Trong giấc mơ, Trần Kỳ thấy một con hổ mang theo 3 mũi tên chạy về phía thuyền của mình. Ông giật mình tỉnh dậy, cảm thấy giấc mơ rất kỳ lạ nhưng không hiểu nó có ý nghĩa gì…

Trần Kỳ là một vị quan có tài sống vào những năm Thiên Thuận đời Minh Anh Tông (1457-1464). Sau khi thi đỗ tiến sỹ đệ tam giáp, ông được triều đình phái đến tỉnh Giang Tây đảm nhiệm chức Thiêm sự.

Khi mới đến Giang Tây, Trần Kỳ mơ thấy một con hổ mang theo 3 mũi tên chạy thẳng về phía thuyền của mình. Ông giật mình tỉnh dậy, cảm thấy giấc mơ rất kỳ lạ nhưng không hiểu nó có nghĩa gì.

Lúc đó ở huyện Cát An xảy ra một vụ án mạng, chú rể bị giết ngay trong ngày cưới, còn cô dâu thì bị tố đã mưu sát chồng.

Cô dâu vốn là người có hôn ước với chú rể Tường Sinh. Trước khi họ thành hôn, vì gia cảnh Tường Sinh quá nghèo khó nên người nhà cô gái thường phải chu cấp cho anh. Tường Sinh trong lòng vô cùng cảm kích vị hôn thê của mình, anh còn tự hào đem chuyện kể cho cậu bạn thân Chu Bưu. Chu Bưu là công tử của một gia tộc giàu có, vì say đắm trước dung mạo xinh đẹp như hoa như ngọc của cô gái mà từng mạo muội cầu hôn, nhưng sự việc không thành.

Khi Tường Sinh đi đón dâu, Chu Bưu cũng được chọn mặt gửi vàng làm phù rể đi cùng. Nào ngờ đám rước dâu về tới nửa đường thì bất ngờ gặp cướp, chú rể bị giết hại, khiến lễ cưới biến thành lễ tang.

Nào ngờ đám rước dâu về tới nửa đường thì bất ngờ gặp cướp, chú rể bị giết hại. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Cha của Tường Sinh không đành lòng trước cái chết của con trai, bèn kiện lên quan phủ rằng nhà gái chê nhà trai nghèo khổ nên sai người ám hại. Trong bản cáo trạng, ông tố cáo cô gái là chủ mưu sau vụ án này.

Nhận được bản án, Trần Kỳ bèn truyền gọi cha Tường Sinh đến hỏi cặn kẽ chi tiết, nhưng ông chỉ nói: “Cô gái đó có quan hệ với người khác”, nhưng cụ thể là ai thì ông không thể nói ra được.

Trần Kỳ cho bà đỡ đến kiểm tra thì thấy cô dâu vẫn còn trinh tiết. Ông liền hỏi cha Tường Sinh: “Con trai ông kết giao thân thiết với ai nhất?”.

Cha Tường Sinh đáp: “Chu Bưu”.

Vừa nghe cái tên ấy, trong khoảnh khắc Trần Kỳ thấy xúc động nghẹn ngào. Ký ức khiến ông nhớ lại giấc mơ khi vừa mới đến Giang Tây. Ông thầm nghĩ:

“Chữ Bưu (彪) chính là chữ Hổ (虎) ghép với chữ Sam (彡) – giống như ba mũi tên vậy. Trong mơ ta thấy trên thân hổ có mang 3 mũi tên, lẽ nào giấc mơ này là ám chỉ Chu Bưu? Hơn nữa Chu Bưu đi cùng với Tường Sinh đón dâu, phải chăng cậu ta chính là kẻ chủ mưu?”.

Suy luận là vậy, nhưng làm thế nào mới có thể khiến Chu Bưu nhận tội? Trần Kỳ bèn nghĩ ra một cách.

Trong lòng biết Chu Bưu là thủ phạm nhưng lại không có bằng chứng, Trần Kỳ bèn nghĩ ra một cách. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Ông cho gửi một công văn xuống huyện Cát An, nói rằng quan Thiêm sự cần tuyển chọn người tài tuấn kiệt để biên tập bộ sách ‘Quận huyện chí’, đồng thời gửi kèm theo danh sách nhân tài của Cát An, trong đó có tên Chu Bưu.

Sau đó, Trần Kỳ lại mở tiệc mời những nhân tài được liệt kê trong danh sách. Tiệc rượu vừa được nửa chừng, ông bèn gọi riêng Chu Bưu đến hậu đường, rồi cho người phục dịch lui hết ra ngoài. Ông nắm tay Chu Bưu than rằng: “Cậu có biết không, có người tố cáo cậu giết Tường Sinh hòng cướp vợ anh ta. Ta tiếc thương tài học của cậu, nếu quan phủ định án thì rất khó lật lại được. Cậu nên nói cho ta biết sự thật, ta sẽ nghĩ cách cứu cậu”.

Chu Bưu nghe vậy thì tim đập chân run, lập tức quỳ xuống kể lại hết đầu đuôi sự tình với Trần Kỳ. Thì ra đoàn rước dâu vừa đến giữa đường, anh ta liền phái người chặn đường để mưu sát Tường Sinh. Trần Kỳ ghi chép lời khai của Chu Bưu, đồng thời lẳng lặng sai người đi bắt các đồng mưu của anh ta, chỉ sau một lần thẩm vấn là đã nhanh chóng phá án.

Theo NTDTV
Kiến Thiện biên dịch