vậy”.

Ngoài ra, còn có một lần, Đường Thái Tông nhận được một con chim diều hâu rất khôn, đặt trên vai của mình chơi. Từ xa nhìn thấy Ngụy Trưng đang đến, bèn vội giấu con diều hâu vào trong ngực. Ngụy Trưng đến, bẩm tấu chuyện công, cố tình nói hoài nói mãi không có hồi kết. Thế là con chim ưng này, bị chết ngạt ở trong lòng của Thái Tông.

Đường Thái Tông lúc thường kính sợ Thần linh, cũng kính sợ gián quan. Hoàng đế mà có được hai loại kính sợ này, đây là điều đảm bảo cho quốc thái dân an.

6. Đường Thái Tông hạ lệnh: Ngừng việc thu mua ngựa!

Đường Thái Tông sai sứ giả đi tây vực phong lập Diệp Hộ Khả Hãn, chưa kịp đợi sứ giả trở về, lại chuẩn bị cử người đi sang các nước tây vực mua ngựa.

Ngụy Trưng khuyên rằng: “Hiện giờ cử sứ giả đi tây vực, là để phong lập Khả Hãn. Khả Hãn còn chưa lập định, lại cử người đi thu mua ngựa, họ thể nào cũng sẽ cho rằng: bổn ý của ngài đặt ở việc mua ngựa, chứ không phải là đặc biệt phong lập Khả Hãn. Khả Hãn dù được sắc phong, cũng sẽ không cảm ân triều đình. Các nước tây vực biết được chuyện này, cũng sẽ cho rằng Trung Hoa chúng ta khinh nghĩa trọng lợi. Ngựa còn chưa có được, đạo nghĩa đã mất rồi.

Nhớ thời Hán Văn Đế ngày trước, có người đến dâng thiên lý mã, Hán Văn Đế nói: “Những lúc ta tuần du hay tế tự, một ngày đi 50 dặm, những lúc ra ngoài đánh trận, một ngày đi được 30 dặm, xe của ta ở đằng trước, những chiếc xe khác đều ở phía sau, thế ta một mình cưỡi con thiên lý mã này đi đâu đây?”. Bèn ban thưởng lộ phí cho người dâng tặng ngựa, bảo anh ta dắt ngựa về.

Ngụy Trưng khuyên can vua. (Ảnh: wikipedia.org)

Vào thời Hán Quang Võ Đế, có người dâng tặng ông thiên lý mã cùng thanh bảo kiếm. Quang Võ Đế đã dùng con thiên lý mã đó vào việc kéo xe vận chuyển trống trận, còn thanh bảo kiếm thì ban tặng cho kỵ sĩ.

Hôm nay mọi việc làm của bệ hạ, đều đã vượt xa Vũ, Thang, và Chu Văn Vương, nhưng sao trong chuyện này, trái lại lại không được như Hán Văn đế và Hán Quang Võ Đế vậy?

Ngụy Văn Đế muốn tìm mua hạt ngọc châu lớn của tây vực, Tô Tắc nói: “Nếu bệ hạ đem ân huệ ban trải rộng khắp thiên hạ, thế thì không cần phải tốn công tìm mua châu ngọc nữa, thế nào cũng sẽ có người dâng lên, hơn nữa châu ngọc dựa vào tìm mua mà có được, cũng không đủ quý hóa’.

Bệ hạ nếu đã không ngưỡng mộ đức hạnh cao thượng của Hán Văn Đế, lẽ nào cũng không suy nghĩ đến những lời lẽ chính trực thành khẩn của Tô Tắc hay sao?”.

Đường Thái Tông nghe xong những lời này, lập tức hạ lệnh: Ngừng việc thu mua ngựa!

Theo bannedbook.org

Vũ Dương biên dịch