Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Nhà Nguyễn (1802 – 1945) truyền được 13 đời vua, tổng cộng 143 năm. Nhưng cái mốc cơ nghiệp của họ Nguyễn phải kể từ đầu thế kỷ 17 khi các chúa Nguyễn hùng cứ ở đất Thuận Quảng. Và người mở mang cơ nghiệp ấy cho các vua chúa Nguyễn là một bộ óc vĩ đại xuất thân từ tầng lớp bình dân: Đào Duy Từ. 

Kỳ 2: Thỏa chí tang bồng, thi thố tài năng

Ở kỳ trước, chúng ta đã kể về chuyện Đào Duy Từ bỏ xứ Bắc Hà vào nam theo phò chúa Nguyễn. Kỳ này, hãy cùng xem quân sự họ Đào đã thể hiện bản lĩnh của mình thế nào ở trời Nam?

Chống giữ mặt bắc với họ Trịnh

Thời điểm Đào Duy Từ vào nam, mâu thuẫn Trịnh – Nguyễn ngày càng gia tăng. Chúa Trịnh là Trịnh Tráng thao túng triều chính ở ngoài bắc, thường mượn danh nghĩa vua Lê để ra lệnh cho thiên hạ.

Năm 1627, Trịnh Tráng cử người vào Thuận Hóa mang một đạo chiếu của vua Lê đến sắc phong cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sứ giả Bắc Hà tiếng là đến phong thưởng nhưng thực chất là để dò la nội tình Đàng Trong. Trịnh Tráng cũng đòi chúa Nguyễn cho con trai ra Bắc chầu thiên tử và nộp 30 voi đực, 30 chiến thuyền để sang cống nhà Minh.

Trước yêu sách ngang ngược của họ Trịnh, chúa Nguyễn rất căm phẫn, nhất quyết cự tuyệt. Tuy vậy, Đào Duy Từ đã hiến một kế hoãn binh rất hay. Ông khuyên chúa Nguyễn che giấu binh tình, thực lực, chấp nhận sắc phong của Bắc triều để tranh thủ thời gian hòa hoãn với họ Trịnh, đồng thời cự tuyệt yêu sách giữ con tin và dâng cống phẩm.

800px-bachdang

Lấy cớ chúa Nguyễn trái lệnh vua, tháng 3/1627, Trịnh Tráng khởi 20 vạn đại binh, thủy bộ cùng tiến, chĩa mũi giáo thẳng vào xứ Thuận Hóa. Chúa Nguyễn tức tốc cử Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Phúc Trung đón đánh. Quân nhà Nguyễn phòng ngự kỷ luật, dựa vào địa hình hiểm yếu và sự trợ giúp của đại bác từ Bồ Đào Nha đã đập tan cuộc tập kích của quân Bắc Hà.

Dù đẩy lùi được quân Trịnh về bắc nhưng Đào Duy Từ vẫn thừa hiểu thực lực họ Trịnh vẫn nhỉnh hơn. Ông bày kế cho chúa Nguyễn xây lũy Trường Dục (tức Lũy Thầy), đắp thành cao, hào sâu, tích trữ lương thảo, khí giới, bố trí phòng ngự cẩn mật, sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài với Bắc triều.

Các hào lũy của chúa Nguyễn. Ảnh: Internet.
Các hào lũy của chúa Nguyễn. Ảnh: Internet.

Chúa Nguyễn cho là phải, liền y lời thực hiện ngay. Đào Duy Từ còn hiến kế cho chúa Nguyễn chiếm được châu Nam Bố Chánh (ở Quảng Bình ngày nay) để làm tấm bình phong, chặn lấy đường đi quân của họ Trịnh vào Đàng Trong.

Năm 1631, Đào Duy Từ lại khuyên chúa Nguyễn đắp thêm một hàng lũy dài 18 km nữa chắn ngang cửa biển Nhật Lệ. Nhờ có hai con lũy chiến lược này, quân nhà Nguyễn đã đứng vững trong cả 7 trận giao tranh với họ Trịnh suốt nửa thế kỷ sau đó (1627 – 1672).

Mở mang bờ cõi phía nam

Dưới sự phò tá của Đào Duy Từ, nhà Nguyễn không chỉ chống cự được những cuộc tấn công điên cuồng từ phía bắc của họ Trịnh mà còn khuếch trương thanh thế mạnh mẽ về phía nam.

Chủ trương của Đào Duy Từ với các nước phương nam như Chân Lạp, Chăm Pa là vỗ về, khoan dung, dùng đối thoại thay cho đối đầu. Ông khuyên chúa Nguyễn gả các công chúa của mình cho vương tử và quốc vương của Chăm Pa, Chân Lạp như cái cách các vua triều Lý đã từng làm để giữ yên phên giậu nước nhà.

Ngoài ra, hàng năm, triều đình Đàng Trong đều cử sứ bộ đến thông giao với các nước phía nam để giữ gìn hòa hiếu. Chúa Nguyễn thậm chí còn cử binh sang giúp vua Chân Lạp chống lại những cuộc xâm lăng của người Xiêm (Thái Lan). Đổi lại, Chân Lạp đồng ý cho nhà Nguyễn lập ra các đồn binh, thương điếm để tiến hành khai thác, thu thuế suốt một dải đất từ Biên Hòa, Sài Gòn đến Bà Rịa ngày nay.

Bức thư Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Tokugawa Ieyasu. Trên thư đóng dấu ấn triện Trấn thủ tướng quân chi ấn. Ảnh: Wikipedia.
Bức thư Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Tokugawa Ieyasu. Trên thư đóng dấu ấn triện Trấn thủ tướng quân chi ấn. Ảnh: Wikipedia.

Việc giữ mối bang giao hòa bình với Chăm Pa, Chân Lạp là một bước đi cực kỳ đúng đắn của Đào Duy Từ. Ông thấy rằng thế lực của chúa Nguyễn còn non yếu, không thể căng mình đối phó với cả hai mặt bắc nam.

Do vậy, việc thông hiếu với các nước láng giềng Chăm Pa, Chân Lạp giúp mặt phía nam của Đàng Trong ổn định, trừ đi mối nguy hiểm sau lưng để có thể toàn tâm toàn lực đối phó với những cuộc tập kích liên miên của chúa Trịnh ở phía bắc.

Tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng ở phía nam cũng giúp nhà Nguyễn có được bàn đạp căn bản cho công cuộc nam tiến mạnh mẽ suốt thế kỷ 17, 18 sau đó. Có thể nói, cuộc nam tiến của dân tộc Việt có công đầu của các chúa Nguyễn mà trong đó vai trò của Đào Duy Từ là thực sự nổi bật.

Hữu Bằng